Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Bệnh động kinh là một căn bệnh liên quan đến sự rối loạn hoạt động của hệ thần kinh khá phổ biến. Những người phụ nữ bị động kinh thường có nhiều nỗi băn khoăn không biết bị động kinh có nên mang thai hoặc bị động kinh có thai được không? Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả sản phụ và thai thi thì trước khi lên kế hoạch mang thai, bạn cần được tư vấn bởi các bác sĩ có chuyên môn.
1. Tổng quan về bệnh động kinh
Bệnh động kinh hay dân gian thường gọi là giật kinh phong, là bệnh lý xuất hiện do sự rối loạn hoạt động dẫn truyền của các tế bào thần kinh ở hai bán cầu đại não. Sự hoạt động bất thường này dẫn đến các kích thích xảy ra đồng thời và hàng loạt ở nhiều vùng tế bào thần kinh ở vỏ não, đưa đến các xung động điện đột ngột và mất kiểm soát. Biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh lý động kinh là các cơn co giật. Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu duy nhất, bệnh lý động kinh biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào vùng vỏ não bị kích thích quá mức.
Cơ chế cụ thể gây ra bệnh động kinh chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, bệnh động kinh có thể xuất hiện sau các bối cảnh bệnh lý như:
- Chấn thương sọ não: Đây là một trong những nguyên nhân chính thường gặp trên lâm sàng. Người bệnh xuất hiện các cơn co giật đầu tiên sau các chấn thương ở vùng sọ não là bối cảnh lâm sàng thường thấy.
- Tình trạng nhiễm trùng ở não như: Viêm màng não, viêm não màng não, áp xe nhu mô não cũng có thể gây ra bệnh động kinh.
- Các bệnh lý gây ra những tổn thương ở não: Những người mắc bệnh u não chèn ép nhu mô lành hoặc bị nhồi máu não, xuất huyết não gây chết các tế bào não có nguy cơ xuất hiện bệnh lý động kinh cao hơn ở người bình thường.
- Yếu tố gia đình và di truyền: Các thành viên trong gia đình mắc bệnh động kinh là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh động kinh. Ngoài ra, ngày nay một số thể bệnh động kinh đã được xác định có mối liên quan với một số gen nhất định. Những gen này có vai trò làm tăng sự nhạy cảm của người bệnh dưới tác động của các yếu tố bên ngoài, từ đó bệnh lý động kinh xuất hiện với tần suất càng cao.
- Ở trẻ em, nhất là những trẻ nhỏ hơn 5 tuổi, sốt cao không kiểm soát tốt có thể dẫn đến co giật. Những đứa trẻ gặp phải tình trạng sốt cao co giật nhiều lần có tỷ lệ tiến triển thành bệnh động kinh khá cao sau này.
2. Phụ nữ bị động kinh có nên mang thai?
Trước hết, cần khẳng định rằng, phần lớn phụ nữ bị động kinh có thể mang thai và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh như những người phụ nữ khác. Tuy nhiên, điều khác biệt là sự quản lý thai kỳ cần được thực hiện một cách kỹ lưỡng và cẩn thận dưới sự tư vấn và giám sát của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh lý động kinh và thai kỳ có nhiều tác động qua lại và sức khỏe của thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi việc điều trị bệnh động kinh của mẹ.
Trong thai kỳ, chỉ định sử dụng thuốc liên quan đến liều lượng và thời gian cần được điều chỉnh. Thuốc điều trị bệnh động kinh cần được lựa chọn kỹ lưỡng để hạn chế các tác dụng không mong muốn lên thai kỳ. Tuy nhiên, đây là một yếu tố làm dễ dẫn đến việc kiểm soát lỏng lẻo bệnh lý động kinh ở phụ nữ mang thai so với các nhóm đối tượng bệnh nhân khác. Thai nhi có mẹ bị động kinh cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn như sẩy thai, sinh non, thai ngừng tiến triển trong tử cung. Các cơn động kinh của người mẹ có thể gây ra những sang chấn lên vùng bụng và gây nguy hiểm cho thai nhi. Các trẻ sống sinh ra từ những người phụ nữ bị động kinh có tỷ lệ gặp phải tình trạng chậm phát triển trí tuệ và tinh thần, cũng như khả năng mắc bệnh động kinh cao hơn so với những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ khỏe mạnh. Việc kiểm soát bệnh tật tốt và thực hiện các biện pháp phòng tránh giúp làm giảm những nguy cơ này ở thế hệ sau.
3. Phụ nữ bị động kinh khi mang thai cần lưu ý điều gì?
Để giữ cân bằng giữa việc đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh lý động kinh cho mẹ và sức khỏe cho thai nhi, phụ nữ bị động kinh trước và trong khi mang thai cần ghi nhớ các điều sau:
- Phụ nữ bị động kinh cần tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị liên tục trong vòng ít nhất 2 năm trước khi mang thai. Phụ nữ bị động kinh chỉ nên mang thai khi bệnh tình được kiểm soát tốt.
- Trong tam cá nguyệt đầu của thai kỳ hay ba tháng đầu thai kỳ, phụ nữ mang thai không sử dụng bất kỳ loại thuốc gì để không gây ra các tác dụng không mong muốn cho thai nhi.
- Trong các tháng tiếp theo, nếu thai phụ xuất hiện các cơn động kinh tái phát thì cần đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa. Khi đó, có thể một số loại thuốc sẽ được chỉ định sử dụng. Thông thường sử dụng thuốc điều trị bệnh động kinh trong giai đoạn này thường với liều thấp và thời gian sử dụng ngắt quãng để hạn chế các ảnh hưởng xấu đến kết cục thai kỳ như sinh non, sẩy thai. Tuy nhiên, quan sát từ các chuyên gia cho thấy phụ nữ bị động kinh có tỷ lệ tái phát bệnh không cao trong thời gian mang thai.
- Tuân thủ lịch tái khám tại các bác sĩ chuyên khoa thần kinh trong suốt quá trình mang thai. Không tự ý thay đổi liều lượng và thời gian sử dụng thuốc như ngừng sử dụng thuốc khi chưa có sự đồng ý của các bác sĩ điều trị.
- Phụ nữ bị động kinh khi mang thai cần lưu ý bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Tuyệt đối không sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích trong thai kỳ.
- Phụ nữ bị động kinh mang thai là những đối tượng có cơ địa miễn dịch không khỏe mạnh như người bình thường. Vì thế việc tránh tiếp xúc với các chất hóa học độc hại, hạn chế đi đến những chỗ đông người, không làm việc trong môi trường hóa chất hoặc bụi bẩn là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.
- Duy trì lối sống tinh thần thoải mái, thư giãn, hạn chế căng thẳng đến từ công việc và các mối quan hệ xung quanh. Phụ nữ mang thai cũng nên tham gia các hoạt động thể lực phù hợp như đi bộ, làm việc nhà. Tuyệt đối không nên nghỉ ngơi tại chỗ quá lâu để hạn chế nguy cơ tắc mạch chi và những biến chứng nghiêm trọng.
Phụ nữ bị bệnh động kinh vẫn có thể mang thai bình thường nếu đã kiểm soát được bệnh và trong quá trình mang thai được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa, giàu kinh nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.