Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Đức Tuấn - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chụp cộng hưởng từ lồng ngực có tiêm thuốc đối quang từ là một trong những phương pháp chẩn đoán có giá trị cao trong những bệnh lý phổi, trung thất và thành ngực. Trong những bệnh lý tổn thương cần phải khảo sát làm rõ tổn thương và đánh giá được mức độ cấp máu, thuốc đối quang từ có thể giúp xác định rõ những yêu cầu khảo sát phân bố mạch máu và tưới máu mô. Vậy quy trình chụp cộng hưởng từ lồng ngực có tiêm thuốc đối quang từ ra sao?
1. Đại cương
Giải phẫu lồng ngực được chia thành hai phần chính bao gồm khoang ngực chứa các tạng thiết yếu của cơ thể và thành ngực gồm lớp cơ, xương và da bảo vệ các tạng trong khoang ngực.
Hệ thống tim mạch gồm tim và các mạch máu lớn như: quai động mạch chủ, tĩnh mạch chủ lên và xuống, động tĩnh mạch mổ nằm trong trung thất. Bên cạnh đó các cơ quan của hệ thống hô hấp bao gồm phổi và đường dẫn khí nằm trong khoang ngực. Cả hai đều là những cơ quan trọng yếu của cơ thể. Ngoài ra còn các hệ thống mạch bạch huyết và thần kinh tủy sống ở phía sau.
Chụp cộng hưởng từ lồng ngực có tiêm thuốc đối quang từ giúp tăng độ tương phản của mạch máu và bác sĩ có thể đánh giá được mức độ tưới máu của mô thông qua thời gian ngấm thuốc đối quang từ (từ động mạch qua mao mạch tại mô khảo sát và về lại tĩnh mạch). Vì vậy, các bệnh lý liên quan đến lồng ngực cần đánh giá vị trí, kích thước, mật độ và mức độ cấp máu chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc đối quang từ rất có giá trị trong chẩn đoán và tiên lượng điều trị.
2. Chỉ định
- Khảo sát đặc điểm, vị trí, kích thước, mật độ của các tổn thương bệnh lý ở phổi, trung thất, thành ngực;
- Đánh giá khảo sát các mạch máu vùng ngực, mức độ tăng sinh của các tổn thương;
- Một số chỉ định tùy thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng và yêu cầu chuyên môn điều trị.
3. Chống chỉ định
3.1. Chống chỉ định tuyệt đối
- Các chống chỉ định tuyệt đối của chụp cộng hưởng từ: cấy ghép các thiết bị điện tử có kim loại như: máy tạo nhịp, máy chống rung, điện cực ốc tai, máy tiêm thuốc tự động liên tục dưới da, cấy ghép các phương tiện cố định xương bằng kim loại nội sọ, hốc mắt, mạch máu < 6 tháng. Dị vật bằng kim loại vùng ngực.Tình trạng bệnh diễn tiến nặng cần có các thiết bị hồi sức cấp cứu theo dõi và điều trị.
- Các chống chỉ định tuyệt đối liên quan đến thuốc đối quang từ: dị ứng, quá mẫn hoặc phản vệ với thuốc đối quang từ.
3.2. Chống chỉ định tương đối
- Các phương tiện phẫu thuật bằng kim loại > 6 tháng;
- Hội chứng sợ bóng tối, sợ khoảng hẹp, sợ cô độc;
- Suy thận có mức lọc cầu thận <30 mL/phút, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
4. Quy trình chụp cộng hưởng từ lồng ngực có tiêm thuốc đối quang từ
4.1 Chuẩn bị trước khi tiến hành
- Người thực hiện: bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh và kỹ thuật viên chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.
- Thiết bị: máy cộng hưởng 1.5 Tesla hoặc lớn hơn
- Chuẩn bị thuốc sát trùng, bơm tiêm và thuốc đối quang từ.
- Thuốc: có thể sử dụng thuốc hỗ trợ an thần trong những trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng sợ bóng tối, hội chứng sợ không gian hẹp.
- Bệnh nhân: có thể ăn nhẹ, không nhất thiết phải nhịn ăn trước khi chụp. Hướng dẫn và giải thích những việc cần phải làm trước khi bắt đầu chụp phim. Bệnh nhân tháo bỏ những vật dụng chống chỉ định.
4.2. Các bước tiến hành chụp cộng hưởng từ lồng ngực có tiêm thuốc đối quang từ
4.2.1 Tư thế của bệnh nhân
- Nằm ngửa trên bàn chụp cộng hưởng từ;
- Định vị đầu thu tín hiệu ;
- Điều chỉnh bàn chụp vào khoang may và định vị vùng ngực cần khảo sát;
- Điều chỉnh bộ điều khiển để chụp theo nhịp thở, giảm nhiễu ảnh;
- Trong trường hợp tổn thương nằm ở vị trí thành ngực, có thể điều chỉnh tư thế, đặt bệnh nhân nằm nghiêng về bên tổn thương để tránh nhiễm do nhịp thở.
4.2.2. Các chuỗi xung trước khi tiêm thuốc đối quang từ
- Chụp định vị ban đầu lấy toàn bộ lồng ngực (bắt đầu từ đốt sống cổ 1 đến hết cơ hoành theo cả ba mặt phẳng);
- Chuỗi xung T2W mặt cắt đứng ngang và ngang (từ đỉnh phổi đến góc sườn hoành), độ dày mỗi lát cắt từ 6 – 8 mm, khoảng cách 10-20% lớp cắt, FOV 380 – 400, có thể sử dụng chắn từ nếu cần, pha chênh từ LR (trái –phải);
- Chuỗi xung T1W, mặt phẳng cắt ngang tương tự như chuỗi xung T2W cắt ngang.
4.2.2. Các chuỗi xung sau khi tiêm thuốc đối quang từ
Chuỗi xung T1W, mặt phẳng cắt ngang và đứng ngang sau tiêm thuốc đối quang từ (liều 0,1 mmol/kg cân nặng với tốc độ tiêm 2ml/giây), lưu ý cần chụp ngay sau tiêm.
4.3 Đọc kết quả
- Phim chụp cộng hưởng từ phải đạt được những tiêu chuẩn hiện hình rõ các cấu trúc giải phẫu vùng ngực trên các chuỗi xung được lựa chọn;
- Phát hiện vị trí, kích thước, mật độ của tổn thương và đánh giá mức độ ngấm thuốc đối quang từ ở mô cần khảo sát;
- Bác sĩ thuộc chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh là người đọc tổn thương, mô tả trên máy tính có lưu trữ phim chụp;
- In phim, lưu đĩa CD (nếu cần) và kết quả chẩn đoán;
- Tư vấn thêm chuyên môn về kết quả và đề nghị xét nghiệm kiểm tra nếu cần.
5. Theo dõi trong và sau khi chụp cộng hưởng từ
- Trong quá trình chụp cộng hưởng từ: theo dõi sát sinh hiệu (mạch, huyết áp, nhịp thở), tri giác và các dấu hiệu thần kinh khu trú của bệnh nhân.
- Sau quá trình chụp cộng hưởng từ: có thể cho bệnh nhân nằm nghỉ 15 phút theo dõi nếu trong quá trình chụp có bất thường (bệnh nhân bị kích thích, sinh hiệu thay đổi) hoặc chuyển về đơn vị cấp cứu theo dõi tiếp.
6. Tai biến và hướng xử trí
- Một số bệnh nhân mắc hội chứng sợ bóng tối, hội chứng sợ cô đơn hoặc sợ khoảng hẹp có thể sợ hãi và kích động. Kỹ thuật viên hoặc bác sĩ cần hướng dẫn và động viên an ủi người bệnh hoặc có thể sử dụng thuốc an thần trong trường hợp có chỉ định.
- Đối với các tai biến liên quan đến thuốc đối quang từ cần nhận biết sớm để chẩn đoán và xử trí tai biến tiêm thuốc đối quang từ.