Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Bác sĩ Nội hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Điều trị các bệnh lý hô hấp cần một quá trình tổng thể bao gồm điều trị nguyên nhân, điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng. Trong đó, quá trình phục hồi chức năng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
1. Phục hồi chức năng hô hấp là gì?
Phục hồi chức năng hô hấp giúp làm giảm các triệu chứng khó thở, cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng khả năng gắng sức, giúp ổn định hoặc cải thiện bệnh, giảm số đợt kịch phát phải nhập viện điều trị, giảm số ngày nằm viện, tiết kiệm chi phí điều trị.
Phục hồi chức năng sẽ không được áp dụng vào trong giai đoạn cấp tính của bệnh hô hấp. Phương thức trị liệu tùy theo từng bệnh mà thay đổi, vì vậy yêu cầu sẽ không giống nhau mặc dù đều nhằm mục đích phục hồi chức năng hô hấp.
Trong điều trị phục hồi các bệnh mãn tính, vận động hô hấp trị liệu ngày càng được sử dụng rộng rãi với mục đích làm gia tăng dung tích hô hấp nhưng không bị gia tăng sự tiêu thụ oxy, nghĩa là không gây mệt đối với người bệnh.
Về các bệnh hô hấp mãn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD, giãn phế quản, hen phế quản, khí phế thũng phổi...) vận động hô hấp trị liệu có vai trò vô cùng quan trọng. Do tác động trên các yếu tố sinh lý và cơ học của chức năng hô hấp, vận động hô hấp trị liệu giúp người bệnh tống thải được các chất tiết dịch ra ngoài để sự thông khí được diễn ra dễ dàng, kiểm soát được nhịp thở và tạo thư giãn trong cơn khó thở, gia tăng sự trao đổi khí bằng cách tập thở có hiệu quả và tập cho lồng ngực giãn nở tối đa. Đồng thời, nó giúp duy trì tầm vận động bình thường của cột sống và khớp vai, tránh được những biến dạng do tư thế xấu, giúp làm tăng tiến mức độ hoạt động của người bệnh.
Muốn đạt được kết quả trên, người bệnh cần tập thở đúng cách và vận động cơ hoành để có hiệu quả nhất, đồng thời tập luyện cho các cơ hô hấp phụ ít hiệu năng được thư giãn. Nếu có nhiều đờm, người bệnh cần tập ho có hiệu quả và dẫn lưu bằng tư thế.
Để chỉ định các phương pháp phục hồi chức năng hô hấp thích hợp, trước hết người bệnh phải được đánh giá về chức năng thông khí phổi. Trên cơ sở đó, các bác sĩ mới đưa ra quyết định được các kỹ thuật phục hồi chức năng phù hợp.
2. Phân loại phục hồi chức năng dựa trên tình trạng bệnh
Dựa vào kết quả thăm dò chức năng thông khí phổi, bệnh lý thuộc cơ quan hô hấp sẽ được phân chia như sau:
- Nhóm bệnh phổi rối loạn thông khí hạn chế
Mục đích của việc phục hồi chức năng bệnh phổi rối loạn thông khí hạn chế nhằm tăng thông khí phổi, giảm khó thở, giảm năng lượng cần thiết cho việc thở do điều khiển được nhịp thở và thúc đẩy được hoạt động tối đa của các cơ hô hấp hỗ trợ người bệnh có đủ oxy trong các sinh hoạt thường ngày.
Các bệnh hay gặp ở loại bệnh này như: tràn dịch màng phổi (chủ yếu là lao màng phổi), viêm phổi mô kẽ, xơ phổi, ung thư phổi, lao phổi ổn định...
Chỉ định kỹ thuật: tập ho hữu hiệu; tập thở cơ hoành các tư thế; tập thở cơ hoành có trợ giúp, có trở kháng; tập thở hoành với dụng cụ (gậy, thang tường, ròng rọc, đai vải); các kỹ thuật vận động tăng cường thể lực.
- Nhóm bệnh phổi có rối loạn thông khí tắc nghẽn
Các bệnh hay gặp trong nhóm bệnh phổi này bao gồm: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản, nung mủ phổi phế quản, viêm phổi, áp xe phổi...
Mục đích của phục hồi chức năng trong nhóm bệnh phổi có rối loạn thông khí tắc nghẽn là để nhằm tống đẩy các chất đờm dịch trong đường khí phế quản, làm thông thoáng đường dẫn khí, tăng thông khí phổi, giảm khó thở, đồng thời dự phòng viêm nhiễm tái phát.
Các kỹ thuật phục hồi thường được áp dụng: tập ho hữu hiệu; tập thở cơ hoành; tập thở hoành với dụng cụ (gậy, thang tường, ròng rọc, đai vải); dẫn lưu tư thế, kết hợp kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực; các kỹ thuật vận động tăng cường thể lực.
- Nhóm bệnh phổi có rối loạn thông khí hỗn hợp
Các bệnh hay gặp trong nhóm bệnh này bao gồm: nhóm bệnh sau phẫu thuật lồng ngực, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi, áp xe phổi.
