Phương pháp điều trị lao màng não?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bố em vừa mới phát hiện bệnh lao màng não. Tình trạng sức khỏe của bố em bị sốt rét và đau đầu về chiều tối. Vậy bác sĩ cho em hỏi phương pháp điều trị lao màng não? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Phương pháp điều trị lao màng não?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi khuẩn lao sẽ theo đường máu và tấn công lên não, màng não. Lao màng não có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, ở người lớn thường gặp trong độ tuổi từ 20-50, trẻ em từ 1 - 5. Tỷ lệ mắc lao màng não ở nam và nữ khác nhau, trong đó nam giới chiếm ưu thế.

Về nguyên nhân lao màng não là do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (MTB - vi khuẩn hiếu khí) gây ra thông qua đường không khí. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn MTB thì đều mắc bệnh lao, bởi các nghiên cứu chỉ ra cứ 10 người nhiễm vi khuẩn thì chỉ có 1 người mắc bệnh.

Bên cạnh nguyên nhân lao màng não do vi khuẩn MTB gây ra thì những yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Suy giảm hệ miễn dịch: Vi khuẩn MTB thường ủ bệnh trong thời gian dài và chờ khi hệ miễn dịch của con người suy yếu thì sẽ tấn công ngay lập tức. Một số bệnh lý thường ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như HIV, tiểu đường, bệnh thận, một số loại ung thư, suy dinh dưỡng... Bên cạnh đó, việc sử dụng một số loại thuốc như corticoid, hóa chất điều trị ung thư, thuốc viêm khớp dạng thấp, thuốc điều trị bệnh vẩy nến, bệnh crohn cũng cũng có ảnh hưởng nhất định đến hệ miễn dịch.
  • Sinh sống hoặc đến những khu vực có tỷ lệ mắc bệnh lao cao: Một vài khu vực như châu Phi, Đông Âu, châu Á, Nga, Mỹ la-tinh, đảo caribbean có tỷ lệ người mắc bệnh lao khá cao và dĩ nhiên việc sinh sống hay đi du lịch qua các địa điểm này cũng khiến bạn có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn MTB.
  • Môi trường làm việc: Nếu làm những công việc như chăm sóc người bệnh lao; sống hoặc làm việc trong nhà tù, nhà tạm trú, bệnh viện tâm thần hoặc viện dưỡng lão,... thì khiến bạn dễ mắc bệnh lao hơn so với những người làm công việc khác.

Dấu hiệu lao màng não ở người bệnh nhiều hay ít còn phụ thuộc vào thời gian mắc bệnh. Tuy nhiên, dấu hiệu lao màng não sẽ có triệu chứng điển hình như sau:

  • Sốt cao kéo dài, tình trạng có thể tăng lên vào buổi chiều tối.
  • Nhức đầu khu trú hoặc lan tỏa, đau liên tục và thành từng cơn một. Khi có kích thích sẽ đau âm ỉ hoặc dữ dội hơn nữa.
  • Nôn mửa.
  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Đau bụng.
  • Đau các khớp, cột sống, chi.
  • Bí tiểu.
  • Đại tiểu tiện không tự chủ.
  • Liệt dây thần kinh sọ, liệt chi.
  • Động kinh, rối loạn tâm thần.
  • Hôn mê.

Mặc dù, lao màng não triệu chứng rất phong phú nhưng khá giống với nhiều bệnh về não khác nhau như u não, xuất huyết não, viêm màng não mủ,... Do đó, việc chẩn đoán lâm sàng thường gặp nhiều khó khăn, thậm chí là chẩn đoán nhầm khiến việc điều trị ban đầu sai sót. Bên cạnh đó, việc xác định chẩn đoán cũng gặp nhiều khó khăn bởi tỷ lệ báo âm tính giả lên đến 50% khiến việc điều trị chậm trễ, tỷ lệ tử vong tăng cao.

Chẩn đoán lao màng não:

  • Bệnh cảnh viêm màng não khởi phát bằng đau đầu tăng dần và rối loạn tri giác. Khám thường thấy có dấu hiệu cổ cứng và dấu hiệu Kernig (+). Có thể có dấu hiệu tổn thương dây thần kinh sọ não và dấu hiệu thần kinh khu trú (thường liệt dây 3, 6, 7, rối loạn cơ tròn). Các tổn thương tuỷ sống có thể gây ra liệt 2 chi dưới (liệt cứng hoặc liệt mềm).
  • Chọc dịch não tủy: Áp lực tăng, dịch có thể trong (giai đoạn sớm), ánh vàng (giai đoạn muộn), có khi vẩn đục. Xét nghiệm sinh hoá dịch não tủy thường thấy protein tăng và đường giảm. Tế bào trong dịch não tuỷ tăng vừa thường dưới 600 tế bào/ mm3 và tế bào lympho chiếm ưu thế, ở giai đoạn sớm tỷ lệ neutro tăng nhưng không có bạch cầu thoái hóa (mủ).
  • Chẩn đoán xác định: Dựa vào bệnh cảnh lâm sàng, đặc điểm dịch não tủy và xét nghiệm sinh hóa tế bào dịch não tuỷ, có thể tìm thấy bằng chứng vi khuẩn lao trong dịch màng não bằng nuôi cấy (tỷ lệ dương tính cao hơn khi nuôi cấy trên môi trường lỏng: MGIT, BACTEC), nhuộm soi trực tiếp bằng phương pháp Ziehl neelsen hoặc nhuộm huỳnh quang đèn led cho kết quả AFB(+) với tỷ lệ rất thấp. Dịch màng não có thể xét nghiệm Xpert tìm bằng chứng có vi khuẩn lao, xét nghiệm IGRA, TST...
  • Chụp MRI/ CT Scan sọ não: Có thể thấy hình ảnh màng não dày và tổn thương ở não gợi ý lao, ngoài ra chụp MRI não giúp chẩn đoán phân biệt bệnh lý khác ở não (U não, viêm não, áp xe não, sán não,...). Một nhóm nghiên cứu của Võ Hữu Thành và cộng sự tại trung tâm Medic thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 21 bệnh nhân lao màng não có trực khuẩn lao trong dịch não tủy bằng phương pháp soi tươi. Tất cả bệnh nhân được làm cộng hưởng từ tại Trung Tâm Y Khoa Medic. Kết quả: Tổn thương màng não 21 bệnh nhân 100% . Trong đó củ lao 6 bệnh nhân (29%), nhồi máu não 3 bệnh nhân (15%), não úng thủy 8 bệnh nhân (8%). Nghiên cứu ozates M và chụp cắt lớp vi tính 289 trường hợp lao màng não kết quả cho thấy: Phát hiện CT là bình thường ở 35 bệnh nhân và bất thường ở 254 bệnh nhân. Các bất thường là não úng thủy (172 trẻ em, 32 người lớn), tăng tỷ trọng nhu mô (56 trẻ em, 6 người lớn), tăng bắt thuốc cản quang của bể đáy (32 trẻ em, 17 người lớn), nhồi máu não và phù não khu trú hoặc lan tỏa (29 trẻ em, 10 người lớn) và bệnh lao (9 trẻ em, 5 người lớn).

Nguyên tắc điều trị:

  • Điều trị sớm, tại bệnh viện.
  • Phối hợp kháng sinh chống lao liều cao ngay từ đầu, đủ liều, kéo dài, đủ phác đồ, theo dõi tác dụng phụ của thuốc.
  • Nâng cao sức đề kháng toàn thân, kết hợp theo dõi chống biến chứng, di chứng,...

Điều trị thuốc kháng lao:

  • Về nguyên tắc, điều trị như đối với lao nói chung, nhưng thường phải sử dụng các phác đồ mạnh (kết hợp 3 - 4 loại thuốc kháng lao).
  • Phác đồ 4 thuốc th¬ờng là: Streptomycin, Rimifon, Rifampicin, Pyrazinamid (hoặc Ethambutol). Phác đồ 3 thuốc thường là: Streptomycin, Rimifon, Rifampicin hoặc Streptomycin, Rimifon, Ethambutol,...
  • Thời gian điều trị tấn công thông thường trung bình 2 - 4 tháng tại bệnh viện (cho đến khi dịch não tuỷ ổn định, gần trở về bình thường).

Liều lượng thuốc lao:

  • Rifampicin: 10 mg/kg/24 giờ.
  • Rimifon: 5 - 10 mg/kg/24 giờ.
  • Pyrazinamid: 30 - 40 mg/kg/24 giờ.
  • Streptomycin: 15 mg/kg/24 giờ.
  • Ethambutol: 15 - 25 mg/kg/24 giờ.

Thời gian điều trị duy trì (tại gia đình, đơn vị): Giống như các phác đồ chống lao phổi, nhưng thường phải kéo dài thêm 2 tháng nữa.

Vấn đề đưa thuốc kháng lao vào dịch não tuỷ: Hiện nay có nhiều loại thuốc chống lao ngấm tốt vào dịch não tuỷ. Do vậy, nói chung không có chỉ định đưa thuốc kháng lao vào dịch não tuỷ. Tuy nhiên, những trường hợp nặng, điều trị muộn, đã có biến chứng dày dính màng não,... có thể đưa liều nhỏ (người lớn: 0,05 - 0,07 g/1 lần) streptomycin vào dịch não tuỷ.

Điều trị cơ chế triệu chứng:

  • Corticoid liệu pháp: Dùng kết hợp thuốc kháng lao trong những trường hợp nặng, điều trị muộn, đã có biến chứng hoặc dịch não tuỷ có Protein cao hơn 2 g/ lít. Thường dùng loại uống (Cortancyl), liều trung bình (liều khởi đầu với người lớn thường là 30 - 45 mg/ 24 giờ trong ngày đầu), giảm dần (thường 7 – 14 ngày giảm đi 5 mg) và kéo dài (thời gian điều trị trung bình 1,5 – 2 tháng). Tuỳ theo diễn biến của dịch não tuỷ mà giảm liều hoặc duy trì liều Corticoid. Khi liều Cortancyl còn 5 – 15 mg thì kéo dài 10 -15 ngày thì ngừng.
  • Chống phù não (như đối với VMN mủ)
  • Tăng cường dinh dưỡng, truyền đạm, máu, vitamin,...
  • Ngăn ngừa và theo dõi tác dụng phụ của thuốc chống lao: Khi sử dụng các thuốc chống lao thường cho thêm các thuốc bảo vệ tế bào gan (fortec, eganin,...), vitamin B6 (cho liều bằng 1/10 liều rimifon), thường xuyên theo dõi xét nghiệm chức năng gan, thận và phản ứng dị ứng với thuốc lao.
  • Vệ sinh cá nhân, chống loét,...

Nếu bạn còn thắc mắc về điều trị lao màng não, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe