U sau phúc mạc là các loại u phát triển khoang sau phúc mạc. Mức độ lành tính, ác tính của các u khác nhau nhưng chủ yếu là ác tính. Điều trị u sau phúc mạc bằng phẫu thuật nội soi được thực hiện khi khối u còn nhỏ, còn khu trú, chưa xâm lấn các cấu trúc và cơ quan quan trọng không thể cắt bỏ được.
1. Điều trị u sau phúc mạc bằng phẫu thuật
U sau phúc mạc là các loại u phát triển ở khoang sau phúc mạc mà không có mối liên hệ trực tiếp với một tạng rỗng hoặc tạng đặc cụ thể nào. Nguồn gốc mô bệnh học của u sau phúc mạc rất đa dạng, u có thể phát sinh từ trung mô, tế bào mầm, mô thần kinh hoặc các nang sau phúc mạc. U sau phúc mạc hiếm gặp, chúng chiếm khoảng 0.5% các khối u ác tính và chiếm chỉ 0.16% của tất cả các loại u.
Phẫu thuật là phương pháp quan trọng điều trị u sau phúc mạc. Phẫu thuật có thể điều trị khỏi đối với khối u phúc mạc lành tính và các khối u phúc mạc ác tính ở giai đoạn sớm khi u còn khu trú tại chỗ. Phẫu thuật cũng giúp giảm chèn ép, giảm thiểu u tối đa, phối hợp với các phương pháp điều trị khác như hóa trị, xạ trị.
Phẫu thuật nội soi lấy u sau phúc mạc là phương pháp phẫu thuật được thực hiện qua nội soi ổ bụng để cắt bỏ khối u ở khoang sau phúc mạc. Phẫu thuật nội soi thường được thực hiện khi khối u nhỏ còn khu trú, chưa xâm lấn các cấu trúc và cơ quan quan trọng xung quanh.
2. Phẫu thuật nội soi lấy u sau phúc mạc
2.1. Chuẩn bị trước mổ nội soi lấy u sau phúc mạc
Phẫu thuật nội soi điều trị u sau phúc mạc là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là phẫu thuật viên chuyên khoa tiêu hóa hoặc gan-mật tụy có kinh nghiệm về phẫu thuật nội soi, bác sĩ gây mê hồi sức có kinh nghiệm và đôi khi còn cần sự phối hợp của các phẫu thuật viên chuyên khoa thần kinh, cột sống. Các phương tiện cần để phục vụ cuộc mổ gồm hệ thống máy và dụng cụ phẫu thuật nội soi ổ bụng, các dụng cụ kiểm soát cầm máu như dao cắt siêu âm, dao đốt cầm máu lưỡng cực,...
Phẫu thuật nội soi lấy u sau phúc mạc được chỉ định ở những bệnh nhân có khối u nằm sau khoang phúc mạc. Phẫu thuật sẽ không được thực hiện khi:
- Khối u sau phúc mạc xâm lấn các cấu trúc và cơ quan quan trọng, không thể cắt bỏ
- Người bệnh có chống chỉ định với gây mê hoặc mắc các bệnh lý hô hấp, tim mạch chống chỉ định với bơm hơi trong ổ bụng.
- Người bệnh và gia đình không chấp nhận phẫu thuật.
Trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu thông thường và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp CT scan bụng có tiêm thuốc, chụp MRI bụng có tương phản từ,... Sinh thiết có thể được chỉ định trong một số trường hợp để chẩn đoán xác định trước mổ.
2.2. Các bước tiến hành phẫu thuật nội soi lấy u sau phúc mạc
- Bệnh nhân được hướng dẫn nằm ngửa trên bàn mổ, hai chân dạng và gập gối. Bệnh nhân sau đó được gây mê nội khí quản và đặt ống thông tiểu. Ống thông mũi dạ dày có thể được đặt trong một số trường hợp cần thiết.
- Bác sĩ phẫu thuật tiến hành đặt trocar, số lượng trocar thường từ 3 đến 5 tùy theo độ khó của ca mổ. 1 trocar 10mm được đặt ở rốn mang kính soi, 1 trocar 5mm đặt bên tay trái, 1 trocar 10mm đặt bên tay phải hai bên kính soi sử dụng cho người mổ chính. Nếu cần thiết, có thể đặt thêm 1-2 trocar 5mm cho người mổ phụ.
- Dựa vào hình ảnh thu về màn hình, bác sĩ phẫu thuật thám sát ổ bụng, đánh giá kích thước, tình trạng xâm lấn của khối u. Tư thế của người bệnh sẽ được thay đổi thành đầu cao, đầu thấp hoặc nghiêng để việc bộc lộ khối u được thuận lợi.
- Di động mạc treo ruột non hoặc đại tràng để bộc lộ khối u. Khối u được bóc tách ra khỏi các cấu trúc mạch máu quan trọng sau phúc mạc động, bó mạch chậu, tĩnh mạch chủ bụng, tĩnh mạch trước xương cùng, niệu quản, tụy, thận,... Sau khi kiểm soát và cắt các nhánh mạch máu vào u, tiến hành bóc tách và cắt trọn khối u. Nếu u xâm lấn các cơ quan lân cận nhưng còn cắt được thì cắt khối u kèm cắt các cơ quan bị xâm lấn thành một khối.
- Kiểm tra cầm máu. Cho bệnh phẩm vào bao, mở rộng vết mổ trocar rốn hoặc mở một lỗ nhỏ trên bụng để lấy bệnh phẩm. Đặt dẫn lưu cạnh vị trí cắt khối u.
3. Theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi lấy u sau phúc mạc
Người bệnh được sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn. Nuôi dưỡng sau mổ bằng đường tĩnh mạch, đảm bảo cung cấp đủ nước, điện giải, năng lượng, truyền đủ protein, albumin, máu. Nếu không kèm cắt nối ruột, người bệnh có thể uống sữa, nước đường vào ngày đầu sau mổ, có thể ăn sau khi có trung tiện.
Theo dõi thể tích nước tiểu 24 giờ, tính chất dịch dẫn lưu. Có thể rút ống dẫn lưu 3 đến 4 ngày sau mổ nếu dịch không còn.
4. Các tai biến thường gặp trong và sau phẫu thuật nội soi lấy u sau phúc mạc
Tai biến thường gặp trong phẫu thuật là u to không thể thực hiện mổ nội soi và chảy máu nhiều không kiểm soát được. Các trường hợp này sẽ được chuyển sang mổ hở. Các tai biến khác như thủng ruột non, thủng đại tràng, tổn thương niệu quản, tùy theo mức độ tổn thương mà có thể khâu lại qua nội soi hoặc phải mổ hở để xử lý.
Các tai biến sau mổ thường gặp là:
- Chảy máu trong ổ bụng: Tình trạng chảy máu được theo dõi qua dẫn lưu, dấu sinh tồn và xét nghiệm công thức máu. Nếu tình trạng chảy máu nghiêm trọng, người bệnh sẽ được phẫu thuật lại ngay để xử lý.
- Rò tụy: Đa số các trường hợp sẽ được điều trị bảo tồn. Nếu rò tụy tạo thành ổ áp xe trong ổ bụng hoặc viêm phúc mạc sẽ được chỉ định mổ lại.
- Tắc ruột sau mổ: hiếm gặp, được xử lý như tắc ruột cơ học.
XEM THÊM