Bệnh phù phổi cấp thường có những biểu hiện lâm sàng như: khó thở, da xanh, chảy nhiều mồ hôi,... Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
1. Phù phổi cấp là gì?
Bệnh nhân bị phù phổi cấp hay còn gọi là ngạt thở cấp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, khiến cho lượng nước đi ra ngoài mao mạch phổi người bệnh quá nhiều, dẫn đến tình trạng phù phổi. Đây là một căn bệnh cấp tính, bệnh nhân chỉ có thể được cứu sống nếu được can thiệp sớm và có hiệu quả.
Phù phối cấp phát triển theo 3 giai đoạn chính:giai đoạn mao mạch, giai đoạn kẽ và giai đoạn phế nang. Dựa trên lâm sàng, phù phổi cấp sẽ tương ứng với giai đoạn cuối cùng là phế nang, với những biểu hiện đặc trưng như suy hô hấp, suy tim trái.
2. Chẩn đoán phù phổi cấp như thế nào?
Những triệu chứng lâm sàng của bệnh phù phổi cấp bao gồm:
- Khó thở và phải ngồi
- Da xanh
- Chảy nhiều mồ hôi
- Co kéo các cơ hô hấp phụ
- Các chi lạnh
- Cảm giác ngộp thở
- Phần tĩnh mạch cổ của người bệnh nổi ở tư thế nằm đầu cao 45 độ.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng kèm theo như: báng bụng, phù chân, mỏm tim có thể bị lệch ra ngoài hoặc xuống phía dưới khoang liên sườn chữ V đường trung đòn tráI.
Đa số các trường hợp người bệnh bị phù phổi cấp có nguyên nhân do bệnh van hai lá, suy thất trái, hoặc một số tình trạng ngoài tim cũng có thể dẫn đến bị phù phổi cấp. Xảy ra do mất cân bằng trong quy tắc Starling hoặc bất thường về chức năng hoặc do giải phẫu của màng mao mạch phế nang.
Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến phù phổi cấp không chỉ do tim mà còn có thể bắt nguồn từ thuốc mê đường tĩnh mạch, nhiễm khuẩn máu, tăng áp lực của nội sọ, lên độ cao, phản ứng do tiêm truyền, hít phải một số loại độc tố, sốc, đông máu rải rác nội mạch.
Để phân biệt với phù phổi cấp do tim, sử dụng bối cảnh lâm sàng, cùng với tiền sử và những thăm khám thực thể. Ngược lại với những bệnh nhân có bệnh phù phổi cấp do tim, những bệnh tim cơ sở sẽ được phát hiện dựa trên những thăm khám lâm sàng hoặc sử dụng điện tâm đồ, siêu âm, phim X-quang.
Chẩn đoán phù phổi cấp ở người bệnh thường được dựa trên:
- Tiền căn: dùng để ghi nhận tiền căn của bệnh lý về tim mạch.
- Chụp X-quang: phát hiện phù mỗ kẽ, phù phế nang, và tiêu biểu nhất chính là phù lan tỏa hình cánh bướm từ rốn ra vùng ngoại biên.
- Điện tâm đồ: có thể phát hiện những dấu hiệu của bệnh tim do thiếu máu cục bộ, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim.
- Siêu âm tim: thường được yêu cầu khi tình trạng sức khỏe bệnh nhân tạm ổn, trừ những trường hợp khẩn cấp được chẩn đoán có biến chứng cơ học do nhồi máu cơ tim cấp như thủng vách liên thất, cột cơ van 2 lá, đứt dây chằng.
3. Điều trị phù phổi cấp
Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh phù phổi cấp, nên đặt họ tại tư thế ngồi với 2 chân thõng xuống, giúp quá trình hô hấp diễn ra dễ dàng hơn và góp phần giảm đi sự trở lại của máu tĩnh mạch.
Ngoài ra, oxy cung cấp cho người bệnh nên được thở qua mặt nạ nhằm đạt được PO2 của động mạch trên 60mmHg. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu bị ức chế nặng thì nên đặt nội khí quản và sử dụng máy thở nếu cần thiết.
Thuốc được sử dụng phổ biến nhất hiện nay để điều trị phù phổi cấp là Morfin sulfat. Trong liều lượng ban đầu, lượng thuốc cho phép là 8mg được đưa vào đường tĩnh mạch (có thể thông qua đường tiêm dưới da nhưng chỉ có hiệu quả với những ca nhẹ), sau đó có thể lặp lại sau từ 2-4 giờ. Morfin là một loại thuốc giúp tăng sức chứa của tĩnh mạch, giảm áp lực của nhĩ trái và có thể làm giảm nhẹ được những lo lắng của người bệnh.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, Morfin có thể gây ra ứ CO2 và khiến giảm động tác hô hấp. Do đó, Morfin được khuyến cáo không nên dùng cho những bệnh nhân bị phù phổi do thuốc mê, các bệnh nhân này thường sẽ được cải thiện tình trạng sức khỏe bằng cách sử dụng thuốc đối kháng với thuốc gây mê. Ngoài ra, Morfin cũng không nên sử dụng cho những người bệnh bị phù phổi do nguyên nhân về thần kinh.
Ngoài ra, để điều trị bệnh phù phổi cấp, bệnh nhân sẽ được tiến hành theo dõi dựa trên điện tâm đồ, đảm bảo độ bão hòa oxy qua mạch sẽ đập liên tục trên monitor.