Phục hồi chức năng ở người rách sụn chêm khớp gối

Rách sụn chêm là một chấn thương rất hay gặp trong bệnh cảnh chấn thương khớp gối. Việc điều trị bảo tồn hay phẫu thuật còn tùy thuộc vào đặc điểm tổn thương. Ngoài ra, một vấn đề cần quan tâm khác là phục hồi chức năng rách sụn chêm sau phẫu thuật. Vậy các bài tập phục hồi rách sụn chêm đầu gối là gì?

1. Phục hồi rách sụn chêm giai đoạn 1

Giai đoạn 1 là khoảng thời gian khoảng 1 tuần sau phẫu thuật rách sụn chêm. Các bài tập phục hồi chức năng rách sụn chêm thời điểm này rất quan trọng, đóng vai trò to lớn trong việc phục hồi khả năng vận động khớp gối sau này. Mục tiêu chính của các bài tập phục hồi rách sụn chêm giai đoạn 1 là kiểm soát đau, chống sưng nề khớp, bắt đầu quay lại các động tác vận động khớp gối và tập co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi. Cụ thể như sau:

  • Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc như thuốc giảm đau, chống phù nề và kháng sinh
  • Chườm lạnh khớp gối sau mổ, mỗi lần chườm kéo dài khoảng 20 phút và nên cách nhau mỗi 2 giờ/lần

Chườm lạnh giúp giảm cơn đau sau phẫu thuật rách sụn chêm
Chườm lạnh giúp giảm cơn đau sau phẫu thuật rách sụn chêm

  • Cho bệnh nhân mang nẹp đùi cẳng chân với tư thế gối duỗi hoàn toàn. Điều này giúp hạn chế tác động không tốt đến sụn chêm sau phẫu thuật. Việc mang nẹp này cần duy trì liên tục cả ngày và đêm
  • Khuyến khích bệnh nhân vận động gập duỗi gối sớm, nên bắt đầu từ ngày thứ 2 sau phẫu thuật. Tuy nhiên cần lưu ý người bệnh không được gập gối quá 90o (do phải tháo nẹp khi tập) và khớp gối chỉ được gấp nhẹ ở tư thế ngồi hoặc lúc bệnh nhân không đi lại
  • Hướng dẫn bệnh nhân tập gồng cơ đùi: Tư thế gối duỗi hoàn toàn, người bệnh gồng cơ 20 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 5 giây và nên thực hiện bài tập 3 lần/ngày

Bài tập phục hồi rách sụn chêm đầu gối tiếp theo là cho người bệnh duỗi thẳng gối, có thể ở tư thế nằm hoặc ngồi và cố gắng duy trì tư thế này trong 5 phút và thực hiện 3 lần/ngày.

  • Đeo nẹp: Phương pháp phục hồi chức năng rách sụn chêm này giúp duy trì vận động khớp háng và khớp cổ chân
  • Giai đoạn phục hồi rách sụn chêm đầu gối này người bệnh có thể sử dụng nạng khi di chuyển (phải mang nẹp duỗi gối hoàn toàn), khuyến khích dồn trọng lượng cơ thể từ từ lên chân phẫu thuật. Khi nào hoàn toàn không thấy đau gối, bệnh nhân có thể dồn hoàn toàn như bình thường.

2. Giai đoạn 2 phục hồi chức năng rách sụn chêm

Giai đoạn phục hồi rách sụn chêm này diễn ra khoảng 2 đến 6 tuần sau mổ. Các bài tập lúc này nhằm mục đích bảo vệ khớp gối, hạn chế những động tác quá sức và nâng cao hiệu quả làm lành vết thương. Bên cạnh đó, mục tiêu là giúp bệnh nhân lấy lại tầm vận động khớp gối, nâng cao giới hạn gập gối lên đến 90o và bắt đầu tập hồi phục sức mạnh của các nhóm cơ. Các bài tập cụ thể bao gồm:

  • Bài tập gồng cơ tứ đầu đùi như giai đoạn 1: Gồng cơ 20 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 5 giây và mỗi ngày nên thực hiện 3 lần tập
  • Bài tập duỗi thẳng khớp gối, cố gắng giữ tư thế khoảng 5 phút và 3 lần/ngày

Tập các bài tập giúp nhanh cải thiện chức năng rách rụn chêm
Tập các bài tập giúp nhanh cải thiện chức năng rách rụn chêm

  • Bài tập phục hồi rách sụn chêm sau mổ tiếp theo là gập duỗi gối mỗi khi tháo nẹp, mỗi lần 20 động tác, khoảng 3 lần tập mỗi ngày. Tuy nhiên người bệnh không được gập gối quá 90o
  • Cố gắng co cơ tĩnh toàn bộ bên chân phẫu thuật
  • Khuyến khích người bệnh nâng chân lên khỏi mặt giường khi nằm
  • Người bệnh có thể đặt một gối mềm bên dưới khớp gối, sau đó cố gắng gồng cơ bắp để nâng chân thẳng lên, duy trì khoảng 5 giây rồi gập gối xuống
  • Lưu ý người bệnh trong quá trình phục hồi rách sụn chêm nên duy trì vận động khớp cổ chân, dạng khép khớp háng ở tư thế gối duỗi thẳng
  • Mỗi khi người bệnh đứng nên cố gắng chuyển trọng lượng cơ thể lên chân phẫu thuật
  • Bài tập phục hồi chức năng rách sụn chêm tiếp theo là cho người bệnh nhún chân, đưa trọng lượng cơ thể chịu lên mũi chân, giữ 1 giây và thực hiện khoảng 20 động tác mỗi lần
  • Người bệnh có thể tập xuống tấn, để gối gấp khoảng 45o, duy trì 5 giây rồi từ từ đứng lên. Mỗi lần nên thực hiện khoảng 20 động tác
  • Ở giai đoạn này, người bệnh khi di chuyển nên duy trì việc đeo nẹp, gối duỗi thẳng, đồng thời sử dụng nạng và cho chân phẫu thuật chịu trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, nếu cảm thấy đau gối thì không nên cố gắng quá mức. Giai đoạn phục hồi rách sụn chêm này người bệnh có thể gấp gối khi ngồi và sau 4 tuần có thể bỏ nẹp khi di chuyển.

3. Giai đoạn 3 của quá trình phục hồi chức năng rách sụn chêm

Mục tiêu của giai đoạn phục hồi rách sụn chêm này là tăng cường khả năng chịu lực vào chân phẫu thuật, sau đó lấy lại hết tầm vận động khớp gối và nâng cao sức mạnh cơ bắp.

Các bài tập phục hồi rách sụn chêm đầu gối trong giai đoạn này gồm:

  • Tập gập duỗi khớp gối chủ động để phục hồi hoàn toàn tầm vận động khớp bình thường
  • Bắt đầu bỏ nạng để tập đi bộ chậm
  • Người bệnh vẫn tiếp tục duy trì các bài tập phục hồi rách sụn chêm sau mổ ở các giai đoạn trước
  • Người bệnh cần đứng bằng chân đã phẫu thuật để khôi phục hoàn toàn khả năng chịu lực
  • Bệnh nhân có thể tập chuyển đổi từ tư thế ngồi ghế sang tư thế đứng một cách chậm rãi
  • Giai đoạn này người bệnh hoàn toàn có thể chuyển sang vận động gập duỗi gối có sức cản bằng máy tập hoặc dụng cụ trợ giúp để hạn chế việc xoắn vặn khớp gối quá mức

Một số bài tập phục hồi khác có thể áp dụng bao gồm: đi lên xuống cầu thang, đạp xe đạp từ 10-20 phút. Tuy nhiên, giai đoạn phục hồi chức năng rách sụn chêm này người bệnh chưa thể chạy và chơi thể thao.

4. Giai đoạn 4 của quá trình phục hồi rách sụn chêm đầu gối

Giai đoạn phục hồi cuối cùng bệnh nhân có thể bắt đầu tập chạy bộ. Và sau 6 tháng phẫu thuật hoàn toàn trở lại với các hoạt động thể thao.

Một số trường hợp vận động mạnh trở lại làm khớp gối bị sưng phù, người bệnh cần sử dụng các thuốc bổ sung cần thiết (thuốc kháng viêm, chống phù nề), ngừng các hoạt động mạnh, chườm lạnh. Khi khớp gối giảm sưng phù, người bệnh vẫn tiếp tục tập các vận động bình thường.

Tóm lại, phục hồi chức năng ở người rách sụn chêm khớp gối luôn cần phải kiên trì và thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Điều này giúp sức khỏe người bệnh được phục hồi tốt hơn cũng như hạn chế tối đa những ảnh hưởng không đáng có tới sức khỏe.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe