Rò thực quản, khí quản là một dị tật bẩm sinh mắc phải ở trẻ em. Đây là tình trạng bệnh không quá phổ biến trong những trẻ được sinh ra. Để điều trị bệnh thì biện pháp duy nhất đó là đóng lỗ rò thực quản khí quản.
1. Rò thực quản khí quản là gì?
Rò thực quản khí quản là tình trạng giữa thực quản và khí quản xuất hiện những vị trí nối với nhau bất thường. Bình thường, thực quản và khí quản là hai ống tách biệt nhau hoàn toàn. Nó xuất hiện từ khi thai nhi đang phát triển trong tử cung của người mẹ.
Khi một bé bị rò thực quản khí quản thì khí và chất lỏng có thể di chuyển từ ống này sang ống khác qua vị trí nối. Do đó, dẫn đến tình trạng trẻ dễ bị viêm phổi và các vấn đề khác liên quan đến đường hô hấp cũng như tiêu hóa.
Rò thực quản khí quản có ba loại là:
- Loại 1: Phần trên của thực quản kết thúc bằng một túi cụt và phần dưới gắn vào khí quản. Loại này chiếm 80-90%.
- Loại 2: Phần trên của thực quản thông với khí quản, phần dưới thì kết thúc bằng một túi nhỏ.
- Loại 3: Loại hình chữ H. Thực quản và khí quản đã hoàn thành và nối với nhau bằng một ống nối. Loại này hiếm gặp nhất và khó chẩn đoán vì trẻ vẫn ăn uống và thở bình thường. Trẻ mắc loại này rất khó qua khỏi.
Ngoài ra có thể chia rò khí quản thực quản theo 3 mức độ sau:
- Độ I: Lớp áo nhầy bị phá hủy.
- Độ II: Lớp nhầy, lớp dưới niêm mạc, một phần lớp cơ bị phá hủy.
- Độ III: Toàn bộ các lớp thực quản và các tổ chức xung quanh bị phá hủy.
Rò thực quản khí quản xuất hiện ở trẻ sơ sinh kèm theo các dị tật bẩm sinh khác.
Theo nghiên cứu cho thấy, cứ 3000 trẻ sinh ra thì có một trẻ bị rò thực quản và khí quản. Ở bé trai có tỉ lệ mắc cao hơn. Tuổi của người mẹ cũng tỉ lệ thuận với tỉ lệ trẻ bị dị tật này.
2. Triệu chứng lâm sàng thường gặp
- Xuất hiện bọt hoặc bong bóng màu trắng trong miệng.
- Khi ăn thường bị ho hoặc nghẹn.
- Nôn.
- Da xanh xao, xanh nhiều khi trẻ ăn.
- Khó thở
- Bụng tròn, chướng bụng, đầy hơi.
Ngoài các triệu chứng trên, bé có thể có các dấu hiệu khác. Liên hệ với bác sĩ để được giải đáp các thắc mắc.
3. Nguyên nhân dẫn đến rò thực quản khí quản
Trong thời gian thai kỳ, bào thai đang phát triển và hoàn thiện các cơ quan cơ thể, trong đó có khí quản và thực quản. Ban đầu, khí quản và thực quản phát triển là hai ống tách rời nhau. Khi thai nhi được 4-8 tuần thì xuất hiện các vách ngăn hình thành giữa thực quản và khí quản. Khi vách ngăn này hình thành không đúng cách thì lỗ rò thực quản khí quản sẽ xuất hiện.
4. Chẩn đoán rò lỗ thực quản và khí quản như thế nào?
Rò thực quản khí quản có thể được chẩn đoán bằng chụp X-quang, cho thấy hình ảnh không khí trong ruột.
Ngoài ra có thể chẩn đoán bằng nội soi. Phương pháp này không hiệu quả trong việc xác định vị trí lỗ rò nhỏ.
5. Điều trị rò thực quản khí quản như thế nào
Trẻ bị rò thực quản và khí quản cần được tiến hành phẫu thuật để cứu sống. Trừ trường hợp trẻ bị loạn hình chữ H thì không thể sống được. Tuy nhiên trước khi trẻ được làm phẫu thuật cần có chế độ chăm sóc phù hợp sau:
- Để trẻ ở tư thế cao đầu nhằm tránh trào ngược và hít phải dịch dạ dày.
- Thường xuyên hút chất nhầy và nước bọt cho trẻ bằng ống.
- Có thể đặt ống nuôi ăn dạ dày.
- Không cho trẻ ăn.
6. Phẫu thuật đóng lỗ rò thực quản khí quản
Trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh và gia đình được giải thích rõ tình trạng cũng như phương pháp phẫu thuật sẽ được thực hiện. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ giải thích về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp sau phẫu thuật hay do gây mê, gây tê, giảm đau hoặc do cơ địa của người bệnh.
Người bệnh cần nhịn ăn trước khi thực hiện phẫu thuật và vệ sinh vùng phẫu thuật. Thời gian phẫu thuật dự kiến 180 phút.
Các bước tiến hành phẫu thuật đóng lỗ rò thực quản khí quản:
- Để bệnh nhân nằm ở tư thế nghiêng trái 90 ̊, kê gối dưới nách, tay phải đặt lên một giá treo. Sát khuẩn vị trí mổ và tiến hành mổ. Đường mổ ở vị trí sau bên bên phải, khoảng ở vị trí khoang liên sườn IV hoặc V bên phải.
- Để bộc lộ lỗ rò thực quản khí quản cần thắt quai tĩnh mạch đơn. Sau khi đóng được lỗ rò, rò khí quản sẽ được khâu bằng chỉ vicryl 5.0 khoảng cách các mũi là 23mm. Rò thực quản được khâu bằng chỉ vicryl 4.0 cùng với đó là tăng cường bằng màng phổi trung thất. Phẫu thuật nên được tiến hành dưới sự chỉ dẫn của sonde dạ dày.
7. Các biến chứng có thể có sau phẫu thuật
- Chảy máu đường tiêu hóa: Xuất hiện trong 48h đầu hoặc những ngày tiếp theo. Máu chảy đỏ tươi, nhiều, qua sonde dạ dày. Ngoài ra, người bệnh còn có thể nôn ra máu, đại tiện phân đen, toàn trạng thay đổi (nhợt, lo âu, mạch nhanh, huyết áp hạ). Khi đó cần mổ lại để kiểm tra và cầm máu.
- Cần tiến hành theo dõi tình trạng bục chỗ khâu thành tá tràng hay nhiễm trùng vết mổ để có cách xử lý kịp thời.
- Tiến hành theo dõi tình trạng chung của người bệnh như viêm phổi...
- Truyền dịch: Lượng dịch và loại dịch tùy thuộc vào thể trạng người bệnh.
- Kháng sinh: Có thể sử dụng kháng sinh dự phòng hoặc kháng sinh điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Như vậy, rò thực quản khí quản là dị tật không quá phổ biến và nguy hiểm, có thể điều trị bằng cách phẫu thuật đóng lỗ rò thực quản khí quản. Trẻ bị tật này cần được chăm sóc cẩn thận và có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
tag: