Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Quốc Thành - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Cộng hưởng từ động mạch toàn thân có nhiệm vụ quan trọng, giúp chẩn đoán chính xác và theo dõi diễn biến của những bệnh lý động mạch như bóc tách, hẹp, phình. Tìm hiểu chi tiết về quy trình chụp MRI động mạch toàn thân không tiêm thuốc đối quang từ để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi tiến hành.
1. Chụp cộng hưởng từ MRI động mạch toàn thân như thế nào?
Chụp cộng hưởng từ, viết tắt là MRI, đây là một kỹ thuật chụp hình ảnh tiên tiến và được sử dụng trong chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau. Đây là một kỹ thuật chụp không sử dụng tia X, nên hoàn toàn an toàn cho người bệnh, đồng thời cũng mang đến chất lượng hình ảnh có độ phân giải cao, vì vậy nên kỹ thuật này ngày càng được chỉ đỉnh rộng rãi.
Tuy nhiên, vì thiết bị chụp MRI có giá trị rất cao, vốn đầu tư lớn, và yêu cầu đội ngũ nhân viên phải nhiều kinh nghiệm, do đó tại nước ta chỉ có một số cơ sở y tế lớn, uy tín chất lượng mới sở hữu những trang thiết bị hiện đại này.
Chụp cộng hưởng từ động mạch toàn thân đóng góp vai trò lớn trong chẩn đoán cũng như theo dõi những bệnh lý động mạch nguy hiểm như: hẹp, phình, bóc tách,...
Ngày nay, siêu âm Doppler đã hạn chế được sử dụng để thực hiện thăm khám động mạch toàn thân. Tại nhiều cơ sở y tế, chụp cắt lớp vi tính động mạch toàn thân vẫn được sử dụng để đánh giá những bệnh lý động mạch và cho các kết quả chính xác, tuy nhiên bệnh nhân sẽ phải chịu những liều tia X nhất định và gây ra các tổn hại đến sức khỏe người bệnh.
Cộng hưởng từ động mạch toàn thân đã ra đời để giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn này, đây là một phương pháp thăm khám không thực hiện xâm nhập, và không sử dụng tia X nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.
2. Chỉ định và chống chỉ định chụp cộng hưởng từ động mạch toàn thân không tiêm thuốc đối quang từ
2.1 Chỉ định
Chụp cộng hưởng từ động mạch toàn thân có phạm vi ứng dụng tương đối rộng rãi. Nhờ đó, hệ động mạch trong cơ thể của người bệnh sẽ được khảo sát qua từng vị trí quan trọng như não, lồng ngực, cổ, tim mạch, ổ bụng (gồm gan và thận), hai chi dưới và hai chi trên,...
Chỉ định cộng hưởng từ toàn thân khi:
- Nghi vấn bệnh nhân đang mắc các bệnh lý về động mạch như: tắc, hẹp, bóc tách, viêm động mạch,...
- Tất cả những trường hợp được chẩn đoán xác định là có khối u nguyên phát và đang cần đánh giá chi tiết về mức độ lan rộng của những cơ quan, đồng thời đánh giá về mức độ di căn xa của ung thư trong toàn bộ cơ thể, từ đó giúp xếp loại và phân độ được giai đoạn của bệnh.
- Những trường hợp bệnh nhân đang bị ung thư sau khi điều trị bằng phẫu thuật, xạ, hóa trị cũng được yêu cầu chụp cộng hưởng từ toàn thân để đánh giá về tình trạng thoái triển của những tổn thương thứ phát và nguyên phát.
- Những trường hợp được chẩn đoán có những tổn thương đang có tính chất lan rộng và cần phải thực hiện đánh giá toàn diện lại về tình trạng hiện tại của các tổn thương này.
- Hoặc bệnh nhân gặp phải các bất thường bẩm sinh như hẹp eo vùng động mạch chủ,...
- Phát hiện ra những bệnh lý xơ vữa động mạch tại những vị trí quan trọng ví dụ như động mạch cảnh, đây chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây đột quỵ.
- Hỗ trợ thêm cho những kế hoạch để điều trị can thiệp mạch vành.
- Xác định được các khối dị dạng của mạch máu não.
2.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định đối với người bệnh đang đặt máy tạo nhịp, có các dị vật bằng kim loại trong sọ, hốc mắt,... Bệnh nhân bị mắc hội chứng sợ buồng kín.
3. Chuẩn bị gì cho bệnh nhân trước khi chụp MRI động mạch toàn thân không tiêm thuốc
- Người bệnh không cần phải nhịn ăn.
- Người bệnh sẽ được các bác sĩ giải thích cụ thể về các thủ thuật nhằm phối hợp tốt nhất với các kỹ thuật viên.
- Bác sĩ kiểm tra lại các điều kiện chống chỉ định đối với tình trạng sức khỏe của người bệnh.
- Kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh thay quần áo của phòng chụp MRI và tháo bỏ đi những vật dụng chống chỉ định theo quy định.
- Bệnh nhân cần có giấy yêu cầu chụp từ các bác sĩ lâm sàng với những chẩn đoán rõ ràng nhất hoặc có hồ sơ bệnh án bản đầy đủ nếu cần thiết.
4. Quy trình chụp cộng hưởng từ động mạch toàn thân không tiêm thuốc đối quang từ
- Đặt bệnh nhân nằm lên trên bàn thăm khám theo tư thế ngửa và tay xuôi theo thân người.
- Kỹ thuật viên phòng MRI thực hiện lắp hệ thống cuộn thu tín hiệu bao phủ toàn thân của người bệnh.
- Chụp lại những chuỗi xung trước tiêm theo quy trình mà bác sĩ đưa ra.
- Thông thường, thời gian thực hiện là 30-60 phút tùy theo những vị trí xung cần được thăm khám thêm.
- Trước khi kết thúc thăm khám, tháo hết hệ thống các cuộn thu tín hiệu.
- Sau đó, kỹ thuật viên sẽ dựng và xử lý các hình ảnh, in phim
- Bác sĩ sẽ phân tích những tổn thương đã chụp được và đọc kết quả cho người bệnh, đồng thời trả phim cho người bệnh theo lịch hẹn.
- Nhận định kết quả: kết quả hiển thị cho thấy những cấu trúc giải phẫu rõ ràng tại vùng thăm khám, và phát hiện ra những tổn thương nếu có. Các bác sĩ sẽ đọc các tổn thương, mô tả ngay trên máy kết nối nội bộ và in kết quả.
5. Tai biến và xử trí
- Bệnh nhân có thể bị sợ hãi, kích động, sợ phòng kín, hãy an ủi, động viên người bệnh.
- Đối với những bệnh nhân quá lo lắng và sợ hãi có thể được sử dụng thuốc an thần theo sự chỉ định của bác sĩ.
Có thể thấy đây là một trong những kỹ thuật quan trọng trong việc chẩn đoán hình ảnh nhằm đánh giá chính xác các tổn thương mạch máu có thể thay thế cho chụp cắt lớp vi tính và số hóa xóa nền. Chụp cộng hưởng từ động mạch toàn thân là một kỹ thuật có tính chuyên sâu và không nhiều đơn vị y tế cung cấp dịch vụ này. Do đó, người bệnh nên tham khảo và liên hệ với những đơn vị y tế uy tín trước khi đến chụp để được tư vấn hỗ trợ cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.