Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Thai phụ không nên quá lo lắng trước những căn bệnh do virus Zika. Thai phụ chỉ phải tiến hành xét nghiệm Zika để phát hiện nhiễm virus khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh và có tư vấn, chỉ định của cơ quan y tế.
1. Virus zika
Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi vằn aedes, có thể gây ra dịch.
Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tình dục, đường máu, lây từ mẹ sang con.
Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày, người bị bệnh thường có các biểu hiện như:
- Sốt nhẹ;
- Phát ban trên da;
- Viêm kết mạc;
- Đau khớp.
Tuy nhiên, khoảng 80% trường hợp nhiễm virus Zika không có biểu hiện lâm sàng. Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Zika, cần chú ý đến các yếu tố nghi ngờ ở người bệnh như:
- Sinh sống và du lịch tới vùng đã lưu hành dịch trong vòng hai tuần trước khi khởi bệnh; có ít nhất một trong hai biểu hiện lâm sàng hoặc hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh.
- Không xác định được căn nguyên gây bệnh khác như sốt xuất huyết, chikungunya... việc chẩn đoán xác định sẽ được thực hiện thông qua các xét nghiệm có kết quả dương tính.
2. Thai phụ nào cần xét nghiệm virus Zika?
Một phụ nữ mang thai khi tính đến phương án xét nghiệm Zika thì chỉ nên thực hiện nếu đang mang thai trong ba tháng đầu có dấu hiệu:
- Da nổi ban;
- Viêm kết mạc mắt;
- Đau mỏi cơ khớp, đau đầu;
- Đã quan hệ với chồng hoặc bạn tình có xét nghiệm dương tính với virus Zika;
- Đang sinh sống hoặc đã đến những vùng có dịch;
- Xuất hiện 2 trong 3 triệu chứng: sốt (thường là sốt nhẹ 37,5 độ C đến 38 độ C).
Thai phụ có đủ tiêu chuẩn nghi ngờ nhiễm virus Zika nêu trên thì được chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán xác định nhiễm Zika, bao gồm: huyết thanh chẩn đoán phát hiện IgM hoặc phản ứng khuếch đại gen rRT-PCR virus Zika từ bệnh phẩm huyết thanh.
Bộ Y tế khuyến cáo những phụ nữ có thai cần đi khám ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ, trong đó thời điểm khám lần đầu cần được thực hiện càng sớm càng tốt ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
3. Điều trị virus Zika ở phụ nữ mang thai
Đối với phụ nữ mang thai đã được xét nghiệm không bị nhiễm virus Zika thì nên tiến hành điều trị triệu chứng (nếu cần). Với phụ nữ mang thai đã được xét nghiệm và xác định bị nhiễm virus Zika: việc chăm sóc thai cần căn cứ vào kết quả siêu âm. Nếu siêu âm không thấy dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não:
- Tiếp tục theo dõi, chăm sóc thai nghén.
- Siêu âm định kỳ theo quy định.
Nếu siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não:
- Cần chuyển đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán xác định đầu nhỏ. Cân nhắc tiến hành chọc ối hoặc các thăm dò khác nhằm mục đích sàng lọc các dị tật bẩm sinh.
- Nếu chẩn đoán xác định có chứng đầu nhỏ cần thực hiện thêm các thăm dò khác để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân và phát hiện các dị tật khác. Cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn cho thai phụ và người nhà để gia đình tự quyết định.
Chỉ những thai phụ có đầy đủ các yếu tố nghi ngờ về nguy cơ nhiễm virus Zika mới nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra. Trường hợp phát hiện bệnh, bác sĩ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, tư vấn để họ tự quyết định chấm dứt thai kỳ hoặc giữ lại.
Để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ, thai phụ nên đăng ký dịch vụ thai sản trọn gói tại các cơ sở y tế uy tín để được theo dõi, kiểm tra, tư vấn kỹ lưỡng, đa chiều, có những can thiệp xử lý kịp thời khi có những triệu chứng, bệnh lý bất thường xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.