Mục đích của đo chức năng hô hấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để có thể đánh giá chuẩn xác tình trạng bệnh lý của phổi hay theo dõi đáp ứng điều trị ở người bệnh thì các bác sĩ có thể sử dụng các thăm dò chức năng hô hấp. Đây là một trong những biện pháp sử dụng máy đo các dòng khí khi hít vào và thở ra của người bệnh để từ đó tính toán được nhiều chỉ số chức năng phổi quan trọng.

1. Phương pháp đo chức năng hô hấp là gì?

Đo chức năng hô hấp hay còn gọi là hô hấp ký là kỹ thuật thường quy trong chẩn đoán và theo dõi đánh giá mức độ của các bệnh lý đường hô hấp. Khi tiến hành đo chức năng hô hấp, các bác sĩ sẽ sử dụng máy đo các dòng khí khi hít vào, thở ra để tính toán được nhiều chỉ số chức năng phổi quan trọng. Kỹ thuật này không chỉ giúp ghi lại những thông số liên quan đến hoạt động của phổi, mà còn giúp đánh giá 2 hội chứng rối loạn thông khí ở người bệnh là tắc nghẽn và hạn chế.

Đo chức năng hô hấp là kỹ thuật thăm dò khá đơn giản, dễ dàng thực hiện và không xâm lấn nên bệnh nhân sẽ không bị đau đớn và hầu như không gây khó chịu hay tai biến.


Đo chức năng hô hấp nhằm chẩn đoán các bệnh lý đường hô hấp
Đo chức năng hô hấp nhằm chẩn đoán các bệnh lý đường hô hấp

2. Mục đích của đo chức năng hô hấp

Kết quả đo chức năng hô hấp sẽ được thể hiện bằng số liệu cụ thể và bằng phần trăm so với giá trị của một người bình thường. Các trị số đo được của chức năng hô hấp ở người bệnh sẽ được biểu diễn dưới dạng một đường cong trong đó một trục thể hiện các số đo về lưu lượng khí lưu thông, trục còn lại thể hiện các số đo của các thể tích khí có trong phổi.

Mục đích của đo chức năng hô hấp là để biết được thông tin chính xác về lưu lượng không khí lưu thông trong phế quản và phổi ở người bệnh, động thời giúp đánh giá mức độ tắc nghẽn và mức độ trầm trọng của giãn phế nang.

Ngoài ra, tiến hành đo chức năng hô hấp còn nhằm mục đích đánh giá chuẩn xác tình trạng bệnh lý của phổi hay theo dõi đáp ứng hiệu quả điều trị ở người bệnh.

3. Đối tượng nào nên đo chức năng hô hấp?

Đo chức năng hô hấp là một trong những kỹ thuật thường quy thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân sau:

  • Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm bất thường ở hệ hô hấp;
  • Người bệnh có biểu hiện khò khè, khó thở, thở ra khó khăn, ho khan kéo dài, ho có đờm, dị dạng lồng ngực;
  • Người nghiện thuốc lá;
  • Những người làm việc trong môi trường khói bụi và hóa chất độc hại;
  • Ngoài ra, tiến hành đo chức năng hô hấp trong trường hợp theo dõi, lượng giá, đáp ứng điều trị ở bệnh nhân hen phế quản, phổi hạn chế hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

4. Quy trình đo chức năng hô hấp

Đo chức năng hô hấp là kỹ thuật thực hiện đơn giản nên bệnh nhân không cần chuẩn bị gì cả. Tuy nhiên, cần đảm bảo một số yêu cầu sau:

  • Mặc quần áo rộng rãi khi đo;
  • Trước khi đo không được hút thuốc lá;
  • Trong khoảng 4 giờ trước khi đo thì không được uống rượu;
  • Trong vòng 30 phút trước khi đo không được vận động nặng;
  • Không ăn no trong vòng 2 giờ trước khi đo;
  • Trong trường hợp bệnh nhân đo hô hấp ký lần đầu tiên để chẩn đoán bệnh thì không được sử dụng thuốc giãn phế quản.

Quy trình đo chức năng hô hấp sẽ trải qua các bước sau:

Bước 1: Bệnh nhân hít vào và thở ra bình thường rồi sau đó tiếp tục hít vào thật sâu rồi thở ra hết sức.


Thực hiện đo chức năng hô hấp
Thực hiện đo chức năng hô hấp

Bước 2: Tiếp tục hít vào và thở ra bình thường, sau đó hít vào hết sức và thở ra thật mạnh, hết sức có thể, cứ tiếp tục thở ra khoảng 6 đến 10 giây.

Trong quá trình đo, kỹ thuật viên có thể sẽ kẹp mũi của người bệnh bằng một chiếc kẹp mũi mềm để đảm bảo người bệnh không thở ra đường mũi.

Máy hô hấp ký đo được thể tích và tốc độ dòng khí mà người bệnh hít vào và thở ra, các thông số máy bao gồm:

  • Thể tích khí thở ra gắng sức trong 1 giây đầu tiên (Forced expiratory volume in one second – FEV1): Đây là thể tích không khí mà người bệnh có thể thổi ra trong vòng một giây đầu tiên của thì thở ra;
  • Dung tích sống gắng sức (FVC): Là tổng thể tích không khí mà người bệnh thở ra gắng sức trong một lần thở;
  • Chỉ số FEV1/FVC: Là tỉ lệ giữa hai thông số trên, giúp đánh giá tình trạng tắc nghẽn.

5. Kết quả đo chức năng hô hấp

Trong trường hợp bệnh nhân là người nghiện thuốc lá mà có kết quả đo chức năng hô hấp bình thường thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc không có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nếu bệnh nhân đã mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và kết quả tiến triển thì FEV1 sẽ giảm dần, nếu FEV1 đo được dưới 40% trị số bình thường thì đồng nghĩa với việc phổi của người bệnh không còn khả năng duy trì chức năng bình thường và lượng oxy trong máu sẽ giảm sút.

Kết quả đo chức năng hô hấp bằng hô hấp ký sẽ thể hiện các kết quả sau:

  • Bình thường;
  • Hội chứng tắc nghẽn;
  • Hội chứng hạn chế;
  • Sự kết hợp giữa hội chứng tắc nghẽn/hạn chế.

Trong quá trình thực hiện động tác hít vào thở ra thì bệnh nhân cần phải thực hiện liên tục và không được dừng lại, việc dừng đột ngột có thể làm sai lệch kết quả và dẫn đến nhận định kết quả sai, khiến cho việc chẩn đoán, điều trị không còn phù hợp.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang sử dụng phương pháp đo chức năng hô hấp trong chẩn đoán các bệnh lý đường hô hấp. Kỹ thuật này được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ Vinmec được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, tiên tiến; chất lượng dịch vụ y tế chuyên nghiệp.

Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý Hô hấp tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ,..trước khi là bác sĩ Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe