Probiotics có thể giúp cải thiện tâm trạng?

Nghiên cứu cho thấy lợi khuẩn Probiotics không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn có tác dụng cải thiện tâm trạng, xua tan căng thẳng, giảm trầm cảm và chống rối loạn lo âu.

1. Vi khuẩn đường ruột và probiotics ảnh hưởng thế nào đến hệ não bộ?

Ngoài việc cải thiện sức khỏe đường ruột, probiotics còn có thể gián tiếp tăng cường chức năng não.

Ruột được xem là "bộ não thứ hai" của cơ thể vì nó có khả năng sản xuất ra nhiều chất dẫn truyền thần kinh giống như bộ não, như serotonin, dopamine và axit gamma-aminobutyric, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cải thiện tâm trạng. Trên thực tế, người ta ước tính rằng có đến 90% serotonin được tạo ra trong hệ tiêu hóa.

Nghiên cứu cho thấy ruột và não có mối liên hệ mật thiết với nhau, được gọi là trục não - ruột. Cả hai được liên kết thông qua tín hiệu sinh hóa trong hệ thống thần kinh ở đường tiêu hóa, được gọi là hệ thần kinh ruột và hệ thần kinh trung ương (bao gồm não). Kết nối thông tin chính giữa não và ruột là dây thần kinh phế vị, dây thần kinh dài nhất trong cơ thể.

Trục não - ruột đóng vai trò chủ yếu giúp giải thích hiện tượng rối loạn tâm thần kinh và rối loạn tiêu hóa cùng xảy ra trên một bệnh nhân. Theo đó, vi khuẩn chí đường ruột được xem là tác nhân quan trọng trong hoạt động tương tác não - ruột, qua các dây thần kinh, hệ miễn dịch và chuyển hóa. Do đó, bổ sung các chủng probiotics thích hợp có khả năng tác động tích cực lên chức năng thần kinh của cơ thể.

Những nghiên cứu mới về mối tương quan giữa não - ruột cũng góp phần làm rõ cơ chế tác động từ não đến ruột, và ngược lại. Cụ thể hơn, tác động từ não bộ đến ruột và ngược lại sẽ dựa vào các chất làm nhiệm vụ miễn dịch, truyền dẫn do hệ vi khuẩn chí sản sinh (hệ vi khuẩn này bao gồm hàng tỷ vi khuẩn với hơn 1000 loại). Cơ chế này dẫn đến việc các bất thường liên quan đến não (như trầm cảm, rối loạn lo âu...) sẽ ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn ở đường ruột. Ngược lại, những vấn đề liên quan đến hệ vi khuẩn ruột cũng sẽ kéo theo các bệnh lý thần kinh, với biểu hiện lo âu, căng thẳng, tâm trạng bất thường,...

Mặt khác, những gì ảnh hưởng đến đường ruột thường sẽ ảnh hưởng đến não bộ và ngược lại. Khi não của bạn cảm nhận được vấn đề và xảy ra phản ứng chống trả hay bỏ chạy, nó sẽ gửi tín hiệu cảnh báo đến đường ruột. Đó là lý do tại sao sự căng thẳng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như căng tức hoặc đau bụng. Tương tự, các vấn đề về đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh Crohn hoặc táo bón mãn tính có nguy cơ dẫn đến lo lắng hoặc trầm cảm.

Trục não - ruột có thể tác động lẫn nhau theo những cách khác. Ví dụ, đường ruột của bạn giúp điều chỉnh sự thèm ăn bằng cách thông báo cho não biết khi nào bạn nên ngừng ăn. Khoảng 20 phút sau khi ăn, hệ vi sinh vật đường ruột sản xuất ra các protein ngăn chặn sự thèm ăn, trùng với thời gian mà cơ thể thường bắt đầu cảm thấy no.


Probiotics có vai trò vô cùng quan trọng với sức khỏe con người
Probiotics có vai trò vô cùng quan trọng với sức khỏe con người

2. Probiotics giúp cải thiện tâm trạng và chống rối loạn lo âu

Probiotics không chỉ hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh hơn mà còn giúp não bộ hoạt động tốt hơn.

Nghiên cứu cho thấy men vi sinh có tác dụng cải thiện tâm trạng và chức năng nhận thức, đồng thời làm giảm căng thẳng và rối loạn lo âu. Kết quả thử nghiệm chứng minh việc bổ sung probiotics có liên quan đến việc não bộ hoạt động ổn định hơn. Một nghiên cứu khác cho rằng những người được bổ sung lợi khuẩn probiotics thường xuyên ít xảy ra tình trạng lo lắng, buồn rầu hơn so với những người còn lại.

Nghiên cứu kết luận lợi ích của probiotics đối với việc cải thiện tâm trạng và chống rối loạn lo âu mở ra một hướng điều trị tiềm năng đối với các bệnh liên quan đến tâm - thần kinh, giúp bác sĩ có thể dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh phác đồ. Mặt khác, bệnh nhân cũng dễ dàng tuân thủ hơn thông qua việc thay đổi chế độ dinh dưỡng để tối đa hóa hiệu quả điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: health.harvard.edu

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe