Quy trình chụp cắt lớp vi tính tầm soát toàn thân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Đức - Bác sĩ Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp cắt lớp vi tính toàn thân là phương pháp khảo sát sức khỏe cho phép bác sĩ chẩn đoán được các vấn đề bên trong cơ thể bệnh nhân mà không cần giải phẫu. Chụp CT toàn thân giúp bác sĩ có kết luận chính xác về vấn đề người bệnh đang gặp phải và đề xuất phương pháp điều trị hữu hiệu.

1. Tổng quan về chụp CT toàn thân

Chụp CT là kỹ thuật sử dụng tia X để khảo sát một vị trí bất kỳ trên cơ thể người, cho phép bác sĩ quan sát kỹ các chi tiết, cấu trúc bộ phận cần kiểm tra. Chụp CT toàn thân được thực hiện từ đỉnh sọ cho tới hết tiểu khung hoặc có thể mở rộng trường cắt xuống phía dưới (tùy từng trường hợp). Phương pháp này thường được thực hiện trên các máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy, tốt nhất là 64 dãy trở lên vì trường khám dài, cần cắt tốc độ nhanh để đánh giá đúng huyết động học của tổn thương.

Với phương pháp chụp cắt lớp vi tính toàn thân, bác sĩ có thể kiểm tra được sức khỏe và phát hiện nguy cơ ung thư của bệnh nhân. Các bệnh như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, bệnh ở não,... đều có thể được phát hiện thông qua kỹ thuật chụp CT toàn thân, không cần dùng tới các biện pháp xâm lấn.

Về thời gian thực hiện kỹ thuật, chụp CT toàn thân mất nhiều thời gian hơn so với chụp CT não, tim, phổi,... Quá trình từ khi chuẩn bị tới khi có kết quả sẽ mất khoảng 30 - 50 phút. Sau khi chụp, bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh thu được để đánh giá tình trạng, theo dõi sức khỏe và bệnh lý của bệnh nhân.


Các bệnh như ung thư vú, ung thư phổi, ... đều có thể được phát hiện thông qua kỹ thuật chụp CT toàn thân
Các bệnh như ung thư vú, ung thư phổi, ... đều có thể được phát hiện thông qua kỹ thuật chụp CT toàn thân

2. Chỉ định chụp cắt lớp vi tính tầm soát toàn thân

● Để phát hiện các tổn thương di căn hoặc xác định tổn thương nguyên phát;

● Trường hợp đa chấn thương nặng cần nhanh chóng chẩn đoán vị trí và phân loại chính xác tổn thương.

Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính toàn thân chỉ nên thực hiện ở người trên 50 tuổi, giúp đánh giá các bệnh tim mạch, cột sống, ung thư,... Với người trong độ tuổi 30, nên hạn chế chụp CT toàn thân mà chỉ nên chụp ở vị trí cần thiết hoặc khi có triệu chứng.

3. Chống chỉ định chụp CT toàn thân

● Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính tầm soát toàn thân không có chống chỉ định tuyệt đối.

● Chống chỉ định tương đối với người bị dị ứng với thuốc đối quang i ốt tiêm tĩnh mạch, hen phế quản, suy thận, suy gan, phụ nữ có thai và trẻ em.

4. Quy trình chụp cắt lớp vi tính tầm soát toàn thân

4.1 Chuẩn bị

● Người thực hiện: Gồm bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên điện quang và điều dưỡng

● Vật tư y tế: Bơm tiêm các loại, thuốc đối quang i ốt tan trong nước, dụng cụ phẫu thuật, dung dịch sát khuẩn da, nước cất hoặc nước muối sinh lý, hộp thuốc, dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang,...

● Phương tiện kỹ thuật: Máy chụp cắt lớp vi tính, máy bơm điện, phim, máy in phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh;

● Bệnh nhân: Được giải thích kỹ về thủ thuật; tháo bỏ các vật dụng bằng kim loại trên cơ thể; nhịn ăn trước 4 giờ, có thể uống dưới 50ml nước; có thể dùng thuốc an thần nếu bệnh nhân quá kích thích, không nằm yên;

● Phiếu xét nghiệm: Có phiếu chỉ định chụp cắt lớp vi tính và các loại giấy tờ cần thiết khác.

4.2 Tiến hành kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính tầm soát toàn thân

● Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, đầu quay về phía khung máy. Nếu cắt tầng sọ thì để tay xuôi theo thân mình; nếu cắt tầng ngực - bụng thì nên đưa tay lên phía đầu (không bắt buộc trong các trường hợp chấn thương). Mục đích của việc này là tránh nhiễu ảnh từ xương cánh tay;

● Đặt kim luồn tĩnh mạch: Thường đặt tại các tĩnh mạch chi trên, nên đặt ở chi đối bên tổn thương nếu có các tổn thương ở tầng ngực như tuyến vú, hố nách nhằm tránh được nguy cơ nhiễu ảnh do thuốc cản quang i ốt nồng độ cao trong tĩnh mạch. Trường hợp khác, có thể đặt kim luồn ở tĩnh mạch chi dưới, tĩnh mạch cảnh, tĩnh mạch dưới đòn và cần thực hiện kỹ thuật cắt theo chương trình Bolus timing để xác định đúng thời điểm cắt;

● Thiết lập thông số máy cắt lớp vi tính: Nhập đầy đủ dữ liệu thông tin của bệnh nhân; các thông số Kv, mAs, FOV và tốc độ vòng quay bóng thay đổi theo từng bệnh nhân; chọn chương trình cắt vòng xoắn liên tục với độ dày lớp cắt phù hợp; tốc độ tiêm 3 – 5 ml/s, liều lượng thuốc 1,5 - 2 ml/kg cân nặng; cắt theo chương trình Bolus timing đúng theo kỹ thuật;

● Tiến hành chụp: Cắt định hướng theo 2 mặt phẳng đứng dọc và đứng ngang; cắt liên tục tầng cổ, ngực, bụng và tiểu khung trước tiêm thuốc, sau tiêm thuốc ở 2 thì động mạch và tĩnh mạch. Khi cắt tới tầng sọ cần hướng dẫn bệnh nhân đặt tay xuôi theo thân mình;

● Tái tạo và dựng ảnh: Tái tạo ảnh hướng mặt phẳng đứng dọc và đứng ngàn với độ dày 1.5 - 3mm tái tạo MIP, MPR và VRT để chẩn đoán. Cần dựng ảnh 3D tùy theo tổn thương và chỉ định thăm khám;

● Theo dõi bệnh nhân sau khi chụp: Băng ép chặt tại vị trí rút kim để tránh chảy máu, đông thời theo dõi phản ứng dị ứng muộn của thuốc đối quang i ốt.


Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính tầm soát toàn thân
Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính tầm soát toàn thân

4.3 Đánh giá kết quả chụp cắt lớp vi tính tầm soát toàn thân

● Hình ảnh thu được thấy được các cấu trúc giải phẫu ở vùng thăm khám;

● Phát hiện được tổn thương, đánh giá được tính chất ngấm thuốc nếu có.

4.4 Tai biến và cách xử trí

● Có thể xảy ra sai sót như bệnh nhân không giữ bất động trong quá trình chụp cắt lớp vi tính toàn thân hoặc hình ảnh bộc lộ không rõ nét nên cần phải thực hiện lại kỹ thuật;

● Tai biến liên quan tới thuốc đối quang i ốt: Dị ứng, khó thở, phát ban,... cần xử trí đúng theo phác đồ chuẩn.

Chụp cắt lớp vi tính toàn thân là cơ sở giúp bác sĩ đưa ra các chẩn đoán bệnh của bệnh nhân, có biện pháp can thiệp xử trí thích hợp. Khi được chỉ định thực hiện phương pháp này, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe