Phẫu thuật điều trị hẹp eo động mạch chủ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hồng Nhật - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hẹp eo động mạch chủ là một dị tật bẩm sinh mà nếu không điều trị có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

1. Tổng quan bệnh hẹp eo động mạch chủ

Hẹp eo động mạch chủ là bệnh lý tim bẩm sinh khá thường gặp, với tỷ lệ khoảng 8% và thường hay đi kèm với các bệnh tim bẩm sinh phức tạp khác, đặc biệt hay gặp trong hội chứng Turner, hội chứng Noonan.

Các dấu hiệu bệnh hẹp eo động mạch chủ:

  • Huyết áp tăng rất cao kèm theo sự chênh lệch huyết áp giữa chi trên và chi dưới một cách bất thường.
  • Mạch bẹn bắt yếu, có thể không bắt được ở những trường hợp nặng.
  • Nghe tim thấy có tiếng thổi tâm thu ở vùng dưới đòn trái.

Bệnh lý hẹp eo động mạch chủ cần được phát hiện và điều trị sớm vì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng người bệnh, như:


Phình tách động mạch chủ ngực
Phình tách động mạch chủ ngực
  • Giãn buồng tim trái, suy tim trái
  • Vỡ các mạch não do hiện tượng tăng huyết áp.

Các thăm dò chẩn đoán hẹp eo động mạch chủ:

  • X-quang ngực: Với hình ảnh đặc hiệu là dấu hiệu 3 cung ở động mạch chủ. Tuy nhiên cũng có thể bình thường không thấy dấu hiệu gì.
  • Điện tâm đồ: Trên điện tâm đồ phát hiện được dấu hiệu tăng gánh thất trái.
  • Siêu âm doppler tim: giúp chẩn đoán hẹp eo động mạch chủ với tăng vận tốc dòng máu qua chổ hẹp, nhưng thường hữu ích ở trẻ nhỏ, còn người lớn thì khó đánh giá hơn.
  • Chụp CT động mạch chủ: Là phương tiện quyết định chẩn. Trên phim chụp xác định được vị trí, hình thái chỗ hẹp, tuần hoàn bàng hệ và các tổn thương phối hợp khác.

2. Phương pháp phẫu thuật điều trị hẹp eo động mạch chủ


Suy tim sung huyết được chỉ định điều trị phương pháp phẫu thuật điều trị hẹp eo động mạch chủ
Suy tim sung huyết được chỉ định điều trị phương pháp phẫu thuật điều trị hẹp eo động mạch chủ

Phẫu thuật là lựa chọn điều trị bệnh hẹp eo động mạch chủ, giúp giải quyết tình trạng tắc nghẽn.

2.1. Phẫu thuật được chỉ định khi:

  • Người bệnh đã được chẩn đoán xác định hẹp eo động mạch chủ có chênh áp từ 20 - 30 mmHg trở lên.
  • Kèm theo một hoặc nhiều các triệu chứng: Tăng huyết áp chi trên khó khống chế bằng điều trị nội khoa, suy tim sung huyết, phì đại thất trái ...

2.2. Chống chỉ định:

Phẫu thuật không có chống chỉ định tuyệt đối, có một số chống chỉ định tương đối như:

  • Tăng áp lực phổi cố định
  • Suy tim nặng, suy chức năng gan thận nặng
  • Bệnh lý tim bẩm sinh kết hợp khác phức tạp
  • Nhiễm khuẩn đang tiến triển
  • Dị dạng lồng ngực, dày dính màng phổi trái do chấn thương hoặc bệnh lý.

Gây mê nội khí quản cho bệnh nhân trước khi tiến hành phẫu thuật
Gây mê nội khí quản cho bệnh nhân trước khi tiến hành phẫu thuật

2.3. Các bước tiến hành:

Chuẩn bị:

  • Người thực hiện: Đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa ngoại, gây mê hồi sức.
  • Người bệnh
  • Được giải thích đầy đủ về phương pháp phẫu thuật những rủi ro có thể gặp phải sau phẫu thuật.
  • Chiều ngày hôm trước được tắm rửa 2 lần nước có pha betadine, thay toàn bộ quần áo sạch.
  • Đánh ngực bằng xà phòng có chứa betadine trước khi bôi dung dịch sát khuẩn lên vùng phẫu thuật.

Tiến hành phẫu thuật:

  • Người bệnh
  • Người bệnh nằm nghiêng 90 độ
  • Gây mê nội khí quản thông khí 1 phổi
  • Sử dụng ống nội khí quản hai nòng, làm xẹp phổi bên trái.
  • Kỹ thuật
  • Nếu cần thiết thực hiện cầu nối nách - đùi bằng mạch nhân tạo
  • Mở ngực sau bên trái, ở vị trí khoang liên sườn 3 - 4.
  • Mở phế mạc bộc lộ toàn bộ vùng hẹp eo động mạch cho đến nơi xuất phát động mạch dưới đòn.
  • Kẹp bằng Clamp động mạch chủ trên và dưới vùng hẹp eo.
  • Phẫu thuật điều trị hẹp eo động mạch chủ sử dụng một trong các kĩ thuật sau: Cắt chỗ hẹp động mạch nối tận tận, vá mở rộng động mạch chủ, thay đoạn động mạch chủ bằng mạch nhân tạo, sử dụng vạt động mạch dưới đòn trái để loại bỏ tổn thương hẹp eo, phục hồi lưu thông động mạch chủ.
  • Sau đó cầm máu, đóng lại phế mạc, đặt hệ thống dẫn lưu màng phổi.
  • Đóng ngực theo giải phẫu.

3.Theo dõi và xử lý tai biến sau phẫu thuật


Tràn khí màng phổi có thể xảy ra sau phẫu thuật
Tràn khí màng phổi có thể xảy ra sau phẫu thuật

Can thiệp phẫu thuật sẽ có nguy cơ xảy ra những tai biến dù tỷ lệ này không cao, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bản thân tình trạng bệnh tật, bác sĩ phẫu thuật và trang thiết bị máy móc.

Tai biến và xử lý tai biến sau phẫu thuật:

  • Tràn máu, tràn khí màng phổi: Tuỳ từng mức độ mà lựa chọn điều trị nội khoa, dẫn lưu màng phổi hay nặng cần phải phẫu thuật lại.
  • Xẹp phổi: Sử dụng lý liệu pháp, nội soi khí phế quản hút đờm, nếu không ổn thì mổ lại.
  • Suy tim: Điều trị thuốc trợ tim.
  • Nhiễm trùng sau mổ: Tìm nguyên nhân vi khuẩn gây nhiễm khuẩn, điều trị kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ.
  • Hẹp tồn lưu: Điều trị nội khoa và theo dõi, nong hẹp, hoặc mổ lại nếu nông không hiệu quả.
  • Tổn thương thần kinh: Điều trị nội khoa và theo dõi những tổn thương

Theo dõi sau phẫu thuật

  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn
  • Chụp xquang phổi ngay sau khi người bệnh về phòng hồi sức.
  • Theo dõi biến chứng tràn máu, tràn khí màng phổi, theo dõi vết mổ, dịch dẫn lưu
  • Siêu âm tim đánh giá lại trước khi ra viện và theo dõi thường quy.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe