Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch trong và sau phẫu thuật

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Người bệnh có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch trong và sau các phẫu thuật lớn đặc biệt là phẫu thuật chỉnh hình chi dưới. Huyết khối tĩnh mạch gây nhiều biến chứng nghiêm trọng sức khỏe và giảm chất lượng cuộc sống người bệnh. Do đó, bác sĩ cần xem xét thận trọng các yếu tố nguy cơ của người bệnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước mỗi cuộc phẫu thuật.

1. Nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch trong phẫu thuật và sau phẫu thuật

Huyết khối tĩnh mạch là hiện tượng hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Huyết khối tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào, nhưng thường gặp nhất là ở tĩnh mạch chi dưới. Người bệnh trải qua các cuộc phẫu thuật, đặc biệt là các các phẫu thuật chỉnh hình lớn như thay khớp gối, thay khớp háng, phẫu thuật ổ cối, đầu trên xương đùi,... sẽ có nguy cơ cao phát triển huyết khối tĩnh mạch. Đây là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân nhân phải nhập viện sau khi thực hiện các phẫu thuật chỉnh hình.

Tỷ lệ hình thành huyết khối tĩnh mạch trong phẫu thuật và sau phẫu thuật đã được thể hiện qua nhiều nghiên cứu khác nhau như:

  • Năm 1973, Johnson và Charnley đã tổng kết 7.959 phẫu thuật thay khớp háng từ năm 1962-1973. Kết quả cho thấy tỷ lệ thuyên tắc phổi ở các bệnh nhân này là 7,9 %, tỷ lệ tử vong là 1,04%.
  • Năm 1974, Coventry báo cáo trong 2012 ca thay khớp háng, nếu không dùng thuốc kháng đông, tỷ lệ tử vong do thuyên tắc phổi là 3.4%. Nếu dùng thuốc kháng đông Warfarin 5 ngày sau mổ, tỷ lệ thuyên tắc phổi là 2.2%.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật như: Người bệnh bất động trong hơn 72 giờ sau phẫu thuật; người bệnh mang thai hoặc béo phì; cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ,...

2. Vì sao phẫu thuật làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch trong phẫu thuật và sau phẫu thuật?

Các nhiều yếu tố trong quá trình phẫu thuật làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch như:

  • Tổn thương nội mạch do tư thế mổ và thao tác, tổn thương do nhiệt, sử dụng xi măng xương, dùng garô trong lúc mổ,...
  • Ứ trệ tuần hoàn do bệnh nhân bất động lúc mổ; gây mê; hạn chế vận động trong giai đoạn sau mổ,...

Cùng với đó, quá trình phẫu thuật có thể làm tăng tính đông máu do tăng phóng thích các yếu tố đông máu ở mô, hoạt hóa các men đông máu và kìm hãm hệ tiêu sợi huyết nội sinh sau mổ.


Huyết khối tĩnh mạch trong phẫu thuật có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng
Huyết khối tĩnh mạch trong phẫu thuật có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng

3. Hậu quả của huyết khối tĩnh mạch trong phẫu thuật và sau phẫu thuật

Huyết khối tĩnh mạch thường hình thành ở chân và mắc kẹt ở vùng tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, huyết khối có thể di chuyển đến mạch máu phổi, gây thuyên tắc phổi. Các triệu chứng của thuyên tắc phổi là khó thở, đau ngực dữ dội, gây nguy cơ cao đột tử. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của huyết khối tĩnh mạch trong và sau phẫu thuật, gây đe dọa nghiêm trọng tính mạng người bệnh.

Bên cạnh đó, huyết khối tĩnh mạch còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Hội chứng mạn tính sau thuyên tắc như đau chân, phù nề chân, loét da cẳng chân mãn tính,...
  • Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch tái hồi
  • Tăng áp lực động mạch phổi mạn tính sau thuyên tắc khiến người bệnh khó thở khi gắng sức, mệt mỏi, kiệt sức, giảm khả năng lao động.

4. Dự phòng huyết khối tĩnh mạch trong phẫu thuật và sau phẫu thuật

Để ngăn ngừa nguy cơ huyết khối tĩnh mạch trong và sau phẫu thuật, tùy theo từng trường hợp phẫu thuật cụ thể, có thể áp dụng có biện pháp sau đây:

  • Sử dụng các thuốc chống đông như Warfarin, Heparin, Aspirin; các thuốc ức chế trực tiếp thrombin như melagatran, ximelagatran, rivaroxaban,... Tuy nhiên trước khi sử dụng chống đông, cần đánh giá cẩn trọng yếu tố nguy cơ của từng bệnh nhân vì dùng thuốc chống đông có thể gây nguy cơ chảy máu nghiêm trọng.
  • Các biện pháp cơ học như băng ép đùi cẳng bàn chân sau mổ, băng ép bằng hơi gián cách,... Các biện pháp này sẽ làm tăng lưu thông máu và giảm ứ đọng máu tĩnh mạch nhưng không làm tăng nguy cơ chảy máu. Các biện pháp cơ học thường chỉ định cho bệnh nhân cần dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch nhưng nguy cơ chảy máu cao hoặc chống chỉ định dùng thuốc chống đông.
  • Phương pháp vô cảm: Nếu sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống có thể giảm 40 - 50% nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, do các phương pháp này tăng lưu lượng máu đến chi dưới trong lúc mổ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe