Phục hồi chức năng và điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nếu không chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đúng, sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Nếu phát hiện sớm và điều trị bằng phương pháp phục hồi chức năng hoặc phẫu thuật thì người bệnh có thể vận động bình thường.

1. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh lý khá phổ biến, nguyên nhân do nhân nhầy đĩa đệm vùng thắt lưng bị lệch khỏi vị trí ban đầu của nó và lồi hay thoát vị ra sau, sang bên. Lâu dần bệnh khiến cho các tổ chức cơ thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép gây ra đau do lồi hay thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng người bệnh sẽ gặp một số triệu chứng như:

  • Cứng khớp cột sống: Các cơ vùng lưng bị co thắt gây cứng khó vận động vùng thắt lưng, đau đớn thường xuyên, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Đau lưng: Cơn đau chỉ thoáng qua ở giai đoạn đầu, nhưng về sau tình trạng đau nhức, khó chịu ở phần thắt lưng tăng lên và có thể lan ra xuống dọc một hay hai bên chân
  • Tê bì: Ngoài triệu chứng đau vùng cột sống thắt lưng, người bệnh còn có triệu chứng tê bì hay tê buốt một hay hai chân khiến khó vận động đi lại sinh hoạt.

Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy đau lưng
Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy đau lưng
  • Mất cảm giác: Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ bị mất cảm giác, không cử động được cột sống thắt lưng hay đi lại khó khan, người bệnh dễ bị teo cơ mông chân một hay hai bên nếu không chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng kịp thời.
  • Hạn chế trong vận động: Mọi hoạt động của người bệnh bị ảnh hưởng, các cơn đau ở nhiều vị trí khiến người bệnh khó vận động, khó ngủ, người mệt mỏi, suy nhược.

2. Phục hồi chức năng và điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Nếu không chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đúng, sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng như: Chèn ép rễ thần kinh, teo cơ, giảm vận động đi lại,thậm chí có thể đại tiểu tiện khó khăn nên người bệnh có thể phải thụt tháo và thông tiểu.

Nghiêm trọng hơn, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây liệt, tàn phế, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và điều trị bằng phương pháp phục hồi chức năng hoặc phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thì người bệnh có thể vận động bình thường.

2.1. Phục hồi chức năng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Giai đoạn cấp:

  • Người bệnh nên nằm nghỉ ngơi tại chỗ, trên đệm cứng
  • Điều trị vật lý trị liệu bằng các phương pháp như: siêu âm, sóng ngắn, điện phân, hồng ngoại, paraphin, điện xung, giao thoa...
  • Tập các bài tập nhẹ nhàng thụ động, chủ động, có kháng và co cơ đẳng trường.

Để phục hồi chức năng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, người bệnh cần chú ý nằm nghỉ ngơi
Để phục hồi chức năng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, người bệnh cần chú ý nằm nghỉ ngơi

Sau giai đoạn cấp:

  • Điều trị thêm kéo giãn cột sống thắt lưng giảm chèn ép rễ
  • Sau phẫu thuật 1-7 ngày: Người bệnh cần tập thở, ho, gồng cơ tứ đầu và các cơ chi dưới.
  • Sau 2 tuần ngồi nẹp thắt lưng và sau 3 tuần có thể ngồi thẳng nhưng người bệnh phải mặc áo nẹp trong vòng 3 tháng và tập các bài tập tại nhà để giữ cột sống, tư thế lao động tốt.

2.2. Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

  • Điều trị nội khoa: Dùng thuốc giảm đau theo bậc thang của WHO; Thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ Myonal, Mydocalm, thuốc giảm đau nguyên nhân thần kinh Neurontin, Lyrica; nhóm thuốc vitamin B....
  • Điều trị giải ép bằng Laser hoặc sóng Radio cao tần: Áp dụng cho trường hợp nhẹ lồi đĩa đệm và thoát vị dưới dây chằng dọc sau.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng trong trường hợp điều trị nội khoa không có kết quả khả quan hoặc liệt teo cơ, rối loạn cơ vòng, để giải ép thần kinh. Các phương pháp bao gồm:

-Mổ hở thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có tỷ lệ thành công cao, phẫu thuật ít xâm lấn lối sau ,cổ điển.

-Mổ qua kính hiển vi có kết quả tương tự mổ mở thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

-Mổ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng qua nội soi là phương pháp an toàn, tỷ lệ thành công cao, không mất máu nhiều.


Phẫu thuật là một phương pháp điều trị triệt để thoát vị đĩa đệm
Phẫu thuật là một phương pháp điều trị triệt để thoát vị đĩa đệm

3. Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Một số phương pháp sau có thể giúp bạn phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:

  • Khi bê hoặc nâng vật nặng từ dưới đất lên cần chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình, khoảng cách giữa đồ vật với cơ thể và sự phối hợp nhịp nhàng của động tác.
  • Khi muốn lấy đồ vật ở độ cao trên vai trở lên thì cần dùng bục, ghế nếu đồ vật quá cao; không cố để với lấy đồ vật.
  • Nên dùng cách đẩy hơn là kéo trong trường hợp có thể, nhất là với những đồ vật to, nặng, tuy nhiên cũng cần chú ý đến tư thế của cột sống và các khớp.
  • Khi đứng cần phải đứng thẳng, cân xứng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân, giữ độ cong bình thường của cột sống và không đứng ở những tư thế cố làm cho thân mình dài ra hoặc giày cao gót.
  • Khi ngồi cần ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp, hai bàn chân đặt sát mặt đất. Các khớp chân, háng, gối vuông góc; lưng thẳng và tựa vào thành ghế phía sau; dồn trọng lượng lên hai bên mông và hai chân.

Bạn cần bê vác đồ đúng tư thế của cột sống và thân mình để tránh ảnh hưởng đến cột sống
Bạn cần bê vác đồ đúng tư thế của cột sống và thân mình để tránh ảnh hưởng đến cột sống

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe