Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối là một phương pháp điều trị hiệu quả trong một số bệnh lý chấn thương về khớp gối. Cùng như mọi loại phẫu thuật khác, phẫu thuật nội soi khớp gối vẫn tồn tại một tỷ lệ biến chứng nhất định. Vậy những biến chứng khi mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối là gì?
1. Nhiễm khuẩn vết mổ
Tỷ lệ gặp 0.2 - 3%, phổ biến ở bệnh nhân sử dụng mảnh ghép là gân đồng loại. Viêm rò vết mổ có thể xảy ra ở những tuần đầu sau mổ hoặc sau 2 - 3 năm. Khi bị viêm rò vết mổ, người bệnh cần được bơm rửa và thay băng liên tục cho đến khi vết mổ đầy kín và liền sẹo.
2. Nhiễm virus
Một số virus như HIV, viêm gan C có thể lây nhiễm từ mảnh ghép là gân đồng loại dù mảnh ghép đã qua xử lý. Tuy nhiên, tỷ lệ rủi ro này là 1/1 triệu.
3. Chảy máu, huyết khối
Chảy máu do tổn thương động mạch khoeo có tỉ lệ gặp phải là 0,01%. Một biến chứng khác là huyết khối tĩnh mạch ở bắp chân sau mổ với tỉ lệ gặp là 0,12%.
4. Lỏng gối
Lỏng gối do đứt hoặc giãn mảnh ghép sau mổ có thể gặp với tỷ lệ từ 2.4 - 34%. Có thể thấy, lỏng gối sau mổ là biến chứng dễ gặp, có liên quan đến chế độ luyện tập sau mổ không kiểm soát tốt, hoặc tái chấn thương sau mổ, khiến mảnh ghép bị đứt, giãn hoặc bị tuột.
5. Teo cơ
Đây là biến chứng mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối khá phổ biến, nguyên nhân chủ yếu là do sau mổ chân bên phẫu thuật bị hạn chế vận động lâu ngày. Để khắc phục, bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng tốt.
6. Hạn chế vận động, mất duỗi gối
Bệnh nhân bị hạn chế biên độ vận động gối có xác suất gặp phải trên 5%. Trường hợp mất duỗi gối có thể gặp ở bệnh nhân sử dụng gân bánh chè tự thân để tái tạo dây chằng chéo trước, mất duỗi xảy ra do vỡ xương bánh chè hoặc đứt gân bánh chè.
Đây là một biến chứng mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối đáng sợ, thường do bệnh nhân mổ quá sớm sau chấn thương, khi khớp gối còn sưng nề, chưa gấp duỗi hết biên độ dẫn đến sau mổ bị căng tức, sưng đau nhiều, không vận động sớm được.
Một nguyên nhân khác gây biến chứng gấp duỗi gối có thể là do phẫu thuật viên khoan đường hầm mâm chày ra trước quá nhiều gây hạn chế duỗi gối, ngược lại nếu khoan đường hầm ra sau quá nhiều sẽ gây hạn chế gấp gối, khi đó bắt buộc phải phẫu thuật làm lại dây chằng khác theo đúng vị trí giải phẫu.
7. Tổn thương sụn phát triển gây rối loạn phát triển xương
Tổn thương sụn phát triển dễ gặp phải ở bệnh nhân là trẻ em vẫn còn sụn phát triển. Những trẻ bị đứt dây chằng chéo trước nên trì hoãn mổ tái tạo đến khi sụn phát triển đóng lại hoặc nếu mổ cần chú ý lựa chọn kỹ thuật mổ phù hợp để hạn chế tối đa biến chứng này.
8. Tràn dịch khớp gối
Sau mổ tái tạo dây chằng thường có tràn dịch khớp gối, đặc biệt với các bệnh nhân không đặt dẫn lưu. Điều này được giải thích là do trong quá trình phẫu thuật tái tạo cần phải cắt lọc tổ chức, sụn chêm rách và khoan đường hầm trên xương. Tuy nhiên, hiện tượng tràn dịch khớp gối sẽ giảm dần và chấm dứt hoàn toàn trong vài ngày.
Nếu tràn dịch khớp gối vẫn kéo dài trong vài tuần và không có tình trạng nhiễm trùng khớp hoặc không có gì bất thường thì người bệnh có thể yên tâm vì dần dần lượng dịch tràn sẽ được cơ thể từ hấp thụ và trở về bình thường.
9. Bầm tím mặt sau đùi và cẳng chân
Quá trình bóc tách lấy gân để tái tạo dây chằng sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ, máu chảy ra khỏi lòng mạch và thấm qua các tổ chức da gây ra hiện tượng bầm tím ở mặt trong đùi và cẳng chân. Hiện tượng bầm tím sẽ chuyển dần sang bầm màu xanh nõn chuối, rồi sang màu vàng nhạt. Sau 3 tuần, màu da sẽ trở về bình thường.
10. Tê bì
Một số bệnh nhân gặp phải hiện tượng tê bì ở mặt trước ngoài cẳng chân, gần vết sẹo mổ, tình trạng tê bì có thể chỉ tạm thời nhưng cũng có thể kéo dài.
Gân chân ngỗng dùng để tái tạo dây chằng thường bám vào mặt trước, trong của xương chày, ngay dưới lồi của xương chày. Nhánh cảm giác của thần kinh hiển lại đi rất gần với các gân này, phân ra các nhánh cảm giác cho vùng trước, trong và trước, ngoài cẳng chân.
Việc lấy gân bắt buộc bác sĩ phải thực hiện đường rạch da phía trước, trong cẳng chân, rất gần với lồi của xương chày, có thể gây tổn thương, căng giãn nhánh cảm giác thần kinh hiển. Tỷ lệ tổn thương cảm giác dao động từ 10-70% tùy theo kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Khả năng hồi phục nhanh hay chậm tùy mức độ của tổn thương nhưng thông thường sẽ hồi phục hoàn toàn sau 3-6 tháng.
11. Đau gối
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau khớp gối sau mổ như: Lỗi kỹ thuật trong quá trình nội soi khớp gối, do cơ địa của bệnh nhân, do tổn thương sụn chêm...
12. Có tiếng lục cục trong khớp
Một số bệnh nhân khi gấp duỗi nghe có tiếng lục cục trong khớp do tổn thương sụn chêm kèm theo. Khi cắt sụn chêm, khớp gối sẽ bị mất đi lớp đệm. Khi gấp duỗi, lồi cầu xương đùi và mâm chày sẽ trượt qua mép cắt sụn chêm, tạo ra tiếng lục cục. Nguyên nhân khác là do sau mổ, bao hoạt dịch tiết ra dịch khớp chưa ổn định ảnh hưởng đến quá trình bôi trơn khớp.
Khi mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng không mong muốn. Vì thế khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh cần đến các trung tâm y tế uy tín, có chuyên khoa xương khớp, phục hồi chức năng để thực hiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.