Quản lý và điều trị suy tim: Theo dõi cân nặng và lượng nước nhập hàng ngày

Bài viết được viết bởi ThS.BS Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Theo dõi cân nặng là một trong những cách quan trọng và dễ thực hiện, để cho biết tình trạng suy tim đang ổn định hay tiến triển nặng hơn, và có cần phải thay đổi thuốc để kiểm soát lượng dịch dư thừa ứ đọng trong cơ thể hay không? Nếu can thiệp kịp thời có thể giảm tần suất nhập viện vì đợt cấp suy tim mất bù.

Cân nặng mỗi ngày

Theo dõi cân nặng mỗi ngày và ghi chép lại cân nặng của mình là rất quan trọng đối với bệnh nhân suy tim. Thực hiện theo các bước sau, để giúp có được cân nặng chính xác nhất có thể:

  • Sử dụng cùng một cái cân mỗi ngày
  • Cân nặng khi không mặc quần áo hoặc mặc cùng một loại quần áo
  • Cân vào cùng một thời điểm mỗi ngày
  • Tự cân sau khi đi tiểu nhưng trước khi ăn
  • Ghi lại cân nặng mỗi ngày, sử dụng lịch theo dõi

Bệnh nhân suy tim cần theo dõi và ghi chép lại cân nặng mỗi ngày
Bệnh nhân suy tim cần theo dõi và ghi chép lại cân nặng mỗi ngày

Biết trọng lượng khô của bạn

Trọng lượng khô là trọng lượng của bạn khi bạn không có tình trạng dư dịch trong cơ thể, là lúc bệnh nhân suy tim cảm thấy khỏe. Có thể hỏi bác sĩ hoặc y tá xem trọng lượng khô của bạn là bao nhiêu. Viết trọng lượng khô và cân nặng theo dõi hàng ngày vào nhật ký.

So sánh trọng lượng hàng ngày với trọng lượng khô của bạn. Mục tiêu là giữ cho trọng lượng của mình thay đổi không quá 1.5kg (so với trọng lượng khô của mình).

Trọng lượng khô có thể thay đổi theo thời gian. Hãy nhớ hỏi bác sĩ hoặc y tá của bạn về trọng lượng khô của mình ở mỗi lần khám.

Điều gì sẽ xảy ra nếu trọng lượng của tôi thay đổi nhiều so với trọng lượng khô của tôi (quá 1.5 kg)? Nếu đang ở nhà, hãy gọi cho bác sĩ hoặc điều dưỡng đang chăm sóc cho bạn.

Hạn chế chất lỏng

Một số bệnh nhân bị suy tim cần hạn chế lượng chất lỏng họ nạp vào. Hãy hỏi bác sĩ xem mình có cần hạn chế dịch hay không và có thể uống bao nhiêu mỗi ngày. Ghi chép xuống ngay tại các biểu đồ đo cân nặng mỗi ngày.

Theo dõi lượng dịch mỗi ngày

Đầu tiên, điều quan trọng là phải theo dõi tất cả các chất lỏng ăn hoặc uống mỗi ngày, để không vượt quá giới hạn của mình, nên ghi chép lại và dùng bình nước để đo lường lượng nước uống mỗi ngày, để biết khi nào mình đã nạp lượng dịch đạt đến giới hạn tối đa hàng ngày. Một số thực phẩm được coi là chất lỏng như súp, cháo, que kem, kem, bánh plan, bánh pudding, trái cây như dưa hấu...


Theo dõi tất cả các chất lỏng mà cơ thể dung nạp mỗi ngày
Theo dõi tất cả các chất lỏng mà cơ thể dung nạp mỗi ngày

Nếu tôi khát thì sao?

Khát không phải lúc nào cũng có nghĩa là cơ thể bạn đang thiếu nước, hãy cẩn thận để không nhập quá nhiều nước vào.

Các cách sau có thể giúp giảm cảm giác khát:

  • Ăn nhẹ với nho hoặc dâu tây đông lạnh
  • Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo cứng
  • Tránh sữa, kem và muối (natri) vì chúng có thể khiến bạn khát
  • Dùng son dưỡng môi hoặc sáp dưỡng môi (Vaseline) để giữ ẩm cho môi

Nếu đổ mồ hôi nhiều hoặc sinh hoạt ở ngoài trời nắng nóng, hãy đảm bảo rằng bạn không bị mất nước. Các dấu hiệu mất nước hay không uống đủ chất lỏng là:

  • Nước tiểu sẫm màu (đậm đặc)
  • Tim đập nhanh
  • Cảm thấy chóng mặt khi bạn di chuyển xung quanh
  • Rất khô miệng và lưỡi
  • Cảm thấy hoa mắt

Nếu có dấu hiệu mất nước, hãy uống thêm một hoặc nhiều cốc nước

Kiểm soát tình trạng khó thở do thừa chất lỏng

Nếu cơ thể dư nước, bạn có thể cảm thấy như mình không thở được. Nếu khó thở là một triệu chứng mới hoặc nếu nó tiến triển nặng hơn so với trước đây, hãy gọi cho bác sĩ hoặc y tá của bạn. Những lời khuyên sau đây có thể giúp bạn loại bỏ chất lỏng thừa và thở dễ dàng hơn.


Cơ thể dư thừa chất lỏng sẽ gây ra tình trạng khó thở
Cơ thể dư thừa chất lỏng sẽ gây ra tình trạng khó thở

Hạn chế Natri (muối) và chất lỏng

  • Giảm lượng natri trong chế độ ăn uống của bạn trong 2 ngày. Ví dụ, nếu bình thường chế độ ăn khoảng 2.400 mg natri mỗi ngày, hãy giảm lượng natri xuống khoảng 2.000 mg mỗi ngày.
  • Giảm lượng nước nhập trong 2 ngày. Ví dụ, nếu bạn thường uống 8 cốc nước mỗi ngày, hãy giảm lượng nước uống xuống còn 6 cốc mỗi ngày.

Nếu bạn giảm natri và chất lỏng trong 2 ngày mà vẫn còn khó thở, hãy gọi cho bác sĩ, nếu cần có thể phải thay đổi liều thuốc lợi tiểu để thải bớt nước.

Thử thay đổi vị trí

Nếu khó thở vào ban đêm, hãy dùng gối hoặc đệm để giúp nâng tư thế đầu cao hơn. Hoặc cũng có thể thử ngủ trên ghế tựa. Hãy báo cho bác sĩ hoặc y tá biết nếu bạn cần thêm gối hoặc cần ngủ trên ghế, để chỉnh liều thuốc lợi tiểu, có thể giúp ngăn ngừa đợt suy tim cấp tiến triển phải nhập viện.

Bên cạnh việc điều trị bệnh suy tim bằng thuốc, chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều không thể thiếu để điều trị thành công suy tim.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe