Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Phẫu thuật nội soi khớp gối được xem là một trong những kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, nhằm mục đích chẩn đoán cũng như điều trị các bệnh lý về tổn thương khớp gối.
1. Khớp gối là gì?
Khớp gối là một khớp ở chi dưới, có vai trò to lớn trong việc di chuyển và vận động của cơ thể. Mặt khớp gối bao gồm những cấu trúc nhỏ như lồi cầu xương đùi, lồi cầu xương chày, xương bánh chè cùng với sụn chêm.
Khớp gối có bao khớp giữ nhiệm vụ che chở và bảo vệ cho khớp trước những tác nhân gây tổn thương khớp gối. Dây chằng khớp gối đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giữ vững khớp gối, bao gồm dây chằng trong, ngoài, chéo trước và chéo sau.
Ở một số ngành nghề nhất định hoặc những người thường xuyên luyện tập thể dục thể thao ở cường độ cao, hay người già thì khả năng khớp gối bị tổn thương là một điều không thể tránh khỏi, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Video đề xuất: Tiêm tế bào gốc vào khớp gối tại Vinmec: Hiệu quả, an toàn, ít tác dụng phụ
2. Vai trò của nội soi khớp gối
Nội soi khớp gối có những ưu điểm mà việc mổ hở truyền thống khớp gối vẫn còn nhiều hạn chế và không đáp ứng được những tiêu chuẩn này. Vì vậy, vai trò của nội soi khớp gối trong việc điều trị những bất thường liên quan đến khớp gối ngày nay là cực kỳ quan trọng.
Vai trò của nội soi khớp gối bao gồm:
- Quan sát được những cấu trúc và tổ chức nhỏ bên trong khớp gối rõ ràng nhằm đánh giá được tổn thương một cách chính xác nhất mà phương pháp chụp X – quang thông thường không nhìn thấy được.
- Chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý như: Rách dây chằng, rách sụn chêm, viêm bao hoạt dịch.
- Lấy những dị vật gây tổn thương khớp gối như mảnh sụn, gai xương...
- Đặc biệt, với những bệnh nhân lớn tuổi thì vai trò của nội soi khớp gối là cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong việc điều trị bệnh lý thoái hóa khớp gối. Ở những bệnh nhân này, mặc dù đã được điều trị bằng những loại thuốc như kháng viêm, giảm đau, áp dụng phương pháp vật lý trị liệu nhưng tình trạng viêm khớp, đau khớp... vẫn tiếp diễn trong thời gian dài sau khi điều trị. Nội soi khớp gối ra đời giúp giải quyết được những tình trạng bệnh lý như vậy một cách hiệu quả hơn.
3. Phẫu thuật nội soi khớp gối
Nội soi khớp gối được thực hiện bằng cách rạch những đường nhỏ trên da vùng khớp gối của bệnh nhân, sau đó đưa ống nội soi vào bên trong khớp gối để quan sát cũng như khảo sát tổn thương, tiếp đó sẽ tiến hành phẫu thuật sửa chữa những vị trí tổn thương. Một số phẫu thuật nội soi khớp gối thường được thực hiện bao gồm:
- Cắt sụn chêm bán phần hoặc toàn phần
- Khâu và đính lại phần sụn chêm bị rách
- Sinh thiết màng hoạt dịch để chẩn đoán
- Cắt bỏ màng hoạt dịch một phần hay toàn phần.
- Thực hiện nội soi khớp gối để giải phóng bao khớp gối
- Điều trị khớp thoái hóa bằng cách nội soi khớp gối để khoan một số lỗ nhỏ trên sụn khớp nhằm mục đích tăng tưới máu đến vị trí này, hoặc dùng phương pháp ghép sụn tự thân
- Cắt bỏ những gai xương gây tổn thương đến khớp gối.
- Lấy bỏ chuột khớp.
- Khâu lại dây chằng bên, dây chằng chéo hoặc có thể là tái tạo phục hồi lại dây chằng đã bị tổn thương bằng cách thay thế dây chằng chéo bị rách, đứt.
Một số biến chứng mà bệnh nhân có thể gặp phải sau phẫu thuật nội soi khớp gối là:
- Động tĩnh mạch khoeo bị tổn thương
- Thần kinh gối bị tổn thương khiến cảm giác da ở một vùng trên gối bị rối loạn hoặc mất đi
- Tắc mạch, tụ máu sau nội soi khớp gối ...
4. Kết luận
Phẫu thuật nội soi khớp gối là một phương pháp điều trị bệnh lý khớp gối mang lại hiệu quả cao nhất hiện nay. Nội soi khớp gối cho phép khảo sát và xử lý những tổn thương nhỏ bên trong khớp gối, đồng thời thực hiện được nhiều kỹ thuật mổ khác nhau trong quá trình nội soi. Vì vậy, cần biết được những vai trò của nội soi khớp gối để áp dụng vào việc điều trị bệnh lý khớp gối được hiệu quả và an toàn nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.