Mổ thay van tim có nguy hiểm không là câu hỏi mà rất nhiều bệnh nhân đặt ra khi tìm hiểu về phương pháp điều trị này. Thật ra, bất cứ hình thức can thiệp phức tạp nào cũng đều có hai mặt: Những lợi ích và nguy cơ rủi ro. Tuy nhiên, mức độ rủi ro và biến chứng có thể giảm xuống nếu người bệnh tìm hiểu kỹ thông tin và thực hiện nghiêm túc biện pháp chăm sóc sau phẫu thuật.
1. Mổ thay van tim có nguy hiểm không?
Mổ van tim có 2 giai đoạn quan trọng nhất ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật, đó là lúc thực hiện phẫu thuật và chăm sóc sau mổ.
Ngay trong lúc thực hiện phẫu thuật thay van tim, người bệnh cũng có thể gặp phải những rủi ro sau đây:
- Phản ứng với thuốc gây mê: Một số người bệnh có thể sẽ sinh phản ứng với thuốc gây mê dùng trong phẫu thuật và có những biểu hiện như tăng nhịp tim, tăng huyết áp,...
- Chảy máu trong phẫu thuật: Trong khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể bị xuất huyết, nếu lượng máu mất đi quá nhiều thì sẽ cần phải truyền máu.
- Chấn thương trong phẫu thuật: Quá trình phẫu thuật có thể vô tình gây ra thương tổn khác cho cơ thể bệnh nhân.
2. Biến chứng sau phẫu thuật
Mổ thay van tim có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, phương pháp phẫu thuật (mổ nội soi hay mổ tim hở), thay van sinh học hay van cơ học, loại thuốc điều trị hay các bệnh mắc kèm,... đều có thể tác động làm tăng rủi ro hậu phẫu. Người bệnh cần chú ý một số biến chứng khi phẫu thuật thay van tim như sau:
2.1. Hình thành cục máu đông
Tình trạng hình thành cục huyết khối thường xảy ra phổ biến ở những người thay van tim cơ học. Máu đông có thể gây rách lá van (đối với thay van sinh học) hoặc kẹt van (ở thay van cơ học), gây rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ (do huyết khối di chuyển lên não làm tắc mạch máu não).
Để ngăn chặn tình trạng hình thành huyết khối này, người bệnh sẽ được chỉ định dùng dùng thuốc kháng đông máu theo chỉ định của bác sĩ và theo dõi định kỳ chỉ số đông máu INR nhằm điều chỉnh đơn thuốc kịp thời.
2.2. Xuất huyết do dùng thuốc
Việc sử dụng thuốc chống đông trong thời gian dài hoặc dùng với liều không phù hợp sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu (xuất huyết) với biểu hiện là các vết bầm tím dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dạ dày, nặng hơn là chảy máu não. Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng này bằng cách kiểm soát tốt chỉ số đông máu INR.
2.3. Rối loạn nhịp tim
Rung tâm nhĩ (một dạng của rối loạn nhịp tim) là biến chứng thường gặp nhất sau phẫu thuật thay van tim. Biến chứng này nguy hiểm ở chỗ có thể gây ngưng tim, tăng nguy cơ đột tử người bệnh sau phẫu thuật thay van.
2.4. Viêm nội tâm mạc
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là một biến chứng nguy hiểm, mặc dù ít gặp nhưng tỷ lệ tử vong của biến chứng này lên đến 40 – 50%. Viêm nội tâm mạc xảy ra “sớm” sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày sau can thiệp và viêm nội tâm mạc “muộn” xảy ra ở giai đoạn sau phẫu thuật một thời gian. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn dễ gây hư hỏng van và người bệnh có thể phải thay van lần nữa.
3. Trường hợp nào cần phải thay van tim?
Để giảm bớt những rủi ro trong quá trình phẫu thuật và biến chứng về sau, người bệnh nên tìm hiểu kỹ một số thông tin liên quan trước khi thực hiện phẫu thuật thay van tim. Không phải cứ hẹp hoặc hở van tim là phải phẫu thuật mà bạn sẽ được chỉ định điều trị tùy theo mức độ hẹp, hở cùng với khả năng đáp ứng của từng người.
3.1. Trường hợp chưa cần phẫu thuật thay van tim
Nếu tình trạng hở và hẹp van ở mức độ nhẹ đến trung bình, người bệnh chưa cần thực hiện phẫu thuật thay van tim. Cụ thể:
- Mức độ hẹp, hở van nhẹ: Nếu tim chưa xuất hiện triệu chứng gì đặc biệt, bạn chỉ cần tái khám định kỳ để theo dõi sức khỏe tim mạch 6 tháng một lần. Ngoài ra, nên kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh và điều chỉnh dần chế độ ăn uống.
- Mức độ hẹp, hở van nhẹ và trung bình: Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như hồi hộp trống ngực, khó thở, ho, phù, mệt mỏi, đau tức ngực nhưng nếu việc điều trị bằng thuốc kiểm soát được các triệu chứng đó thì bạn chưa cần phải thay van tim mà vẫn phòng ngừa được suy tim.
3.2. Trường hợp cần phẫu thuật thay van tim
Bệnh nhân bị hẹp hở van tim cần được phẫu thuật thay van tim khi các phương pháp điều trị nội khoa không đáp ứng hoặc thấy các dấu hiệu, triệu chứng nặng dần lên, hay trường hợp phân suất tống máu (EF) giảm, cấu trúc tim bị thay đổi (tim to). Cụ thể trong các trường hợp:
- Hẹp, hở van tim nặng: Với các mức độ hở van 3/4 – 4/4, hoặc hẹp với diện tích lỗ van nhỏ hơn 1,5cm2 có kèm theo triệu chứng cơ năng của suy tim, buồng thất trái giãn rộng thì người bệnh cần tiến hành phẫu thuật sớm. Riêng với tình trạng hở van động mạch chủ thứ phát do tăng huyết áp kèm với phân suất tống máu giảm dưới 50% (đo trên siêu âm tim) thì dù có hở nhẹ cũng có thể cần phải thay van.
- Xuất hiện rung nhĩ: Nếu những bệnh nhân bị hẹp, hở van tim xuất hiện biến chứng rung tâm nhĩ thì cũng cần phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa.
Tương tự như bất kỳ cuộc đại phẫu nào khác, bên cạnh những lợi ích mà phương pháp đem lại thì phẫu thuật thay van tim cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Tuy nhiên, người bệnh có thể phòng tránh bằng cách tăng cường theo dõi và điều trị biến chứng sau mổ tim, sử dụng thuốc hỗ trợ đúng chỉ định, kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, tốt cho tim mạch. Những nỗ lực đến từ cả phía gia đình, bệnh nhân và bác sĩ sẽ giúp người bệnh vượt qua những khó khăn sau phẫu thuật thay van tim nhẹ nhàng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: hellobacsi.com