Thuốc Amiparen-5 và 10% là loại thuốc giúp cung cấp các axit amin thiết yếu cho cơ thể người bệnh bị giảm protein huyết tương, suy dinh dưỡng hoặc thực hiện phẫu thuật. Trong quá trình sử dụng thuốc Amiparen, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn dùng thuốc mà bác sĩ khuyến nghị.
1. Thuốc Amiparen là thuốc gì?
Thuốc Amiparen thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, bao gồm 2 loại chính: Thuốc Amiparen-5 và Amiparen 10%. Trong đó, các thành phần chính của mỗi loại gồm:
- Thuốc Amiparen-5: L-Aspartic acid 0.25g, L-Serine 0.75g, L-Tyrosine 0.125g, L-Glutamic acid 0.25g, L-Methionine 0.975g, L-Histidine 1.25g, L-Phenylalanine 1.75g, L-Proline 1.25g, L-Isoleucine 2g, L-Threonine 1.425g, L-Valine 2g, L-Alanine 2g, L-Arginine 2.625g, L-Leucine 3.5g, Glycine 1.475g, L-Tryptophan 0.5g, L-Lysine acetate 3.7g và L-Cysteine 0.25g.
- Thuốc Amiparen 10%: L-Tyrosine 0.25g, L-Aspartic acid 0.5g, L-Methionine 1.95g, L-Glutamic acid 0.5g, L-Histidine 2.5g, L-Serine 1.5g, L-Phenylalanine 3.5g, L-Threonine 2.85g, L-Valine 4g, L-Proline 2.5g, L-Leucine 7g, L-Isoleucine 4g, L-Arginine 5.25g, Glycine 2.95g, L-Alanine 4g, L-Tryptophan 1g, L-Lysine acetate 7.4g và L-Cysteine 0.5g.
Amiparen-5 và Amiparen 10 là thuốc gì? Theo chuyên gia, cả 2 loại trên của thuốc Amiparen đều là những loại thuốc giúp bổ sung các axit amin thiết yếu cho cơ thể của bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, trước / sau phẫu thuật hoặc giảm protein huyết tương. Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, được đóng gói theo quy cách chai Amiparen 200ml hoặc 500ml.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Amiparen-5
2.1.Chỉ định sử dụng thuốc Amiparen-5
Thuốc Amiparen-5 thường được chỉ định để bổ sung axit amin cho các trường hợp cụ thể dưới đây:
- Người bị suy dinh dưỡng.
- Người chuẩn bị thực hiện phẫu thuật hoặc vừa mới trải qua phẫu thuật bị mất nhiều chất dinh dưỡng.
- Người đang gặp phải tình trạng giảm protein huyết tương.
Ngoài ra, thuốc Amiparen-5 cũng có thể được sử dụng cho một số mục đích điều trị khác đã được chấp thuận bởi chuyên gia. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để biết thông tin cụ thể về chỉ định dùng thuốc Amiparen-5.
2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Amiparen-5
Thuốc Amiparen nói chung và Amiparen-5 nói riêng sẽ không được chỉ định dùng cho các trường hợp dưới đây:
- Bệnh nhân có nguy cơ hoặc đang bị hôn mê gan.
- Bệnh nhân suy thận cấp độ nặng.
- Bệnh nhân có dấu hiệu tăng nitơ trong máu.
- Bệnh nhân có các bất thường trong quá trình chuyển hoá axit amin.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Amiparen
3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Amiparen
Liều lượng tiêm truyền tĩnh mạch thuốc Amiparen sẽ được xác định cụ thể tuỳ theo loại thuốc, cụ thể:
Liều tiêm truyền tĩnh mạch ngoại biên thuốc Amiparen-5:
- Liều tiêm truyền thông thường: Bệnh nhân sẽ được tiêm truyền tĩnh mạch từ 1 – 2 chai dung dịch thuốc Amiparen-5, tương đương nhỏ giọt 25 – 50g axit amin / lần.
- Tốc độ truyền: Đối với người lớn, tốc độ truyền dung dịch Amiparen-5 là 10ml trong vòng 30 phút, tương đương xấp xỉ 66 giọt. Tốc độ truyền dịch có thể cân nhắc giảm xuống đối với người cao tuổi, trẻ em và bệnh nhân đang mắc vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Liều tiêm truyền thuốc Amiparen 10:
- Liều dùng thông thường truyền qua tĩnh mạch trung tâm: Nhỏ giọt 200 – 400ml dung dịch Amiparen 10 trong vòng 10 ngày.
- Liều dùng thông thường truyền qua tĩnh mạch ngoại biên: Nhỏ giọt 200 – 400ml dung dịch Amiparen 10 trong 10 lần truyền. Đối với người lớn, tốc độ truyền là 100ml trong vòng 60 phút. Tốc độ truyền sẽ được cân nhắc giảm xuống cho đối tượng bệnh nhân cao tuổi, người mắc bệnh nặng và trẻ nhỏ. Nhằm giúp tăng mức độ hiệu quả cung cấp axit amin cho cơ thể người bệnh, bác sĩ có thể quyết định kết hợp thuốc Amiparen 10 cùng với dung dịch Carbohydrate.
3.2 Hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc Amiparen
Thuốc Amiparen-5 và Amiparen 10% sẽ được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Dựa trên đánh giá về độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà liều dùng thuốc sẽ được bác sĩ điều chỉnh phù hợp nhất cho từng đặc điểm đối tượng.
Trong quá trình tiêm truyền tĩnh mạch thuốc Amiparen, bác sĩ có thể tiến hành một số biện pháp dự phòng thích hợp nhằm giúp bệnh nhân giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm khuẩn chéo. Bên cạnh đó, khi thực hiện tiêm truyền thuốc Amiparen-5 hoặc 10% cho bệnh nhân trong điều kiện môi trường lạnh, dung dịch tiêm truyền cần được làm ấm sao cho tương đương với thân nhiệt của người bệnh.
4. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Amiparen
Trong quá trình tiêm truyền tĩnh mạch thuốc Amiparen, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý dưới đây:
- Các triệu chứng của phản ứng quá mẫn thuốc (hiếm gặp), chẳng hạn như nổi mày đay, phát ban trên da, ngứa, mẩn đỏ,... Nếu xuất hiện bất kỳ biểu hiện dị ứng hoặc quá mẫn nào khi tiêm truyền thuốc Amiparen, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc ngay và báo cho bác sĩ để có hướng xử trí.
- Các triệu chứng trên hệ tim mạch, chẳng hạn như đánh trống ngực hoặc đau tức ngực (ít gặp).
- Các triệu chứng trên đường tiêu hoá, bao gồm buồn nôn / ói mửa (ít gặp).
- Các triệu chứng về gan như tăng GPT hoặc GOT trong máu.
- Các triệu chứng trên thận, điển hình nhất là tăng urê máu. Nếu truyền một lượng lớn dung dịch thuốc Amiparen hoặc tốc độ truyền nhanh có thể dẫn đến hiện tượng nhiễm toan.
- Một số tác dụng phụ khác như rét run, nhức đầu hoặc đau mạch.
Hiện tại vẫn chưa có dữ liệu cụ thể cho thấy thuốc Amiparen-5 và 10% có ảnh hưởng xấu đến khả năng vận hành máy móc cũng như phương tiện giao thông của người bệnh. Nhìn chung, những tác dụng phụ ngoại ý của thuốc Amiparen khá hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu lạ thường nào (kể cả triệu chứng không được liệt kê ở trên), bệnh nhân cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và hướng dẫn cách khắc phục.
5. Một số lưu ý quan trọng trong quá trình dùng thuốc Amiparen
5.1. Thận trọng điều gì khi tiêm truyền tĩnh mạch thuốc Amiparen
Trong suốt quá trình tiêm truyền tĩnh mạch thuốc Amiparen, những bệnh nhân thuộc các trường hợp dưới đây cần hết sử cần trọng, bao gồm:
- Phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc có dấu hiệu báo thai.
- Bệnh nhân cao tuổi bị suy giảm một số chức năng sinh lý. Nếu dùng thuốc Amiparen cần phải truyền với tốc độ chậm hơn bình thường và theo dõi thường xuyên các phản ứng của cơ thể.
- Bệnh nhân bị giảm nitơ máu, nhiễm toan nặng, suy tim sung huyết và mất nước nghiêm trọng cũng là những đối tượng cần thận trọng khi tiêm truyền thuốc Amiparen.
5.2 Tương tác của Amiparen với thuốc hay tình trạng sức khoẻ khác
Mặc dù hiện nay vẫn chưa có báo cáo cụ thể về hiện tượng tương tác giữa thuốc Amiparen với các loại thuốc điều trị khác, tuy nhiên tình trạng này đôi khi vẫn có nguy cơ xảy ra. Phản ứng tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng, hoặc làm tăng mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ.
Nhằm tránh nguy cơ xảy ra tương tác thuốc, bệnh nhân cần báo cáo cho bác sĩ biết về danh sách các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm bổ sung hoặc vitamin. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi tiêm truyền dung dịch Amiparen, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, ngừng hoặc điều chỉnh liều lượng mà không được bác sĩ cho phép.
Ngoài tương tác thuốc, một số tình trạng sức khoẻ khác cũng có thể tác động đến hiệu quả của Amiparen, bao gồm:
- Tăng nitơ máu.
- Nguy cơ cao hôn mê gan / đã bị hôn mê gan.
- Suy thận nặng.
- Suy tim xung huyết.
- Nhiễm toan nặng.
- Sự bất thường trong chuyển hóa axit amin.
- Mất nước nghiêm trọng.
- Hạ natri máu.
- Suy nhược cơ thể.
5.3 Cách bảo quản thuốc Amiparen
Thuốc Amiparen-5 và 10% nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp và tránh ẩm (chẳng hạn như phòng tắm). Ngoài ra, thuốc Amiparen cũng cần tránh được đặt trong ngăn đá vì điều này có thể ảnh hưởng đến công hiệu của các thành phần trong thuốc.
Vì mỗi loại thuốc sẽ có cách bảo quản riêng, do đó bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc được in trên bao bì hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ. Thuốc Amiparen nên để ở nơi cao ráo, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ và thú nuôi.
Hy vọng với những chia sẻ về thuốc Amiparen sẽ giúp quá trình sử dụng được hiệu quả cũng như giảm thiểu những tác dụng phụ không đáng có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.