Phẫu thuật làm ngắn dây chằng tử cung là một biện pháp điều trị bảo tồn tử cung cho phụ nữ thời kỳ sinh con. Phẫu thuật thực hiện nhằm khắc phục tình trạng suy yếu của dây chằng tử cung, giúp nâng tử cung mà không còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động của dây chằng.
1. Sa sinh dục là bệnh gì?
Sa sinh dục còn gọi là sa các tạng vùng chậu (pelvic organ prolapse), là tình trạng tử cung, bàng quang, trực tràng, thành trước, thành sau âm đạo bị tụt khỏi vị trí giải phẫu bình thường do cấu trúc dây chằng, cân cơ nâng đỡ sàn chậu bị tổn thương hoặc suy yếu.
Hệ thống nâng đỡ các cơ quan trong khung chậu bao gồm:
- Hệ thống nâng đỡ bao gồm cơ nâng hậu môn, cơ nông của sàn hội âm
- Hệ thống dây chằng, mạc treo bao gồm dây chằng mu niệu đạo, mạc mu cổ tử cung, dây chằng tử cung-cùng, dây chằng ngang cổ tử cung, cân cơ Halban, cân cơ trực tràng-âm đạo.
- Hệ thống định hướng bao gồm dây chằng tròn và dây chằng rộng
Sa sinh dục gặp nhiều nhất là sa tử cung, tùy vào mức độ nặng nhẹ mà tử cung có thể sa xuống âm đạo đến sa hẳn ra ngoài âm hộ. Bệnh gặp nhiều ở phụ nữ sinh đẻ nhiều, thường xuyên làm việc nặng nhọc và có khó khăn trong quá trình sinh nở.
2. Triệu chứng của sa sinh dục
Sa sinh dục tiến triển chậm đến rất chậm từ 5 - 20 năm, càng để lâu không chữa trị mức độ sa cơ quan vùng chậu sẽ càng nặng thêm. Người bệnh có thể sa từ một cơ quan đến nhiều cơ quan cùng lúc. Sa sinh dục nhẹ thường không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ làm người bệnh không chú ý. Sa sinh dục nặng có các biểu hiện khó chịu hoặc nặng bụng dưới, tiểu rắt, són tiểu, tiểu không tự chủ, có khi đại tiện khó.
Khi được thăm khám vùng hố chậu, thường phát hiện khối sa nằm ở 1⁄2 dưới âm đạo, trường hợp nặng nhất là khối sa thò ra ngoài âm hộ, khối sa này có thể bị sừng hóa, loét do cọ xát hoặc bội nhiễm.
Để chắc chắn người bệnh không bị ung thư, xét nghiệm phiến đồ cổ tử cung có thể được yêu cầu. Ngoài ra, người bệnh còn được thăm dò niệu động học để xem xét tình trạng són tiểu.
3. Điều trị sa tạng vùng chậu bằng phẫu thuật làm ngắn dây chằng tử cung
Phẫu thuật làm ngắn dây chằng tử cung hay còn gọi là phẫu thuật Shirodkar. Đây là phương pháp phẫu thuật nhằm bảo tồn tử cung. Phẫu thuật được thực hiện bằng cách kéo ngắn dây chằng tử cung - cùng và đính nó vào eo trước tử cung.
Phẫu thuật Shirodkar được áp dụng chủ yếu cho phụ nữ trẻ chưa từng sinh đẻ, phụ nữ bị sa sinh dục độ II.
4. Các biện pháp phẫu thuật bảo tồn tử cung khác trong điều trị sa trực tràng
4.1 Phương pháp Manchester
Phương pháp được chỉ định cho đối tượng phụ nữ:
- Phụ nữ trẻ, chưa sinh con hoặc đang mong muốn có con
- Phụ nữ cao tuổi bị sa sinh dục độ III mà không chịu đựng được cuộc phẫu thuật lớn
Cuộc phẫu thuật được thực hiện lần lượt theo thứ tự như sau:
- Phẫu thuật viên cắt cụt cổ tử cung
- Cắt ngắn dây chằng ngang tử cung Mackenrodt
- Khâu nâng bàng quang
- Khôi phục lại thành trước âm đạo
- Sử dụng các mũi khâu Sturmdorft nhằm phục hồi cổ tử cung
- Phục hồi lại thành sau tử cung
4.2 Phương pháp Crossen
Phương pháp được chỉ định cho phụ nữ trong mọi độ tuổi có sa sinh dục độ III với cổ tử cung không bị viêm loét.
Phẫu thuật Crossen được thực hiện lần lượt qua các bước sau:
- Cắt hoàn toàn tử cung thông qua đường âm đạo
- Buộc chéo các dây chằng ngang tử cung Mackenrodt và các dây chằng tròn cắt kết hợp khâu vào nhau thành cái võng chắc, chống ruột bị sa.
- Tiến hành khâu nâng bàng quang
- Khôi phục thành trước âm đạo
- Khâu cơ nâng hậu môn và khôi phục thành sau âm đạo
5. Điều gì xảy ra khi không điều trị sa tạng vùng chậu?
Sa tạng vùng chậu (sa sinh dục) thường trở nặng theo thời gian, bệnh hiếm khi tự phục hồi. Ở mức độ nhẹ, bệnh gần như không có triệu chứng. Chỉ khi khối sa sà xuống âm đạo, âm hộ thì bệnh bắt đầu biểu hiện gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nếu không được điều trị sớm, bệnh trở nặng và gây ra nhiều biến chứng như viêm loét khối sa, loét cổ tử cung, nhiễm trùng đường tiết niệu.
6. Phòng bệnh sa sinh dục
Người phụ nữ cần phòng bệnh sa sinh dục bằng cách thực hiện các biện pháp an toàn sinh sản và sinh dục như:
- Tránh sinh con ở tuổi quá trẻ, sinh nhiều con, sinh con dày 1 - 2 năm
- Trong thời gian sinh sản, không được để chuyển dạ quá lâu
- Sinh con an toàn tại các cơ sở y tế
- Có thời gian nghỉ ngơi thai sản hợp lý, tránh làm việc nặng, lao động quá sức sau sinh 3 - 6 tháng
Ngoài ra, nếu có các tổn thương đường sinh dục như viêm nhiễm, khối u thì cần điều trị ngay. Tránh gây tăng áp lực ổ bụng bằng cách điều trị táo bón, ho nếu tình trạng bệnh kéo dài.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thực hiện các phương pháp điều trị sa tạng vùng chậu với những ưu điểm vượt trội:
- Các bác sĩ dày dạn kinh nghiệm trong phẫu thuật Sản phụ khoa. Phương tiện trang thiết bị hiện đại, đạt hiệu quả điều trị cao.
- Dịch vụ chuyên nghiệp: Hệ thống phòng bệnh văn minh hiện đại, chăm sóc toàn diện, các bữa ăn, chế độ nghỉ ngơi, tập luyện, giáo dục sức khỏe, mỗi phòng bệnh được trang bị tiện nghi giống một căn hộ khách sạn, thông tin bệnh nhân được bảo mật.
- Phòng mổ Hybrid là hệ thống phòng mổ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, tích hợp phòng mổ và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh tiên tiến (chụp CT, chụp MRI, siêu âm...) giúp giảm thời gian phẫu thuật và đem lại hiệu quả phẫu thuật tốt cho người bệnh.
- Trong gây mê hồi sức, Vinmec tuân thủ các phác đồ gây mê, các hướng dẫn an toàn gây mê, bảng kiểm gây mê đối với 100% ca phẫu thuật nhằm giảm thiểu tối đa sự cố và tác dụng không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.