Mục đích của việc phục hồi chức năng trong nhóm bệnh phổi có rối loạn thông khí hỗn hợp đó là nhằm tăng thông khí phổi, tống đẩy các chất đờm dịch, giảm khó thở và dự phòng viêm nhiễm tái phát.
Các kỹ thuật thường được chỉ định: Tập ho hữu hiệu; tập thở cơ hoành; dẫn lưu tư thế, kết hợp kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực; các kỹ thuật vận động tăng cường thể lực.
3. Các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp
3.1 Kỹ thuật vỗ lồng ngực
Mục đích:
- Làm rung cơ học và giúp long đờm dãi ứ đọng trong phổi
- Vỗ phổi sẽ tạo nên các sóng cơ học tác động qua thành ngực vào phổi
Vị trí:
- Phần tương ứng với phân thùy phổi
- Vỗ phía sau và hai bên thành ngực
Cách thực hiện:
- Bàn tay của kỹ thuật viên luôn ở tư thế chụm lại, các ngón tay khép
- Khi vỗ lên thành ngực sẽ tạo ra một đệm không khí giữa tay và thành ngực
- Vai, khuỷu, cổ tay của kỹ thuật viên giữ ở trạng thái thoải mái, mềm mại, không lên gân.
- Tốc độ vỗ vừa phải, không mạnh quá để tránh gây đau và khó chịu cho bệnh nhân
- Bàn tay vỗ có thể sẽ di chuyển lên trên hoặc xuống dưới hoặc đi ra xung quanh theo kiểu vòng tròn
- Khi vỗ phải lót khăn mỏng trên da, không vỗ vào vùng xương nhô lên như: cột sống, xương đòn , xương bả vai.
3.2 Kỹ thuật rung lồng ngực
Mục đích:
- Rung lồng ngực có tính chất cơ học, giúp làm long đờm và di chuyển đờm vào phế quản để đờm được khạc nhổ ra ngoài.
Vị trí:
- Rung lồng ngực ở phía sau
Cách thực hiện:
- Rung được tiến hành ở khi bệnh nhân thở ra
- Kỹ thuật viên đặt hai tay lên thành ngực phía sau, luồn tay vào các kẽ sườn của người bệnh, khi bệnh nhân hít vào sâu sẽ đẩy xương sườn ra và chống lại sức đè.
- Khi bệnh nhân thở ra, kỹ thuật viên ấn tay và rung tay nhẹ nhanh vào thành ngực để đờm dãi từ phế quản nhỏ đi ra phế quản lớn và ra ngoài.
3.3 Kỹ thuật tập thở
Thở bụng (thở cơ hoành)
- Bệnh nhân sẽ nằm ngửa hoặc nửa nằm nửa ngồi, đầu gối gấp 45 độ và hai khớp háng xoay ngoài
- Kỹ thuật viên làm mẫu cho bệnh nhân xem: Khi hít vào cơ hoành hạ xuống và bụng phồng lên, ngược lại thở ra cơ hoành nâng lên, bụng lõm xuống. Kỹ thuật viên đặt một tay lên vùng thượng vị của bệnh nhân nhằm theo dõi nhịp thở, yêu cầu bệnh nhân thở bình thường. Sau vài nhịp thở, yêu cầu bệnh nhân thở sâu để đẩy tay kỹ thuật viên lên trong khi kỹ thuật viên sẽ kháng lại lực đẩy đó cho đến khi bệnh nhân thở được bằng bụng.
Chú ý:
- Tránh thở ra một cách ép buộc vì dễ gây ra xẹp phổi
- Nên tránh kiểu thở ra kéo dài quá mức dẫn đến khi bệnh nhân ngày càng thở dốc một cách thực sự và kiểu thở trở nên không đều
- Chỉ nên tập thở theo thời gian ngắn để tránh gây tăng thông khí phổi
- Cần hướng dẫn bệnh nhân tập thở ở các tư thế khác nhau như nằm, ngồi, đi lại, lên cầu thang. Khi tập thở ở các tư thế bệnh nhân nên để tay lên vùng thượng vị để kiểm soát kiểu thở
Thở phân thùy hoặc thở cạnh sườn
- Tay của kỹ thuật viên đặt lên thành ngực tương ứng với vùng phổi cần tăng thông khí, để tay chuyển động lên xuống theo nhịp thở vài lần rồi ấn đẩy lồng ngực khi bệnh nhân thở ra.
- Để lồng ngực cơ động tự do khi bệnh nhân hít vào.
- Kỹ thuật viên tiếp tục trợ giúp khi bệnh nhân thở ra và kháng lại đôi chút khi bệnh nhân hít vào, yêu cầu hít vào gắng sức để đẩy ngược lại bàn tay của kỹ thuật viên. Động tác này giúp sẽ cho bệnh nhân thở vào đầy đủ hơn.
Trên đây là những phương pháp giúp người bệnh "chủ động, tích cực" trong việc phục hồi chức năng hô hấp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.