Quy trình chụp CT cột sống ngực không tiêm thuốc cản quang

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Thụ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bệnh nhân nghi ngờ các tổn thương ở xương, đĩa đệm, ống sống... có thể được bác sĩ chỉ định chụp CT cột sống ngực để có kết luận chẩn đoán chính xác. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên điều trị hữu hiệu nhất cho bệnh nhân.

1. Sơ lược về các đốt sống ngực

Ở người có 12 đốt sống ngực, được đánh số T1 - T12 với T1 nằm gần hộp sọ nhất, các xương khác trải dần xuống về phía cột sống và vùng thắt lưng. Các đốt sống ngực khớp với xương sườn và xương ức để bảo vệ các cơ quan trong lồng ngực. Đặc điểm của đốt sống ngực là có thân dày hơn các đốt sống cổ, mỏm gai dài và chúc xuống dưới, lỗ đốt sống có hình gần tròn, có hố sườn ở mặt bên thân đốt sống.

Cột sống ngực ít bị thoái hóa hơn so với cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Thoát vị đĩa đệm cũng ít xảy ra ở cột sống ngực.

Với các vấn đề sức khỏe, bệnh lý chấn thương ở cột sống ngực hoặc các cơ quan lân cận, bác sĩ thường chỉ định thực hiện chụp CT cột sống ngực để có kết luận chẩn đoán chính xác.


Chụp CT cột sống ngực cho phép chẩn đoán hình ảnh rõ ràng, phát hiện được các tổn thương
Chụp CT cột sống ngực cho phép chẩn đoán hình ảnh rõ ràng, phát hiện được các tổn thương

2. Kỹ thuật chụp CLVT cột sống ngực không tiêm thuốc cản quang

Kỹ thuật này thực hiện bằng cách sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính để tạo ảnh cột sống ngực, giúp bác sĩ đánh giá tổn thương ở đĩa đệm, xương, ống sống và các thành phần lân cận.

2.1 Chỉ định và chống chỉ định

● Chỉ định: Thực hiện kỹ thuật chụp CT cột sống ngực để đánh giá bệnh lý chấn thương, viêm, khối u của xương và phần mềm cột sống ngực.

● Chống chỉ định: Kỹ thuật chụp CLVT cột sống ngực không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy vậy, kỹ thuật này chống chỉ định tương đối với phụ nữ có thai.

2.2 Chuẩn bị kỹ thuật

● Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên điện quang và điều dưỡng;

● Phương tiện kỹ thuật: Máy chụp cắt lớp vi tính (tốt nhất là dòng máy đa dãy có 8 dãy trở lên), phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh.

● Bệnh nhân: Được bác sĩ giải thích rõ ràng về kỹ thuật để phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình thăm khám; tháo bỏ các vật dụng bằng kim loại trên cơ thể như vòng cổ, bông tai, kẹp tóc, dụng cụ nha khoa; được cho dùng thuốc an thần nếu bệnh nhân quá kích thích và không nằm yên được.

● Phiếu xét nghiệm: Cần có phiếu chỉ định chụp cắt lớp vi tính.


Hình ảnh máy chụp cắt lớp vi tính cột sống ngực
Hình ảnh máy chụp cắt lớp vi tính cột sống ngực

2.3 Quy trình chụp CLVT cột sống ngực không tiêm thuốc cản quang

● Tư thế người bệnh: Nằm ngửa trong khung máy, hạ thấp 2 vai tối đa, đưa 2 tay lên cao theo trục cơ thể. Bệnh nhân nhịn thở và không nuốt trong suốt quá trình chụp.

● Chụp định khu toàn bộ cột sống ngực ở cả 2 bình diện, bắt đầu từ bờ trên C7 tới bờ dưới L1.

● Đặt chương trình chụp tùy theo các yêu cầu lâm sàng cần thiết. Bác sĩ có thể chụp toàn bộ cột sống ngực hoặc chụp các lớp cắt theo hướng các đĩa đệm (đánh giá bệnh lý thoát vị đĩa đệm), sử dụng các phần mềm cho phép xử lý ảnh sau chụp.

● Chọn ảnh chụp phim trên các cửa sổ phim và cửa sổ đĩa đệm.

2.4 Đọc kết quả

● Đánh giá các vấn đề bất thường bẩm sinh cột sống;

● Xem xét các tổn thương gặp ở bệnh lý thoái hóa đốt sống như trượt đốt sống do thoái hoá, hẹp ống sống, thoái hóa dây chằng hoặc thoái hóa khối khớp bên;

● Đánh giá các tổn thương ở thân đốt như vỡ thân đốt, trượt thân đốt, xẹp thân đốt, tổn thương phần mềm rãnh sống, hình ảnh di lệch tổn thương tường sau thân đốt, tổn thương cung sau, máu tụ do chấn thương, dấu hiệu thoát vị đĩa đệm, vị trí các dị vật đối quang i ốt.


Thông qua hình ảnh chụp CT, tổn thương xẹp thân đốt có thể được phát hiện
Thông qua hình ảnh chụp CT, tổn thương xẹp thân đốt có thể được phát hiện

2.5 Nguy cơ tai biến

● Kỹ thuật chụp CLVT cột sống ngực không tiêm thuốc đối quang không gây tai biến;

● Có thể gặp phải một số sai sót cần thực hiện lại kỹ thuật nếu bệnh nhân không giữ bất động trong quá trình chụp CT hoặc hình ảnh không được bộc lộ rõ nét,...

Quy trình chụp CLVT cột sống ngực không tiêm thuốc cản quang khá đơn giản nhưng cần sự phối hợp chặt chẽ của bệnh nhân với bác sĩ để đảm bảo toàn bộ quá trình diễn ra thuận lợi, thu được kết quả chẩn đoán chính xác, không cần phải thực hiện lại kỹ thuật.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe