U đỉnh hốc mắt là một trong các bệnh lý về mắt rất nguy hiểm, gây tổn hại đến thị lực, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng đa dạng, phức tạp.
Ngoài ra, do đặc thù về vị trí giải phẫu, các khối u hốc mắt thường được phát hiện muộn, chỉ khi khối u đã xâm lấn rộng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực cũng như sức khỏe của người bệnh. Thường lựa chọn điều trị của nhiều bệnh nhân là tiến hành phẫu thuật u đỉnh hốc mắt.
1. Phẫu thuật u đỉnh hốc mắt là gì?
Triệu chứng u đỉnh hốc mắt
Các triệu chứng u đỉnh hốc mắt thường gặp nhất là lồi mắt, đau nhức vùng hốc mắt, mắt lác, sụp mí và suy giảm thị lực.
Ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ, thường khối u ở đỉnh hốc mắt thường có xu hướng chiếm chỗ và đẩy nhãn cầu ra sau. Ví dụ, u dây thần kinh thị giác thường đẩy nhãn cầu theo trục dọc ra trước, khối u ở tuyến lệ có xu hướng đẩy nhãn cầu xuống dưới và vào trong. Nói chung, dấu hiệu dễ thấy nhất, nổi bật nhất của u hốc mắt là dấu hiệu lồi mắt. Quan sát hướng lồi của nhãn cầu có thể giúp suy luận tương đối về vị trí của khối u. Ngoài việc thăm khám lâm sàng, chụp cắt lớp CT cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chẩn đoán kích thước, tính chất, vị trí, sự xâm lấn... của khối u đỉnh hốc mắt.
Phẫu thuật u đỉnh hốc mắt được đánh giá là phương thức điều trị hiệu quả nhất trong phần lớn các trường hợp. Việc lựa chọn đường mổ còn tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, tuy nhiên với các khối u ở đỉnh hốc mắt thì đường mổ mở nắp hộp sọ (vùng trán hoặc lỗ khóa) thường được chọn vì cho phẫu trường mổ rộng rãi, giúp bác sĩ dễ dàng tiếp cận vùng đỉnh hốc mắt và nền sọ (nhất là với những khối u nền sọ xâm lấn hốc mắt hoặc ngược lại).
Trường hợp chỉ định
- Phẫu thuật để lấy bỏ khối u (với những khối u có triệu chứng như lồi mắt hoặc suy giảm thị lực tiến triển).
- Phẫu thuật giải ép khu thần kinh thị giác (với những khối u xâm lấn rộng không có khả năng phẫu thuật triệt để).
- Phẫu thuật sinh thiết lấy mẫu u để chẩn đoán.
Các trường hợp chống chỉ định
- Tình trạng toàn thân nặng: Ung thư di căn ở hốc mắt...
- Mắt không còn chức năng (khô giác mạc, bong võng mạc...).
2. Chuẩn bị trước phẫu thuật
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được khám mắt cẩn thận, chụp CT để xác định vị trí, kích thước và các tính chất khác của khối, đánh giá tình trạng lồi mắt, sụp mí, xung huyết, thị lực, tình trạng đáy mắt, cơ vận nhãn...
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu thực hiện xét nghiệm nội tiết giúp chẩn đoán phân biệt lồi mắt do Basedow, xét nghiệm công thức máu giúp phân biệt tình trạng viêm giả u... hoặc chụp động mạch não loại trừ các tổn thương như thông động mạch cảnh - xoang hang.
Thành phần kíp mổ bao gồm từ 7-8 người bao gồm các bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, bác sĩ phụ mổ, điều dưỡng phụ mê, điều dưỡng phục vụ dụng cụ phẫu thuật, điều dưỡng chạy ngoài.
Dụng cụ phẫu thuật bao gồm gá đầu (khung Mayfield), dụng cụ vi phẫu thuật, dao mổ siêu âm Sonopet, dụng cụ cầm máu, khoan máy (cắt + mài), hệ thống định vị thần kinh (Neuro Navigation), kính vi phẫu, vật tư tiêu hao như bông, gạc, sáp sọ, Surgicel, chỉ Prolene 4.0, Vicryl 0...
3. Quy trình phẫu thuật u đỉnh hốc mắt
Khi bắt đầu phẫu thuật u đỉnh hốc mắt, người bệnh được đặt nằm tư thế ngửa, đầu cố định trên gá đầu (khung Mayfield), tiếp đó tiến hành gây mê nội khí quản.
Các bước phẫu thuật u đỉnh hốc mắt
- Bước 1: Đăng ký hệ thống định vị thần kinh (Neuronavigation)
- Bước 2: Sát trùng rộng rãi khu vực mổ, gây tê tại vùng rạch da (trên cung mày hoặc đường chân tóc trán).
- Bước 3: Tiến hành rạch da, tách cân cơ, màng xương để bộc lộ xương sọ.
- Bước 4: Mở nắp sọ bằng khoan máy, mở màng cứng, khoang dưới nhện để hút bớt dịch não tủy để não xẹp hơn.
- Bước 5: Đặt van vén não (nếu cần thiết), đặt kính vi phẫu.
- Bước 6: Xác định dây thần kinh số II, khu vực động mạch cảnh
- Bước 7: Dùng khoan mài mài xương ở đỉnh hốc mắt, mở rộng bằng cò súng.
- Bước 8: Phẫu thuật tách khối u ra khỏi thần kinh và mạch máu (nếu cần). Lấy từng phần khối u bằng kéo vi phẫu hoặc dao siêu âm. Gửi 1 phần mẫu u đi làm sinh thiết tức thì để xác định chẩn đoán và đưa ra hướng xử lý phù hợp.
- Bước 9: Trong quá trình phẫu thuật sử dụng Navigation để xác định vị trí tương quan giữa khối u với thần kinh, mạch máu. Cầm máu.
- Bước 10: Đóng màng cứng, treo màng cứng, đặt lại xương. Đặt dẫn lưu ổ mổ nếu cần, đóng vết mổ.
4. Theo dõi và điều trị hậu phẫu
Theo dõi hậu phẫu:
- Quan sát tình trạng toàn thân: Tri giác, kích thước đồng tử, hình dạng tròn hay méo, độ phản xạ với ánh sáng, khả năng hô hấp, nhiệt độ....
- Chảy máu tại vết mổ.
- Dẫn lưu (nếu có): Dẫn lưu thường rút sau 48 giờ.
Các biến chứng phổ biến và phương thức xử trí
- Chảy máu sau mổ: quá trình diễn ra phẫu thuật có thể vô tình tác động đến những động mạch lớn hoặc các mạch máu nhỏ... dẫn đến xuất huyết sau mổ. Ở trường hợp này có thể xử trí theo tổn thương chảy máu và cân nhắc mổ lấy máu tụ nếu cần.
- Nhiễm trùng: tiến hành điều trị nội khoa (thay băng, giữ vô trùng tuyệt đối, chỉ định kháng sinh).
- Sưng tấy mềm quanh mắt: Đắp gạc ấm giúp tiêu sưng, điều trị nội khoa (chống viêm)...
- Giảm thị lực: Tiếp tục theo dõi, điều trị nội khoa (nếu cần).
XEM THÊM:
- Áp xe não: Khi nào cần mổ?
- Phẫu thuật chấn thương sọ não như thế nào?
- Điều trị ở bệnh nhân tụ máu não do chấn thương sọ não
Những lưu ý khi xạ trị ung thư