Phục hồi chức năng cho trẻ bại não

Trẻ bị bại não có các khiếm khuyết và nhu cầu hỗ trợ được giải quyết thông qua các hệ thống chăm sóc sức khỏe, chăm sóc phục hồi chức năng và chăm sóc xã hội. Công tác phục hồi chức năng cho trẻ bại não đòi hỏi sự nỗ lực kiên trì từ phía gia đình lẫn đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia.

1. Tổng quan về bệnh bại não

Bại não là gì?

Bệnh bại não vốn là một rối loạn có tính chất phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng khuyết tật về thể chất ở trẻ em, xuất phát từ nhiều bệnh nguyên khác nhau dẫn đến các biểu hiện lâm sàng phong phú và đa dạng, chủ yếu thể hiện ở các rối loạn về vận động, trí tuệ, giác quan và hành vi.

Tỉ lệ nguy cơ mắc bệnh bại não

Bại não là tổn thương não không tiến triển gây nên bởi các yếu tố nguy cơ xảy ra ở giai đoạn trước sinh, trong khi sinh và sau sinh đến 5 tuổi.

Tại các nước phát triển tỷ lệ trẻ bị bại não dao động từ 1,8 đến 2,3% tổng trẻ sơ sinh sống. Tại Việt nam tỷ lệ mắc bệnh bại não chiếm 1,8 % tổng trẻ sơ sinh, chiếm 31,7% tổng số trẻ tàn tật.

Xét trên phương diện giới tính: Bệnh bại não gặp ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái, tỷ lệ trai/gái = 1,35/1


Bệnh bại não gặp ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái
Bệnh bại não gặp ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái

2. Phục hồi chức năng cho trẻ bại não

2.1. Vận động trị liệu

  • Dựa theo các mốc phát triển về vận động thô của trẻ:

Hệ thống Phân loại Chức năng Vận động Thô (GMFCS) là một phân loại gồm 5 mức độ mô tả chức năng vận động thô của trẻ bị bại não dựa trên vận động trẻ tự khởi phát, chú trọng đặc biệt đến khả năng ngồi và đi. 5 bước GMFCS bao gồm:

Kiểm soát đầu cổ -> Lẫy -> Ngồi -> Quỳ -> Bò -> Đứng -> Đi -> Chạy

Người đánh giá: Bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, điều dưỡng quen thuộc với chức năng vận động thô của trẻ cùng với một phụ huynh hoặc người chăm sóc.

Cách thực hiện: Nhân viên y tế hỏi các câu hỏi với trẻ, phụ huynh hoặc người chăm sóc để xác định mức độ di chuyển chức năng. Mức độ đánh giá giá được thực hiện thông qua báo cáo của bố mẹ/người chăm sóc hoặc qua quan sát trong buổi hẹn thông thường.

  • Dựa theo thể lâm sàng bại não:

Hoàn thành mốc vận động trước rồi chuyển sang mốc sau.

2.2. Huấn luyện giao tiếp và ngôn ngữ

  • Huấn luyện kỹ năng giao tiếp sớm:

Mục tiêu của giao tiếp là giúp trẻ bị bại não học tập, học cách gửi thông tin, dần xây dựng mối quan hệ với mọi người xung quanh; tự lập hay kiểm soát được sự việc.

Huấn luyện về giao tiếp sớm bao gồm:

  1. Kỹ năng tập trung.
  2. Kỹ năng xã hội.
  3. Kỹ năng bắt chước.
  4. Kỹ năng chơi đùa.
  5. Giao tiếp bằng cử chỉ, tranh ảnh.
  • Huấn luyện các kỹ năng về ngôn ngữ:

Huấn luyện kỹ năng ngôn ngữ: bao gồm kỹ năng hiểu ngôn ngữkỹ năng diễn đạt bằng ngôn ngữ. Để huấn luyện trẻ kỹ năng hiểu ngôn ngữ phải tuân theo nguyên tắc dạy hiểu ngôn ngữ như sau:

  • Trẻ phải hiểu, biết ý nghĩa của âm thanh, từ và câu trước khi nói.
  • Nói chuyện nhiều với trẻ, dùng ngôn ngữ đơn giản, nói chậm, to.
  • Sử dụng dấu hiệu để giúp trẻ hiểu.
  • Chỉ sử dụng 1 vài đồ vật hoặc tranh ảnh, chỉ một người hướng dẫn
  • Động viên khen thưởng đúng lúc.

Mục tiêu hướng đến là giúp trẻ tự nói/làm dấu/ chỉ vào các bức tranh.

  • Huấn luyện kỹ năng nhà trường:

Bao gồm Kỹ năng trước khi đến trườngKỹ năng nhà trường.


Huấn luyện, giao tiếp giúp trẻ bị bại não học cách gửi thông tin, dần xây dựng mối quan hệ với mọi người xung quanh
Huấn luyện, giao tiếp giúp trẻ bị bại não học cách gửi thông tin, dần xây dựng mối quan hệ với mọi người xung quanh

2.3. Hoạt động trị liệu

  • Huấn luyện cho trẻ kỹ năng sử dụng hai tay sớm như: khả năng cầm đồ vật, thao tác với các đồ vật.
  • Huấn luyện cho trẻ kỹ năng sinh hoạt hàng ngày sớm: Kỹ năng ăn uống, mặc quần áo, đi giày dép, tắm rửa vệ sinh cá nhân (đánh răng, rửa mặt...).
  • Huấn luyện kỹ năng nội trợ: Kỹ năng đi chợ, tiêu tiền, kỹ năng nấu nướng.
  • Huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp: Chọn nghề, học nghề cho phù hợp, giao thông.

2.4. Điện trị liệu

  • Tử ngoại:
    • Chỉ định: Bệnh bại não có còi xương –SDD, bại não thể nhẽo.
    • Chống chỉ định: Bại não có kèm theo động kinh, lao phổi tiến triển, suy thận, suy gan, chàm cấp.
    • Phương pháp áp dụng: Sử dụng tia tử ngoại B bước sóng 280-315nm.
    • Thời gian áp dụng: Liều đỏ da độ 1 sau tăng dần lên (tổng liều 1-5 phút/lần ) X 20-30 ngày/đợt.
  • Điện thấp tần:
    • Là dòng điện một chiều có điện thế không đổi trong thời gian điều trị.
    • Chỉ định: Trẻ bị bại não không có động kinh lâm sàng.
    • Chống chỉ định: Bệnh bại não có động kinh trên lâm sàng, bệnh nhân thể co cứng nặng.

Các phương pháp điện thấp tần sử dụng:

  • Galvanic dẫn CaCl2 cổ.
  • Galvanic dẫn CaCl2 lưng.
  • Dòng Galvanic ngược thân.
  • Dòng Galvanic ngược khu trú chi trên.
  • Dòng Galvanic ngược khu trú chi dưới.
  • Dòng Galvanic ngắt quãng (xung chữ nhật hoặc tam giác) khu trú.

2.5. Tiêm thuốc giãn cơ

  • Chỉ định: Trẻ bại não thể co cứng. co rút.
  • Chống chỉ định: Trẻ bại não thể múa vờn, thể nhẽo, thể thất điều...
  • Mục đích: Giúp giảm trương lực cơ, tăng cường khả năng vận động có ý thức, kiểm soát tư thế, phòng chống biến dạng...
  • Phương pháp: Xác định mức độ và tình trạng tăng trương lực cơ. Xác định điểm vận động, đánh dấu vị trí tiêm.
  • Tiến hành tiêm: Gây tê bề mặt tại vị trí tiêm, pha thuốc tiêm với dung dịch Nacl 2 9%0 theo đơn vị đóng lọ. Lấy thuốc theo liều lượng tiêm tại mỗi vị trí và tiêm trực tiếp nội cơ hoặc tiêm qua đầu định vị của máy điện cơ với liều lượng đã được tính toán.

2.6. Thuỷ trị liệu

  • Chỉ định: Trẻ bị bại não không có động kinh lâm sàng.
  • Chống chỉ định: Trẻ bị bại não có động kinh lâm sàng.
  • Mục đích: Thư giãn, giảm trương lực cơ, tăng khả năng vận động có ý thức.
  • Phương pháp áp dụng: Cho trẻ ngâm trong bồn nước xoáy Hubbard, bể bơi. Nhiệt độ nước 36-38 độ C trong khoảng thời gian từ 20-30 phút.

2.7. Giáo dục

Huấn luyện cho trẻ các kỹ năng giáo dục tiền học đường, kỹ năng giáo dục đặc biệt và giáo dục hoà nhập.

Để có thể phục hồi chức năng cho trẻ bại não một cách tốt , cần chú trọng đặt cá nhân người bệnh ở trung tâm và nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa trẻ bại não và gia đình của trẻ, vốn là những thành viên có giá trị của nhóm phục hồi. Ngoài ra sự kiên trì và nỗ lực cũng là chìa khóa để giúp trẻ bị bại não cải thiện tình trạng bệnh, sớm hòa nhập lại với xã hội, đạt được các vai trò có giá trị và sự tham gia vào cộng đồng.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bại não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe