Bài viết được viết bởi bác sĩ ThS.BS Nguyễn Thục Vỹ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Phình giáp đa hạt (còn gọi là bướu giáp đa nhân, multinodular goiter) được định nghĩa là tuyến giáp lớn với nhiều nhân giáp với chức năng của tuyến giáp có thể bình thường, giảm hoặc tăng.
1. Giới thiệu
Nhân giáp (thyroid nodule, còn gọi là hạt giáp, nốt tuyến giáp) là một tổn thương ở tuyến giáp, khác biệt về mặt hình ảnh với nhu mô tuyến giáp bình thường xung quanh.
Về mặt thuật ngữ “Phình giáp đa hạt” là một thuật ngữ đã bị chỉ trích vì có phần nào đó không hợp lý vì một số trường hợp tuyến giáp có nhiều nhân nhưng kích thước không lớn, dẫn đến việc sử dụng rộng rãi hơn thuật ngữ “ Nhân giáp” hoặc “ Đa nhân giáp”.
Phình giáp đa hạt thường gặp ở phụ nữ (M: F = 1: 3) trong độ tuổi 35-50. Bệnh nhân thường có chức năng tuyến giáp bình thường (bình giáp) nhưng cũng có thể giảm hoặc tăng chức năng chức năng tuyến giáp, dẫn đến các triệu chứng toàn thân do suy giáp hoặc cường giáp tương ứng.
Khi có sự tăng hoạt chức năng tuyến giáp (tình trạng cường giáp) thì tình trạng này được gọi là phình giáp đa hạt độc (bướu giáp đa nhân độc) hoặc bệnh Plummer.
2. Bệnh học
Về mặt bệnh học, phình giáp đa hạt phát triển từ phình giáp đơn thuần (tuyến giáp lớn mà không có bất kỳ nhân giáp nào) do kết quả của sự kích thích và đáp ứng lặp đi lặp lại.
Phình giáp đơn thuần được thấy ở nhiều nam và nữ tuổi dậy thì, và gần như là một phản ứng sinh lý đối với những thay đổi phức tạp về nội tiết tố xảy ra tại thời điểm này. Nó thường thoái triển, nhưng đôi khi (phổ biến hơn ở các bé gái), nó vẫn tồn tại và phát triển thêm trong thời kỳ phụ nữ mang thai.
Hầu hết các phình giáp đơn thuần phát triển thành phình giáp đa hạt theo thời gian. Các hạt giáp phát triển dần dần trong khoảng thời gian vài năm, sau đó trở nên ổn định và ít có xu hướng phát triển thêm. Hiếm khi xảy ra hiện tượng giảm kích thước tự phát đáng chú ý của tuyến giáp. Đôi khi, có sự gia tăng đột ngột về kích thước của tuyến đi kèm với đau nhói ở một vùng. Sự kiện này gợi ý xuất huyết trong nhân giáp và có thể khẳng định bằng siêu âm. Trong vòng 3-4 ngày, các triệu chứng giảm dần và trong vòng 2-3 tuần, tuyến giáp có thể trở lại kích thước trước đó. Trong tình huống như vậy, nhiễm độc giáp cấp tính có thể phát triển và giảm đi một cách tự phát.
Hầu hết (> 90%) các nhân này lành tính, là các nốt tăng sản hoặc u tuyến với mức độ thoái hóa nang khác nhau. Có thể ghi nhận sự hiện diện của dịch huyết thanh hoặc dịch keo trong các nhân giáp.
Chỉ một phần nhỏ (4-6.5%) của nhân giáp có nguy cơ ác tính. Tiền sử gia đình mắc bệnh ác tính và trước đó đã tiếp xúc với bức xạ vùng cổ là những yếu tố nguy cơ của nhân giáp ác tính.
3. Đặc điểm hình ảnh siêu âm
Siêu âm là phương pháp hình ảnh đầu tiên để sàng lọc các nốt và tìm kiếm các dấu hiệu nghi ngờ về sự thay đổi ác tính trong các nhân giáp.
Thông thường, các nhân giáp lành tính có các đặc điểm sau:
- Tăng âm đồng nhất
- Viền halo giảm âm xung quanh
- Có dạng xốp hoặc tổ ong
- Có thành phần nang dịch chứa chất lỏng keo với các ổ hồi âm dạng đuôi sao chổi
- Vôi hóa ngoại vi dạng vỏ trứng hoặc vôi hóa thô
- Doppler: các mạch ngoại vi thường được ghi nhận, có thể có hình ảnh tăng tưới máu ở trung tâm nốt (chủ yếu ở các nốt tăng chức năng)
Điều quan trọng là phải sàng lọc sự hiện diện của các đặc điểm ác tính (nếu có) trong bất kỳ nốt nào và chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA tuyến giáp) có thể được thực hiện với các nốt nghi ngờ.
Các dấu hiệu gợi ý ác tính trên siêu âm:
- Nốt đặc rất giảm âm
- Sự hiện diện vi vôi hóa ở trong nốt
- Sự lan rộng của tổn thương ra ngoài bờ tuyến giáp
- Di căn hạch cổ
- Nốt có hình dạng có chiều cao lớn hơn chiều rộng trên mặt cắt ngang (nhân giáp có trục dọc)
Những biểu hiện trên siêu âm ít đặc hiệu hơn có thể nghi ngờ ác tính bao gồm không có viền halo, bờ không rõ hoặc không đều, thành phần đặc và tăng mạch máu trung tâm. Xác suất bệnh ác tính tăng lên cùng với số lượng các đặc điểm nghi ngờ trên siêu âm.
4. Khi nào cần thực chọc hút kim nhỏ (FNA)
FNA được coi là xét nghiệm tiêu chuẩn vàng để đánh giá nhân giáp. Đây là một thủ tục tại phòng khám, được thực hiện với kim có kích thước nhỏ từ 23G đến 27G, để lấy mẫu mô để kiểm tra tế bào học. Đây là một cách an toàn, chính xác và hiệu quả về chi phí để đánh giá nhân giáp.
FNA có thể được thực hiện bằng cách sờ nắn hoặc với hướng dẫn của siêu âm. Máy siêu âm với đầu dò tần số từ 7,5 đến 10 MHz cung cấp hình ảnh rõ ràng và liên tục về tuyến giáp và cho phép nhìn thấy đầu kim theo thời gian thực để đảm bảo lấy mẫu chính xác. FNA có hướng dẫn của siêu âm được ưu tiên sử dụng cho các nốt khó sờ thấy.
Chỉ định FNA dựa vào kích thước nhân giáp và đặc điểm siêu âm (theo hướng dẫn của hiệp hội tuyến giáp Hoa kỳ ACR TIRADS 2017):
- Nhân ≥ 1cm với đặc điểm siêu âm nghi ngờ ở mức cao
- Nhân ≥ 1,5 cm với đặc điểm siêu âm nghi ngờ trung bình
- Nốt ≥ 2.5 cm với đặc điểm siêu âm nghi ngờ thấp
- Đối với các nốt không đáp ứng các tiêu chuẩn trên thì không cần dùng FNA (với một số trường hợp ngoại lệ) và các nốt dạng nang đơn thuần.
5. Điều trị
5.1 Điều trị các nốt lành tính
Nếu nhân giáp không phải là ung thư, các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Thận trọng chờ đợi: Nếu sinh thiết cho thấy bạn có một nhân giáp không phải ung thư, bác sĩ có thể đề nghị chỉ cần theo dõi tình trạng của bạn. Điều này thường có nghĩa là bạn phải khám sức khỏe, siêu âm, kiểm tra chức năng tuyến giáp định kỳ. Bạn cũng có thể phải làm thêm một sinh thiết khác nếu nốt phát triển lớn hơn. Nếu nhân giáp lành tính không thay đổi, bạn có thể không bao giờ cần điều trị.
- Liệu pháp hormone tuyến giáp: Nếu xét nghiệm chức năng tuyến giáp của bạn cho thấy tuyến giáp của bạn không sản xuất đủ hormon tuyến giáp, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp hormon tuyến giáp.
- Phẫu thuật: Một nốt không phải ung thư đôi khi có thể phải phẫu thuật nếu nó quá lớn khiến bạn khó thở hoặc khó nuốt. Các nốt được chẩn đoán là không xác định hoặc nghi ngờ bằng sinh thiết cũng cần phẫu thuật cắt bỏ để có thể kiểm tra các dấu hiệu của ung thư.
- Đốt sóng cao tần nhân giáp (RFA): Là phương pháp hủy khối u bằng nhiệt không cần phẫu thuật đang được áp dụng tại Vinmec.
5.2 Điều trị các nốt gây ra cường giáp
Nếu nhân giáp đang sản xuất hormone tuyến giáp, làm quá tải mức sản xuất hormone bình thường của tuyến giáp, bác sĩ có thể đề nghị bạn điều trị bệnh cường giáp. Điều này có thể bao gồm:
- Phóng xạ Iốt: Các bác sĩ sử dụng iốt phóng xạ để điều trị cường giáp. Được dùng dưới dạng viên nang hoặc ở dạng lỏng, iốt phóng xạ được tuyến giáp của bạn hấp thụ. Điều này làm cho các nốt này co lại và các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cường giáp giảm dần, thường trong vòng 2 đến 3 tháng.
- Thuốc kháng giáp: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc kháng giáp như methimazole (Tapazole) để giảm các triệu chứng của cường giáp. Việc điều trị nói chung là lâu dài và có thể có các tác dụng phụ nghiêm trọng đối với gan của bạn, vì vậy điều quan trọng là phải thảo luận với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của việc điều trị.
- Phẫu thuật: Nếu điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc thuốc kháng giáp không phải là một lựa chọn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật loại bỏ nhân giáp hoạt động quá mức.
5.3 Điều trị các nốt ung thư
Điều trị nốt ung thư thường là phẫu thuật cắt bỏ, có thể phẫu thuật cắt gần toàn bộ tuyến giáp hoặc chỉ cắt bỏ một nửa tuyến giáp. Rủi ro của phẫu thuật tuyến giáp bao gồm tổn thương dây thần kinh điều khiển dây thanh âm và tổn thương tuyến cận giáp - bốn tuyến nhỏ nằm ở mặt sau của tuyến giáp giúp kiểm soát mức độ khoáng chất của cơ thể, chẳng hạn như canxi. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bạn sẽ cần điều trị suốt đời bằng levothyroxine để cung cấp hormon tuyến giáp cho cơ thể.
Tiêm cồn vào nhân giáp: Một lựa chọn khác để kiểm soát một số nốt ung thư nhỏ. Kỹ thuật này bao gồm việc tiêm một lượng nhỏ cồn vào nhân giáp ung thư để tiêu diệt nó. Thường phải điều trị nhiều đợt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: radiopaedia.org, NCBI, mayoclinic.org