Sa sinh dục là hiện tượng khá phổ biến ở phụ nữ làm việc nặng, sinh đẻ nhiều,... Có nhiều phương pháp phẫu thuật trong điều trị sa sinh dục, trong đó có phẫu thuật Manchester.
1. Sơ lược về sa sinh dục
Sa sinh dục là bệnh lý phổ biến, thường gặp ở bệnh nhân đã sinh con. Đây là hiện tượng tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa ra ngoài âm hộ, thường đi kèm sa thành trước âm đạo và bàng quang hoặc sa thành sau âm đạo và trực tràng. Bệnh phổ biến ở những phụ nữ làm việc nặng, sinh đẻ nhiều, sinh đẻ không an toàn, trong nhóm từ 40 - 50 tuổi trở lên. Những người chưa từng sinh đẻ cũng có thể bị sa sinh dục nhưng tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn và thường chỉ bị sa cổ tử cung đơn thuần. Bệnh thường không có triệu chứng cơ năng nên bệnh nhân chỉ phát hiện khi có khối sa ra ngoài. Bệnh không nguy hiểm tới tính mạng nhưng gây ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của bệnh nhân.
Các phác đồ điều trị sa sinh dục nhằm mục đích điều trị hỗ trợ, giảm nhẹ các ảnh hưởng do bệnh gây ra hoặc điều trị triệt để bằng phương pháp phẫu thuật. Điều trị nội khoa gồm: Phục hồi chức năng, đặt vòng nâng trong âm đạo, dùng thuốc bổ sung estrogen được chỉ định cho những bệnh nhân quá lớn tuổi, mắc các bệnh mãn tính hoặc không có điều kiện phẫu thuật. Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) nhằm mục đích phục hồi hệ thống nâng đỡ tử cung, nâng bàng quang, làm lại thành trước - thành sau âm đạo, khâu cơ nâng hậu môn và tái tạo tầng sinh môn.
Nếu mức độ sa sinh dục không nặng, việc sử dụng vòng nâng dài ngày có thể cải thiện tình trạng bệnh. Một số trường hợp bệnh nhân có thể gặp các biến chứng không mong muốn như: Loét trợt cổ tử cung, viêm loét khối sa, tiểu khó, són tiểu, nhiễm trùng đường tiểu, đại tiện khó, táo bón,...
2. Tổng quan phương pháp phẫu thuật Manchester điều trị sa sinh dục
2.1 Chỉ định, chống chỉ định
Phẫu thuật Manchester bao gồm: Phục hồi thành trước và thành sau âm đạo, kèm cắt cụt cổ tử cung.
Chỉ định phẫu thuật sa tử cung:
- Phụ nữ trẻ tuổi vẫn muốn có con, bị sa sinh dục độ 2;
- Phụ nữ lớn tuổi bị sa sinh dục độ 2 nhưng không có điều kiện phẫu thuật Crossen hoặc cắt tử cung hoàn toàn qua đường bụng.
Chống chỉ định phẫu thuật sa tử cung:
- Bệnh nhân già yếu, không đủ sức khỏe hoặc mắc các bệnh nội khoa nặng;
- Người đang có viêm nhiễm đường sinh dục;
- Người bị viêm nhiễm tiểu khung, dính nhiều ở tiểu khung.
2.2 Chuẩn bị thực hiện phẫu thuật
- Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa;
- Các phương tiện: Bộ dụng cụ cắt tử cung qua đường âm đạo, người bệnh được giải thích đầy đủ về lý do phẫu thuật, ký giấy cam đoan phẫu thuật, người bệnh nằm tư thế phụ khoa, gây mê toàn thân, chuẩn bị hồ sơ bệnh án, thực hiện tại phòng mổ.
2.3 Quá trình thực hiện phẫu thuật Manchester điều trị sa sinh dục
- Thì 1: Nong rộng cổ tử cung bằng dụng cụ;
- Thì 2: Rạch và bóc tách mảnh niêm mạc thành trước âm đạo;
- Thì 3: Bóc tách bàng quang bị sa và đẩy bàng quang lên trên;
- Thì 4: Bóc tách niêm mạc thành sau âm đạo;
- Thì 5: Cặp cuống mạch cổ tử cung và dây chằng bên;
- Thì 6: Cắt cụt cổ tử cung;
- Thì 7: Phủ niêm mạc âm đạo lên mỏm cắt cổ tử cung phần sau;
- Thì 8: Cố định mỏm cắt cụt cổ tử cung lên phía trên và ra sau bằng mũi khâu Fothergill để cố định mỏm cắt ở tư thế này;
- Thì 9: Phục hồi lỗ cổ tử cung;
- Thì 10: Khâu phục hồi thành trước âm đạo;
- Thì 11: Khâu phục hồi thành sau âm đạo.
2.4 Theo dõi sức khỏe bệnh nhân sau phẫu thuật
- Theo dõi trạng thái toàn cơ thể, các dấu hiệu sinh tồn đặc biệt trong 24 giờ đầu sau phẫu thuật Manchester;
- Theo dõi tình trạng chảy máu qua âm đạo và chảy máu trong ổ bụng của bệnh nhân;
- Theo dõi và chăm sóc ống thông bàng quang;
- Vệ sinh: Sử dụng dung dịch betadin hoặc các dung dịch sát trùng khác để lau âm đạo, tầng sinh môn bệnh nhân;
- Chế độ ăn uống: Cho bệnh nhân ăn lỏng sớm và vận động sớm sau mổ để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
3. Làm thế nào để hạn chế nguy cơ sa sinh dục?
Để phòng ngừa nguy cơ bị sa sinh dục, phụ nữ nên chú ý tới những vấn đề sau:
- Sinh đẻ có kế hoạch, chỉ nên có từ 1 - 2 con;
- Tuổi sinh đẻ lý tưởng là phụ nữ độ tuổi 22 - 29 vì ở thời điểm này các bộ phận cơ thể chưa bị thoái hóa nên dễ phục hồi;
- Không đẻ sớm hay đẻ dày;
- Sinh đẻ tại các cơ sở chuyên khoa đáng tin cậy để được bác sĩ có chuyên môn cao theo dõi sức khỏe và xử trí kịp thời;
- Không để chuyển dạ kéo dài, không rặn đẻ quá lâu, thực hiện các thủ thuật như khâu lại tầng sinh môn bị rách sau sinh phải đảm bảo đúng chỉ định và kỹ thuật;
- Sau sinh cần nghỉ ngơi đủ thời gian để các cơ và dây chằng vùng chậu co trở lại. Tuyệt đối không được lao động sớm trước 3 tháng sau sinh, không lao động nặng nhọc, vất vả. Nếu phải lao động nặng thì chỉ nên làm việc trở lại sau khi sinh nở được 6 tháng;
- Nên thường xuyên thay đổi tư thế để nghỉ ngơi, thư giãn khi làm việc;
- Phát hiện và điều trị sớm các bệnh mãn tính gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên như táo bón lâu ngày, ho mạn tính vì đây là nguyên nhân dẫn đến sa sinh dục;
- Ăn uống đủ chất, sinh hoạt điều độ, rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ để tăng cường sức dẻo dai cho cơ bắp và các cơ vùng đáy chậu.
Khi được chỉ định thực hiện phẫu thuật Manchester điều trị sa sinh dục, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị bệnh cao nhất, tránh gặp phải những biến chứng khó lường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.