Phenylalanine là một axit amin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và được cơ thể sử dụng để sản xuất protein và các phân tử quan trọng khác. Một số nghiên cứu đã cho thấy, Phenylalanine có tác dụng đối với bệnh trầm cảm, các bệnh lý liên quan đến da. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về lợi ích, tác dụng phụ của phenylalanine cũng như nguồn thực phẩm có chứa nhiều phenylalanine.
1. Phenylalanine là gì?
Phenylalanine là một axit amin, được coi là khối xây dựng của protein trong cơ thể người.
Phenylalanine gồm 3 dạng: D- phenylalanine , L-phenylalanine, và dạng hỗn hợp được dùng trong thí nghiệm gọi là DL- phenylalanine.
- D- phenylalanine không phải là axit amin thiết yếu, vai trò của nó trong cơ thể người hiện vẫn chưa được thể hiện rõ. Dạng D có thể được tổng hợp để sử dụng trong một số dụng cụ y tế;
- L- phenylalanine được tìm thấy trong thực phẩm, được sử dụng để sản xuất protein trong cơ thể người. Đây là một axit amin thiết yếu. Dạng L là dạng duy nhất của phenylalanine được tìm thấy trong protein. L-phenylalanine có trong các nguồn thực phẩm như thịt, cá, trứng, phô mai, sữa.
Ngoài việc sản xuất protein, phenylalanine được sử dụng để tạo ra các phân tử quan trọng khác trong cơ thể bạn, một trong số đó là việc gửi tín hiệu giữa các bộ phận khác nhau trong cơ thể.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phenylalanine được dùng để điều trị một số bệnh lý liên quan đến da, bệnh trầm cảm... Tuy nhiên, phenylalanine có thể gây nguy hiểm cho những người mắc rối loạn di truyền phenylketon niệu ( PKU).
2. có tác dụng gì?
Cơ thể cần phenylalanine và các axit amin khác để tạo nên protein. Nhiều protein quan trọng được tìm thấy trong não, máu, cơ bắp, các cơ quan nội tạng và hầu như ở tất cả các bộ phận trong cơ thể.Hơn nữa, phenylalanine rất quan trọng trong việc sản xuất các phân tử khác bao gồm:
- Tyrosine: Axit amin này được sản xuất trực tiếp từ phenylalanine. Nó có thể được sử dụng để tạo ra protein mới;
- Epinephrine và norepinephrine: Khi bạn căng thẳng, các phân tử này rất quan trọng;
- Dopamine: Phân tử này có liên quan đến cảm giác khoái cảm của não bộ, cũng như hình thành ký ức, kỹ năng của bạn;
Nếu các chức năng của các phân tử này có vấn đề thì có thể gây nên tác động tiêu cực đối với sức khỏe. Vì phenylalanine được sử dụng để tạo ra các phân tử này trong cơ thể nên nó được coi như một phương pháp điều trị tiềm năng đối với một số bệnh lý, trong đó có bệnh trầm cảm.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phenylalanine có thể mang lại hiệu quả trong việc điều trị bệnh bạch biến. Có thể dùng L-phenylalanine kết hợp tiếp xúc tia cực tím (UV) để cải thiện sắc tố da, điều trị hiệu quả bệnh bạch biến ở người lớn và trẻ em.
Một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có nồng độ axit amin trong cơ thể thấp hơn, chẳng hạn như nồng độ của phenylalanine. Chính vì vậy, có thể hy vọng rằng việc cung cấp phenylalanine sẽ điều trị được chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Phenylalanine có thể được sử dụng để sản xuất phân tử dopamine. Dopamine trong não có liên quan đến một số dạng trầm cảm. Một nghiên cứu gồm 12 bệnh nhân bị trầm cảm đã cho thấy lợi ích của hỗn hợp các dạng D và L của Phenylalanine trong việc điều trị trầm cảm, tình trạng của 2/3 bệnh nhân đã được cải thiện.
Ngoài bệnh bạch biến và trầm cảm, phenylalanine còn có tác dụng đối với một số trường hợp sau:
- Giảm đau: Dạng D của phenylalanine có thể giảm đau trong một số trường hợp như nhổ răng;
- Cai rượu: Dùng kết hợp D - phenylalanine cùng với một số axit amin khác có thể cải thiện một số triệu chứng cai rượu;
- Lão hóa da: Nghiên cứu cho thấy nếu áp dụng dạng biến đổi của phenylalanine được gọi là undecylenoyl phenylalanine dưới dạng kem 2%, dùng 2 lần/ ngày trong 12 tuần có thể giảm các vết đốm do tuổi tác;
- Parkinson: D-phenylalanine có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson.
3. Phenylalanine có những tác dụng phụ nào?
Phenylalanine được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm có chứa protein. Lượng axit amin này sẽ không gây rủi ro cho những người khỏe mạnh.
Phụ nữ mang thai nên bổ sung phenylalanine ở mức bình thường bởi nếu có quá nhiều phenylalanine trong cơ thể người mẹ, có thể làm tăng khả năng dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Với những đối tượng có phenylalanine ở mức bình thường thì chỉ nên bổ sung phenylalanine có trong thực phẩm với một lượng vừa đủ. Không nên dùng thêm chất bổ sung. Phụ nữ có nồng độ phenylalanine cao, ngay cả việc bổ sung bằng thực phẩm cũng không an toàn.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến nghị nên ăn ít thực phẩm có chứa phenylalanine trong ít nhất 20 tuần trước khi mang thai. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Các đối tượng bị rối loạn chuyển hóa axit amin phenylketon niệu (PKU) có nồng độ phenylalanine trong máu cao hơn bình thường khoảng 400 lần so với những người không có PKU. Những người mắc chứng rối loạn này có thể bị chậm phát triển trí tuệ, huyết áp cao, đột quỵ và nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng khác nếu họ tiêu thụ thêm phenylalanine. Những người bị PKU sẽ được đưa vào chế độ ăn ít protein đặc biệt, thường sẽ phải duy trì suốt đời.
Phenylalanine có thể làm cho rối loạn vận động ở những người bị tâm thần phân liệt trở nặng hơn.
4. Phenylalanine có trong thực phẩm nào?
Các loại thực phẩm có chứa phenylalanine có nguồn gốc từ thực vật và động vật:
- Các sản phẩm từ đậu nành là nguồn thực phẩm giàu axit amin này, cũng như một số loại hạt khác như hạt bí ngô, hạt bí... Bổ sung protein từ đậu nành có thể cung cấp khoảng 2,5gr phenylalanine trong mỗi khẩu phần ăn 200 calo;
- Đối với các sản phẩm từ động vật như trứng, hải sản và một số loại thịt khác, có thể cung cấp từ 2-3 gram trong mỗi khẩu phần ăn 200 calo;
Bạn không cần phải lựa chọn cụ thể các loại thực phẩm dựa trên hàm lượng phenylalanine.
Ăn nhiều loại thực phẩm giàu protein sẽ cung cấp cho bạn tất cả phenylalanine mà bạn cần cùng với các axit amin thiết yếu khác.
Phenylalanine là một axit amin thiết yếu được tìm thấy trong cả thực phẩm từ động vật và thực vật. Phenylalanine thường được coi là an toàn, tuy nhiên đối với những người bị PKU thì có thể gặp tác dụng phụ nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com; webmd