Suy tim cấp là một trong những biểu hiện của bệnh suy tim xảy ra bất ngờ, bệnh nhân cần chuẩn bị trước kiến thức về bệnh lý cũng như hướng điều trị và xử lý trong trường hợp khẩn cấp khi cần thiết.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Suy tim cấp là gì?
Suy tim cấp là tình trạng những biểu hiện của hội chứng suy tim xảy ra một cách đột ngột, cần được can thiệp cấp cứu nhanh nhất. Các triệu chứng bao gồm sung huyết phổi và có thể giảm cung lượng tim hệ thống. Hiện nay có rất nhiều tiến bộ đáng kể trong việc chẩn đoán và điều trị tình trạng bệnh này.
Suy tim cấp có thể chia thành hai dạng phổ biến: phù phổi cấp và sốc tim. Trong đó, 20% trường hợp suy tim cấp xuất hiện một cách đột ngột và mới, trong khi 80% trường hợp còn lại liên quan đến suy tim mạn (suy tim mạn tính) và bị suy yếu trạng thái nặng hơn. Vì vậy, việc xác định dạng suy tim, các yếu tố thúc đẩy, và nguyên nhân gây bệnh đóng vai trò quan trọng trong xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp.
2. Phân loại suy tim cơ bản nhất
2.1 Suy tim trái
Với suy tim trái, tâm thất trái của tim trở nên yếu đi và mất khả năng bơm máu. Trong trường hợp này, tim không thể bơm máu đến các cơ quan quan trọng như não và thận. Suy tim trái được chia làm 2 loại:
Suy tim tâm thu:
● Tình trạng này xảy ra khi tâm thất trái của tim không còn khả năng co bóp đủ mạnh để duy trì lưu thông máu bình thường trong cơ thể, dẫn đến mất nguồn cung cấp máu cho cơ thể. Điều này khiến máu chảy ngược vào các cơ quan, khiến chất lỏng tích tụ trong phổi và gây sưng tấy ở các bộ phận khác của cơ thể.
Suy tim tâm trương:
● Tình trạng này xảy ra khi tâm thất trái của tim bị thu hẹp hoặc dày lên, làm giảm lượng máu bơm ra ngoài. Theo thời gian, máu dồn vào tâm nhĩ trái và sau đó là phổi, gây tích tụ chất lỏng và gây ra các triệu chứng suy tim.
2.2 Suy tim phải
Suy tim phải là bệnh lý trong đó tâm thất phải của tim trở nên quá yếu để bơm đủ máu lên phổi. Điều này khiến máu ứ đọng trong tĩnh mạch (mạch dẫn máu từ các cơ quan và mô đến tim). Khi áp lực trong tĩnh mạch tăng lên, máu bị đẩy ra khỏi tĩnh mạch và đi vào các mô xung quanh. Điều này khiến chất lỏng tích tụ ở chân hoặc hiếm gặp hơn ở vùng sinh dục, các cơ quan gần đó hoặc bụng.
3. Nguyên nhân suy tim cấp là gì
Suy tim cấp có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
3.1. Biến cố khiến suy tim cấp trầm trọng
- Rối loạn nhịp tim nhanh hoặc chậm nặng: Nhịp tim không đều có thể gây ra suy tim cấp khi trái tim không bơm máu hiệu quả.
- Hội chứng mạch vành cấp: Các biến cố như tắc nghẽn mạch vành có thể dẫn đến thiếu máu và tổn thương trái tim, góp phần làm bệnh trở nên nghiêm trọng.
- Biến chứng cơ học của hội chứng mạch vành cấp: Các sự kiện như vách liên thất vỡ hoặc đứt dây chằng van hai lá có thể gây ra suy tim cấp.
- Thuyên tắc phổi cấp: Sự tắc nghẽn nhanh chóng của mạch máu đến phổi có thể làm gia tăng áp lực lên trái tim.
- Cơn tăng huyết áp cấp cứu: Áp lực máu cao và không kiểm soát có thể gây ra bệnh nếu không điều trị kịp thời.
- Ép tim: Suy tim có thể xảy ra sau một cơn ép tim nặng, gây tổn thương cho trái tim.
