Được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đột quỵ, còn gọi là tai biến mạch máu não, thường do tổn thương xơ vữa mạch não hoặc tăng huyết áp. Nhưng trên thực tế, nguyên nhân gây đột quỵ não do tim, vì thế, những người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc các bệnh lý mãn tính cần nắm được cách phòng ngừa đột quỵ, nhất là khi giao mùa, trở lạnh.
1. Mối liên hệ giữa bệnh tim và đột quỵ não
Bệnh lý của tim có thể gây đột quỵ não do làm xuất hiện những cục máu đông (huyết khối) trong buồng tim, đặc biệt là tâm nhĩ hoặc tâm thất trái. Cục máu đông hình thành trong buồng tim có nhiều nguy cơ bong ra, xuống tâm thất trái, vào vòng tuần hoàn và gây tắc mạch. Cục máu đông trôi theo hệ thống động mạch lên não, sau đó sẽ bị kẹt ở một nhánh nào đó và gây triệu chứng đột quỵ.
Đột quỵ não do tim biểu hiện ở nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng. Khởi đầu, người bệnh sẽ thấy đau đầu dữ dội, khó nói, liệt nửa người, không kiểm soát được tay và chân, hôn mê,.... Bệnh nhân có thể tử vong hoặc gặp di chứng nặng nề nếu huyết khối gây tắc mạch lớn ở não. Các trường hợp nhẹ hơn có thể biểu hiện:
- Méo miệng
- Ngọng
- Nuốt sặc
- Liệt thần kinh vận nhãn
Cũng có trường hợp cục máu đông sau khi trôi lên não gây tắc mạch sẽ tự tiêu đi, do đó chỉ gây liệt trong thời gian ngắn và bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Để chẩn đoán đột quỵ não do tim, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, phim chụp cộng hưởng từ sọ não và siêu âm tim phát hiện dấu hiệu bất thường.
XEM THÊM: Chẩn đoán đột quỵ: Chụp CT tưới máu não
2. Vì sao thời tiết giao mùa, nhiệt độ lạnh nguy hiểm với tim và não?
Trong thời tiết giao mùa nóng lạnh thất thường, mọi người cần cảnh giác nguy cơ đột quỵ, nhất là người cao tuổi và người có bệnh tim mạch. Bởi khi ở trong môi trường quá lạnh hoặc quá nóng, cơ thể con người tự động có những điều chỉnh sinh lý nhất định để duy trì ổn định thân nhiệt. Thế nhưng các điều chỉnh bình thường này lại có thể trở thành một thách thức đối với những người mắc bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ đột quỵ. Cụ thể, thay đổi nhiệt độ có thể khiến cho:
- Nhịp tim tăng lên
- Tăng huyết áp
- Trái tim phải làm việc cật lực hơn
- Tăng khuynh hướng đông máu trong lòng mạch
Đối với bệnh nhân có vấn đề về mạch vành, nhiệt độ thấp có thể dẫn tới các đợt thiếu máu cục bộ ở tim do cơ tim bị thiếu O2, gây các cơn đau thắt ngực, thậm chí là cơn đau tim cấp.
Nhiệt độ môi trường giảm nhanh chóng còn có thể ảnh hưởng đến những người bị suy tim, khiến các triệu chứng đang ổn định bỗng đột ngột tiến triển xấu, tăng nguy cơ nhập viện và thậm chí là tử vong.
Còn những người đang đối mặt với tình trạng tăng huyết áp, thời tiết thay đổi thất thường có thể làm chỉ số huyết áp càng cao hơn, dễ gây ra các biến chứng tim mạch và dẫn đến đột quỵ.
XEM THÊM: Nguy hiểm của đột quỵ do tăng huyết áp: Vỡ, đứt mạch máu não
3. Cách phòng ngừa đột quỵ khi thời tiết lạnh
Người cao tuổi hoặc bị bệnh tim mạch cần cảnh giác và phải có biện pháp tránh đột quỵ, đặc biệt khi trời trở lạnh, giao mùa. Trả lời cho câu hỏi đột quỵ phòng được không, các bác sĩ cho biết những biện pháp phòng ngừa đột quỵ đều khá đơn giản và ai cũng có thể dễ dàng thực hiện. Cụ thể như sau:
Hạn chế tiếp xúc với lạnh
Tránh ở ngoài trời lâu trong thời tiết lạnh. Nếu phải ra ngoài, bạn cần mặc ấm, nhiều lớp quần áo, che kín vùng đầu và bàn tay, đi tất và mang giày ấm.
Không hoạt động quá sức
Đừng cố gắng vận động quá gắng sức trong khí hậu lạnh. Ngay việc đi bộ nhanh hơn bình thường, kết hợp với gió lạnh thổi vào mặt và cơ thể, cũng được đánh giá là gắng sức. Thậm chí, chỉ ngồi yên ở ngoài trời lạnh cũng thúc đẩy bên trong cơ thể chúng ta phải hoạt động nhiều hơn bình thường nhằm giữ cho thân nhiệt được ổn định.
Tránh để quá nóng
Ngược lại với quá lạnh thì quá nóng cũng là một yếu tố nguy cơ. Nhiệt độ cao sẽ làm cho các mạch máu đột ngột giãn ra, có nguy cơ dẫn đến hạ huyết áp ở người mắc bệnh tim mạch. Mặc quần áo ấm trước khi hoạt động thể chất có thể khiến cơ thể bị nóng bức. Nếu hoạt động ngoài trời lạnh và thấy đổ mồ hôi nhiều, như vậy là cơ thể bạn đang quá nóng và có sự bất thường. Thậm chí người bị bệnh tim mạch nên coi đây là dấu hiệu nguy hiểm. Lúc này, hãy dừng việc đang làm và vào nhà nghỉ ngơi trong nhiệt độ thích hợp.
Tiêm phòng cúm
Thời tiết giao mùa vào thu đông cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm. Căn bệnh này đặc nguy hiểm đối với người đang có vấn đề về bệnh tim mạch. Vì vậy, cần chú trọng tiêm phòng vắc-xin cúm trước khi mùa lạnh tới. Nếu nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị ngay.
Không uống rượu
Uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh là việc làm nguy hiểm. Bởi rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến chúng ta cảm thấy ấm hơn trong khi thực sự các cơ quan quan trọng đã bị lấy đi nguồn nhiệt.
Duy trì lối sống lành mạnh
Để phòng ngừa đột quỵ nói riêng và nhiều bệnh lý khác, mọi người cần tránh hút thuốc lá (tác nhân dễ kích thích khởi phát cơn rung nhĩ), không ăn mặn, tập thể dục hoặc vận động phù hợp, hạn chế xúc động hoặc stress, ăn uống đầy đủ, khoa học...
Tuân thủ điều trị
Bệnh nhân cần dự phòng biến chứng tắc mạch não do rung nhĩ bằng cách kiểm soát tốt tần số tim và ngăn cản sự hình thành huyết khối. Việc uống thuốc dự phòng phải đều đặn, theo đúng chỉ định và được bác sĩ chuyên khoa tim mạch theo dõi thường xuyên. Điều trị dự phòng đòi hỏi kết hợp xử trí nguyên nhân gây rung nhĩ bằng các kỹ thuật y khoa, điều trị bệnh mạch vành, tiểu đường và viêm phổi.
Tóm lại, người bị bệnh tim mạch hay có tiền sử đột quỵ phải luôn cảnh giác với biến chứng tắc mạch và nhiệt độ lạnh. Để tránh nguy hiểm đe dọa tính mạng, cần có chiến lược dự phòng hình thành cục máu đông, đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa thông thường nhằm giảm nguy cơ đột quỵ trong môi trường lạnh.
Ngoài ra, để tránh các biến chứng chứng đột quỵ, việc chăm sóc sức khỏe, duy trì chế độ dinh dưỡng, lối sống là việc làm rất cần thiết. Người bệnh nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ để nhận biết sớm tình trạng bệnh lý và được theo dõi, quản lý sức khỏe. Đặc biệt những người có tiền sử tim mạch, đột quỵ hoặc mắc các bệnh mãn tính.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.