Hen phế quản là bệnh lý hô hấp chiếm tỉ lệ không nhỏ trong các bệnh lý hô hấp mãn tính ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Hen phế quản được chẩn đoán dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng và cận lâm sàng. Đo chức năng thông khí và nghiệm pháp kích thích phế quản đóng vai trò quan trọng, với trường hợp hen phế quản không điển hình thì thực hiện nghiệm pháp kích thích phế quản giúp tăng khả năng chẩn đoán cho bệnh nhân.
1. Nghiệm pháp kích thích phế quản là gì?
Nghiệm pháp kích thích phế quản là phương pháp được thực hiện trong quá trình đo chức năng thông khí phổi. Bằng cách sử dụng methacholine là một thuốc có tác dụng kích thích co thắt đường thời, nghiệm pháp này nhằm đánh giá sự tăng tính phản ứng của đường thở.
Tại phế quản của phổi, có những thụ thể hóa học của hai hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm. Nếu các thuốc có tác dụng kích thích hệ giao cảm sẽ giúp giãn phế quản, ngược lại khi kích thích hệ đối giao cảm làm co thắt các cơ trơn của đường dẫn khí gây co thắt phế quản. Dựa trên cơ chế này, trong hen phế quản có sự tăng đáp ứng của phế quản, vì vậy sử dụng methacholine (là một thuốc có tác dụng kích thích đối giao cảm) sẽ dễ gây ra phản ứng co thắt tại đường dẫn khí. Khi đó, bệnh nhân sẽ có nghiệm pháp kích thích phế quản dương tính.
Nghiệm pháp kích thích phế quản rất có giá trị trong những trường hợp hen phế quản mà các phương pháp truyền thống không chẩn đoán được. Sau khi sử dụng methacholine với nồng độ được định liều, bệnh nhân sẽ được đo chức năng thông khí phổi để đánh giá lại chức năng hô hấp.
Vì thuốc tác động lên thụ thể của hệ đối giao cảm nên hầu hết bệnh nhân có các biểu hiện của tăng phản ứng kích thích phế quản không đặc hiệu.
2. Chỉ định của nghiệm pháp kích thích phế quản
- Bệnh nhân có tiền sử khó thở từng đợt, ho kéo dài.. nghi ngờ hen phế quản nhưng khi thăm khám lâm sàng và đo chức năng hô hấp bình thường.
- Nghi ngờ bệnh hen phế quản nghề nghiệp
- Bệnh nhân điều trị hen phế quản nhưng không đáp ứng.
3. Chống chỉ định của nghiệm pháp kích thích phế quản
- Những bệnh nhân có chống chỉ định như có nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não trong vòng 3 tháng gần đây, bệnh lý tăng nhãn áp (Glocom), ung thư tuyến tiền liệt, đang có cơn hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp do virus hoặc vi khuẩn, tiêm vacxin trong vòng 1 tháng trở lại đây, tăng huyết áp nhưng kiểm soát không ổn định, phụ nữ đang có thai.
4. Các bước thực hiện nghiệm pháp kích thích phế quản
4.1. Chuẩn chị thực hiện
- Nhân viên y tế: kỹ thuật viên được đào tạo cơ bản và thành thạo kỹ năng đo chức năng hô hấp cũng như thực hiện nghiệm pháp dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa hô hấp.
- Phương tiện: máy đo chức năng hô hấp, phin lọc không khí dùng 1 lần., máy khí dung định liều methacholine, dung dịch methacholine 10mg/ml, thuốc giãn phế quản (ventolin, bricanyl dạng xịt, khí dung), corticoid tiêm (Methylprednisolon), xe đựng đầy đủ các dụng cụ cấp cứu khi có tai biến như bóng ambu, đèn nội khí quản, oxy, các thuốc cấp cứu...
- Các pha dung dich methacholine: Pha methacholine 1g với NaCl 0,9% 10ml để được 10 ml dung dich Methacholine 100mg/ml, sau đó lấy 1ml dung dịch đã pha tiếp tục hòa loãng với 9ml NaCl 0,9% để được dung dich Methacholine 10mg/ml.
- Bệnh nhân: được khám và đánh giá trước khi thực hiện, đảm bảo không có chống chỉ định. Bệnh nhân không sử dụng thuốc chống dị ứng hoặc thuốc giãn phế quản trước khi thực hiện đo chức năng hô hấp 6 giờ nếu sử dụng thuốc có tác dụng nhanh và 12g đối với thuốc có tác dụng kéo dài. Không sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, socola trong vòng 6 giờ trước khi đo chức năng hô hấp.
4.2. Các bước tiến hành nghiệm pháp kích thích phế quản
- Bước 1: Bệnh nhân được giải thích về những thao tác cần thực hiện khi đo SVC, FVC. Yêu cầu bệnh nhân làm thử hít vào và thở ra trước khi thực hiện đo chức năng hô hấp. Đo chức năng hô hấp.
- Bước 2: Đo FEV1 trước khi thực hiện nghiệm pháp.
- Bước 3: yêu cầu bệnh nhân thở ra hết sức sau đó mở máy khí dung định liều với liều khởi đầu là 20mcg Methacholine. Bệnh nhân hít sâu và nín thở trong vòng 10 giây, máy khí dung sau khi đạt đủ liều sẽ tự ngắt, người bệnh hít thở đều. Đo lại FEV1 sau 1 phút. Tăng liều Methacholine lên gấp đôi so với liều trước, liều tối đa là 1280 mcg. Lưu ý: ở người bình thường ngưỡng gây phản ứng phế quản không đặc hiệu thường gặp khi liều trên 2650 mcg
- Bước 4: Sau mỗi lần hít vào gắng sức với methacholine phải đo lại FEV1
- Bước 5: Ngừng thực hiện khi bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của phản ứng phế quản, biểu hiện ho hoặc khó thở, FEV1 giảm 20% so với FEV1 trước đó.
4.3. Đánh giá kết quả nghiệm pháp kích thích phế quản
Kết quả dương tính ở nồng độ làm giảm FEV1 của bệnh nhân 20% so với giá trị FEV1 ban đầu. Nếu sau liều cuối cùng ở mức 1280 mcg mà bệnh nhân không có biểu hiện của tăng phản ứng phế quản thì được kết luận là âm tính.
5. Tai biến và xử trí
Nghiệm pháp kích thích phế quản được chứng minh là khá an toàn cho bệnh nhân. Khi bắt đầu có các triệu chứng của co thắt phế quản cần cho bệnh nhân xịt 400 mcg Ventolin hoặc thở khí dung có Ventolin cho đến khi FEV1 đạt 90 đến 100% so với FEV1 ban đầu.
Đo chức năng thông khí phổi bằng phế dung kế là một phương pháp khá an toàn, không gây nguy hiểm và ít độc hại cho người thực hiện. Để đạt kết quả chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ đạo của bác sĩ.