- Bóc tách động mạch chủ: Một sự kiện hiếm gặp nhưng nếu xảy ra, có thể gây suy tim cấp một cách nhanh chóng.
- Phẫu thuật và các vấn đề liên quan đến chu phẫu: Sau một ca phẫu thuật tim mạch, suy tim cấp có thể xảy ra là một biến chứng.
- Bệnh cơ tim chu sinh: Các bệnh lý cơ tim từ khi mới sinh có thể gây ra bệnh khi trái tim không phát triển hoặc hoạt động đúng cách.
3.2 Biến cố khiến suy tim nặng dần theo thời gian dài
- Nhiễm trùng (bao gồm viêm nội tâm mạc nhiễm trùng).
- Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc hen phế quản.
- Thiếu máu.
- Suy chức năng thận.
- Không tuân thủ chế độ ăn kiêng hoặc thuốc điều trị.
- Nguyên nhân do thầy thuốc gây ra (do kê đơn thuốc kháng viêm không steroid hoặc corticoid, tương tác thuốc,...).
- Rối loạn nhịp, nhịp chậm, rối loạn dẫn truyền nhưng không gây giảm nhịp tim đột ngột, nặng nề.
- Tăng huyết áp không kiểm soát được.
- Nghiện rượu và và các chất gây nghiện.
4. Triệu chứng suy tim cấp
4.1 Triệu chứng liên quan đến quá tải thể tích:
- Khó thở (khi gắng sức, kịch phát về đêm, khi nằm, hoặc lúc nghỉ); ho, khò khè.
- Khó chịu chân và bàn chân: phù, tê bì, lạnh
- Khó chịu ở bụng: đầy bụng, chán ăn
- Khi thăm khám sẽ thấy: ran ở phổi, tràn dịch màng phổi, phù ngoại biên (chân, vùng thấp), chướng bụng hoặc tăng vòng bụng, đau hoặc tức 1/4 bụng trên phải, gan to hoặc lách to, củng mạc vàng, tăng cân, tĩnh mạch cổ nổi, phản hồi gan tĩnh mạch cổ (+), tăng tiếng T3, tiếng T2 mạnh.
4.2 Triệu chứng liên quan đến giảm tưới máu mô:
● Mệt
● Thay đổi tri giác, ngủ gà ban ngày, lú lẫn, mất tập trung, choáng váng, gần ngất hoặc ngất
● Chân tay lạnh tái nhợt, tụt huyết áp
● Thăm khám sẽ thấy: áp lực mạch hẹp hoặc chênh áp thấp, choáng.
5. Các phương pháp chẩn đoán suy tim cấp
Suy tim cấp tính là một tình trạng bệnh nghiêm trọng, đòi hỏi sự hỗ trợ từ bác sĩ và đội ngũ y tế ngay lập tức. Bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán dựa trên các biểu hiện lâm sàng, hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân và kết quả kiểm tra sức khỏe để phát hiện ra những dấu hiệu chỉ rõ rằng tim đang không thể bơm máu đúng cách.
Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng có thể xác định loại suy tim cấp để đề xuất phương pháp điều trị thích hợp, các phương pháp đó bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG): sử dụng điện cực để theo dõi hoạt động tim.
- Theo dõi nồng độ oxy trong máu.
- Các xét nghiệm máu có thể phản ánh nguyên nhân cơ bản của việc dẫn đến suy tim hoặc nguy cơ xuất hiện các biến chứng cùng những ảnh hưởng đến sức khoẻ
- Chụp X-quang ngực: Hữu ích để theo dõi phản ứng và quá trình điều trị.
- Siêu âm tim: khảo sát hình ảnh tim đang bơm máu, giúp xác định đúng loại suy tim.
- Chụp cộng hưởng từ tim (chụp MRI tim) và chụp cắt lớp vi tính tim (chụp CT tim): Cung cấp hình ảnh chi tiết về tổn thương cơ tim.
6. Biến chứng suy tim cấp
- Suy tim cấp tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Một số biến chứng là:
- Thiếu máu: Tình trạng này xảy ra khi máu thiếu các tế bào hồng cầu hoặc huyết sắc tố khỏe mạnh và có thể gây suy nhược và mệt mỏi.
- Rung tâm nhĩ: Nhịp tim không đều này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và đông máu.
- Rối loạn chức năng thận: Thường gặp ở bệnh nhân suy tim và làm tăng nguy cơ biến chứng tim, nhập viện và tử vong.
- Giãn tĩnh mạch và loét: Tuần hoàn kém có thể khiến da dày lên, thay đổi màu sắc và có vẻ sáng bóng. Chấn thương có thể khiến tóc rụng hoặc để lại sẹo.
- Bệnh gan: Những người bị suy tim có nguy cơ mắc bệnh gan.
7. Điều trị suy tim cấp
Để điều trị suy tim cấp hiệu quả, cần đánh giá tình trạng bệnh nhân trước:
- Xác định xem bệnh nhân có suy hô hấp hoặc sốc tim hay không. Nếu có, cần thực hiện hồi sức tích cực và chuyển bệnh nhân đến phòng chăm sóc cấp cứu (ICU).
- Đối với trường hợp suy tim cấp nhẹ hơn, cần đánh giá các yếu tố như đường thở, thông khí và cung cấp oxy cho bệnh nhân. Đặt đường truyền tĩnh mạch để cung cấp thuốc và theo dõi các dấu hiệu sống còn của bệnh nhân, bao gồm việc theo dõi nước tiểu.
7.1. Phù phổi cấp
Phù phổi cấp là một trong những biến chứng nguy hiểm của suy tim cấp. Để đánh giá tình trạng của bệnh nhân phù phổi, bác sĩ cần phải đánh giá các yếu tố:
- Đánh giá tình trạng bệnh nhân qua lịch sử bệnh, triệu chứng cơ năng, và thăm khám lâm sàng.
- Sử dụng các xét nghiệm như điện tâm đồ 12 chuyển đạo, X-quang ngực, siêu âm tim qua ngực, các xét nghiệm máu như công thức máu, Ure, Creatinine, điện giải đồ, men tim, và khí máu động mạch để chẩn đoán và đánh giá nguy cơ.
- Trong trường hợp nặng, có thể cần thực hiện các xét nghiệm sâu hơn như thông tim, siêu âm tim qua thực quản, hoặc đặt catheter động mạch hệ thống.
Các biện pháp điều trị phù phổi do suy tim cấp bao gồm:
- Các biện pháp điều trị bao gồm cung cấp oxy, đặt đường truyền tĩnh mạch và sử dụng các loại thuốc như lợi tiểu Furosemide, Nitroglycerin, Morphine Sulfate.
- Truyền thuốc vận mạch như Dobutamin, Dopamin nếu huyết động không ổn định. Đặt nội khí quản và hỗ trợ thở máy nếu cần. Cũng có thể sử dụng các phương pháp hỗ trợ tuần hoàn như máy siêu lọc máu. Điều trị nguyên nhân dẫn đến phù phổi cấp và tìm hiểu nguyên nhân để điều trị lâu dài sau khi bệnh nhân thoát khỏi cơn phù phổi cấp.
7.2 Sốc tim
Các tổn thương tim dẫn đến sốc tim có thể ở cơ tim, van tim, buồng tim hoặc do loạn nhịp tim. Ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, 80% nguyên nhân sốc tim là do tổn thương cơ tim, chỉ 20% do yếu tố cơ học như hở 2 lá cấp, thủng vách liên thất.
Đánh giá bệnh nhân sốc tim:
- Đánh giá bệnh nhân bằng lịch sử bệnh và kiểm tra lâm sàng. Điều này bao gồm kiểm tra huyết áp, điện tâm đồ, X-quang ngực, siêu âm tim, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm và các xét nghiệm máu.
Các biện pháp điều trị bao gồm:
- Các biện pháp điều trị bao gồm cung cấp oxy, đặt nội khí quản và hỗ trợ thở bằng máy nếu cần. Sử dụng các thuốc vận mạch truyền tĩnh mạch như Dopamine, Dobutamine, Milrinone, Noradrenaline. Nếu có tổn thương cơ tim, có thể cần đặt bóng đối xung động mạch chủ hoặc thực hiện tái thông mạch vành để điều trị nguyên nhân gây ra sốc tim.
7.3 Điều trị tiếp theo
Sau khi ổn định tình trạng suy tim cấp, điều trị lâu dài và quản lý bệnh nhân để cải thiện chức năng tim và chất lượng cuộc sống. Điều này bao gồm theo dõi huyết áp, cân nặng, thể tích dịch xuất nhập hàng ngày, và điều chỉnh thuốc. Hỗ trợ bệnh nhân trong việc duy trì sức khỏe và theo dõi sát sao để giảm nguy cơ tái nhập viện và tử vong.
Suy tim cấp là một tình trạng nghiêm trọng, đòi hỏi sự can thiệp nhanh chóng và chăm sóc tích cực. Sau điều trị cấp cứu, việc theo dõi và điều trị tiếp theo rất quan trọng để giúp bệnh nhân ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống.
8. Phòng ngừa suy tim cấp
Một lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe tim mạch sẽ góp phần ngăn ngừa nguy cơ suy tim cấp. Đối với chế độ dinh dưỡng, việc ăn hoa quả và rau, cũng như ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì và gạo lứt, đều là cách quan trọng để duy trì sức khỏe tim mạch.
Giảm tiêu thụ thịt và ưu tiên sử dụng các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không chứa chất béo giúp hạn chế lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Việc hạn chế thực phẩm giàu chất béo như pho mát và thực phẩm chế biến sẵn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho trái tim khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, tránh thức ăn nhiều muối và đường cũng là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh để phòng ngừa suy tim cấp tính. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trong việc điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe cụ thể.
Ngoài ra, những phương pháp điều chỉnh lối sống khác như uống đủ nước, không sử dụng thuốc lá và ma túy. Tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng phù hợp, và giảm căng thẳng thông qua thiền hoặc tập thể dục cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn suy tim cấp. Chúng ta cũng cần lưu ý đến mức tiêu thụ rượu để duy trì một lối sống lành mạnh cho tim mạch.
9. Điều trị suy tim tại Vinmec
Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc suy tim cấp ngày càng nhiều, tiến triển càng nhanh. Do vậy, việc tìm kiếm một phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa là điều rất cần thiết. Trung tâm Tim Mạch - bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã xây dựng Phòng khám chuyên sâu về suy tim được tổ chức và đưa vào hoạt động từ tháng 3/2019. Đây là 1 trong số ít các phòng khám chuyên sâu về suy tim được xây dựng sớm nhất tại Việt Nam có tham khảo mô hình của Mỹ và Singapore, mang lại hy vọng điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân bị suy tim nhằm phục vụ cho nhu cầu thăm khám, tư vấn, điều trị mang lại sức khỏe cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được quản lý theo mẫu bệnh án thống nhất, thuận tiện cho việc tra cứu và lưu trữ trên nguyên tắc bảo mật thông tin. Bệnh viện đang xây dựng các phần mềm trên điện thoại thông minh để qua đó có được sự tương tác chặt chẽ, thường xuyên giữa bệnh nhân và nhân viên y tế như: nhắc lịch khám, nhắc và hướng dẫn dùng thuốc, cách thức sử trí các tình huống phát sinh, giáo dục sức khỏe.
Đánh giá mức độ suy tim, lập kế hoạch điều trị cụ thể, tối ưu và phù hợp với từng bệnh nhân, trên cơ sở áp dụng các hướng dẫn cập nhật từ các tổ chức chuyên khoa Tim Mạch lớn trên thế giới như Hội Tim Mạch châu Âu, hội Tim mạch và Trường môn Tim Mạch Hoa kỳ. Với những bệnh nhân bị suy tim giai đoạn muộn, phòng khám chuyên sâu về suy tim sẽ tổ chức hội chẩn để đưa ra các biện pháp điều trị tăng cường: tái đồng bộ, thiết bị hỗ trợ thất, ghép tim.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.