Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Đào Minh Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Hệ tiêu hóa ở người gồm nhiều cơ quan cấu tạo thành, trong đó có ruột non và ruột già. Dù hoạt động cùng nhau trong hệ đường ruột nhưng giữa ruột non và ruột già vẫn có sự khác biệt nhất định khi thực hiện quá trình xử lý thức ăn.
1. Tổng quan về ruột non và ruột già
Ruột non và ruột già là hai cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở người. Mỗi cơ quan đều thực hiện hoạt động tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học để xử lý thức ăn.
- Ruột non được chia thành tá tràng, hổng tràng và hồi tràng. Cấu tạo gồm 4 lớp chính: lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ và thanh mạc. Đây là cơ quan hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng của cơ thể.
- Ruột già được cấu thành từ manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang,đại tràng xuống, đại tràng xích ma (sigma) và trực tràng. Ruột già là nơi hấp thụ lại các chất còn sót từ thức ăn và tích trữ phân cho đến khi phân được tống thoát.
2. Sự khác nhau giữa ruột non và ruột già trong quá trình tiêu hóa
2.1. Khác nhau về quá trình tiêu hóa cơ học
Muốn thực hiện quá trình tiêu hóa ở ruột non cần có 4 hoạt động tiêu hóa cơ học, bao gồm: co thắt, cử động quả lắc, nhu động và phản nhu động.
- Co thắt: Là hoạt động giúp chia các nhũ trấp (thức ăn đã vào ruột non) ra thành từng mẩu ngắn để dễ ngấm vào dịch tiêu hóa.
- Cử động quả lắc: Có trách nhiệm trộn đều nhũ trấp với dịch tiêu hóa nhằm tăng nhanh tốc độ tiêu hóa ở ruột non
- Nhu động: Là chuyển động có hình dáng giống những làn sóng co bóp qua lại, lan từ đầu cho đến cuối phần ruột non, chuyển động này có nhiệm vụ giúp đẩy thức ăn di chuyển trong ruột. Nếu bị tắc ruột do các bệnh lý như khối u, giun, xoắn ruột... thì việc đẩy được các nhũ trấp đi qua được chỗ tắc là vô cùng khó khăn. Để đi qua cần nhu động phải tăng mạnh chuyển động, gây ra triệu chứng đau bụng từng cơn và xuất hiện dấu hiệu rắn bò (dấu Koenig). Đây là một trong các dấu hiệu để chẩn đoán ra tình trạng tắc ruột.
- Phản nhu động: Giống với nhu động nhưng ngược chiều, xuất hiện thưa và yếu hơn. Phản nhu động có nhiệm vụ phối hợp với nhu động để làm chậm lại sự di chuyển của nhũ trấp. Mục đích của việc này là để quá trình tiêu hóa và hấp thu diễn ra triệt để hơn.
Trong khi đó, quá trình tiêu hóa ở ruột già cần thực hiện 4 hoạt động tiêu hóa cơ học bao gồm: cử động phân đoạn, nhu động, cử động toàn thể và sự tống thoát phân.
- Cử động phân đoạn: Chia ruột già thành các đoạn gần giống với các túi (haustra) và thực hiện trộn các dưỡng trấp qua lại, cũng như thay đổi mặt tiếp xúc với niêm mạc. Nhờ cử động này mà khoảng 1000ml dưỡng trấp thì chỉ có từ 80 - 150ml là không thể hấp thu và được đưa theo phân ra ngoài.
- Nhu động: Ở ruột già cũng có nhu động lượn sóng giống như nhu động của ruột non, giúp đưa dưỡng trấp di chuyển theo ruột già với tốc độ chậm (5cm/giờ). Thông thường, dưỡng trấp mất khoảng 48 tiếng để đi qua hết đoạn ruột già.
- Cử động toàn thể: Thường xảy ra khoảng 3 - 4 lần trong một ngày, có tác dụng hỗ trợ đưa nhanh những dưỡng trấp ở đại tràng về phía trực tràng.
- Sự tống thoát phân: Xảy ra khi phân được đẩy nhanh vào trực tràng, gây ra phản xạ co thắt và giãn cơ hậu môn. Khi phân di chuyển đến làm căng thành trực tràng, các tín hiệu sẽ được phát đi làm co thắt đại tràng sigma, đại tràng xuống và trực tràng. Đồng thời, khi nhu động tiến về phía hậu môn thì cơ thắt hậu môn sẽ giãn ra và tạo cảm giác muốn đại tiện. Ngoài ra, một số hành động như hít vào sâu, co cơ hô hấp, đóng nắp thanh môn và cơ thành bụng cũng làm tăng áp suất trong ổ bụng,... giúp thoát phân ra ngoài.
2.2. Khác nhau về quá trình tiêu hóa hóa học
Về tiêu hóa hóa học, ruột già sẽ bài tiết một chất nhầy kiềm tính bôi trơn để phân dễ dàng di chuyển ra ngoài. Ruột già không thật sự quan trọng đối với việc hấp thu vì khi xuống đến ruột già, thức ăn đã được hấp thu dưỡng chất gần hết ở ruột non. Vì vậy, đến giai đoạn này thức ăn gần như không còn chất dinh dưỡng nào.
Riêng ruột non, dịch tiêu hóa ở của cơ quan này phong phú hơn ở ruột già vì nhận từ 3 nơi tiết ra là: tụy, mật và ruột non. Về việc hấp thu, ruột non đóng vai trò khá quan trọng để khai thác các nguồn dinh dưỡng từ thức ăn. Tại giai đoạn này, hầu hết các chất mà cơ thể cần phải hấp thu (sản phẩm tiêu hóa, nước, điện giải, thuốc) thì đều được ruột non hấp thụ một cách triệt để.
2.3. Sự khác nhau về chức năng tiêu hóa giữa ruột non và ruột già
Quá trình tiêu hóa ở ruột non có chức năng chính là thực hiện các hoạt động tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học để tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn. Đồng thời, ruột non sau khi hấp thu chất dinh dưỡng cũng sẽ chuyển hóa và vận chuyển dưỡng chất này đến các cơ quan khác để nuôi sống cơ thể.
Quá trình tiêu hóa ở ruột già cũng gồm các hoạt động tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học. Tuy nhiên, chức năng chính của quá trình này lại là hấp thu nước và các điện giải còn sót lại từ thức ăn, cũng như hỗ trợ thực hiện tống thoát phân ra ngoài.
Tóm lại, quá trình tiêu hóa ở ruột non và ruột già có vài phần giống và khác nhau ở cơ chế tiêu hóa cơ học, hóa học và chức năng mà cơ quan đó đảm nhiệm. Dù có sự khác biệt nhất định, nhưng điều này không gây ảnh hưởng gì đến quá trình tiêu hóa mà còn góp phần giúp cơ thể hoạt động tốt hơn.
3. Bệnh lý ruột non và ruột già trong quá trình tiêu hóa
Có thể thấy quá trình tiêu hóa ở ruột non và ruột già đều có những đặc điểm khác biệt và giữ vai trò riêng. Bất kỳ một bệnh lý nào trên ruột non hay ruột già đều có thể ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn và hấp thu dưỡng chất của cơ thể.
Các bệnh lý thường gặp của ruột ron và ruột già là: viêm ruột, u ruột non, tắc ruột non, lao ruột, hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, ung thư đại tràng, polyp đại tràng, túi thừa đại tràng ...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.