Dị tật dính khớp sọ sớm ở trẻ em (hay còn gọi là tật hẹp sọ) là một dị tật bẩm sinh xảy ra khi các đường khớp sọ dính với nhau sớm; khiến hình dạng hộp sọ trở nên bất thường. Để giải quyết tình trạng này cần tiến hành phẫu thuật chồng khớp sọ.
1. Chỉ định và chống chỉ định phẫu thuật
Phẫu thuật chồng khớp sọ (hay còn gọi là mổ hẹp hộp sọ) thuộc loại phẫu thuật tạo hình để mở rộng hộp sọ. Người bệnh có thể đang trong tình trạng tăng áp lực nội sọ dẫn đến đau đầu và buồn nôn nhiều.
1.1 Chỉ định
Chỉ định phẫu thuật với người bệnh có chồng khớp sọ, hẹp sọ gây tăng áp lực nội sọ.
1.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định phẫu thuật khi:
- Người bệnh không đồng ý
- Không đủ phương tiện gây mê, hồi sức
- Không thành thạo kỹ thuật
2. Các bước chuẩn bị phẫu thuật
Người thực hiện kỹ thuật: Bác sĩ, điều dưỡng viên chuyên khoa gây mê hồi sức, có kinh nghiệm mổ chồng khớp sọ.
Phương tiện phẫu thuật chồng khớp sọ:
- Hệ thống máy gây mê kèm thở, nguồn oxy bóp tay, máy theo dõi chức năng sống (ECG, huyết áp động mạch, SpO2, EtCO2, nhịp thở, nhiệt độ) máy phá rung tim, máy hút...
- Đèn soi thanh quản, ống nội khí quản các cỡ, ống hút, mặt nạ (mask), bóng bóp, canul miệng hầu, kìm Magill, mandrin mềm.
- Lidocain 10% dạng xịt.
- Salbutamol dạng xịt.
- Các phương tiện dự phòng đặt nội khí quản khó: ống Cook, mask thanh quản (laryngeal mask), ống soi phế quản mềm, bộ mở khí quản, kìm mở miệng...
Chuẩn bị cho người bệnh:
- Thăm khám gây mê trước mổ phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ, giải thích cho người bệnh cùng hợp tác.
- Đánh giá đặt ống nội khí quản khó.
- Sử dụng thuốc an thần tối hôm trước mổ (nếu cần).
Xem xét kỹ hồ sơ bệnh án: Theo quy định của Bộ y tế
3. Các bước tiến hành phẫu thuật
Kiểm tra hồ sơ bệnh nhân kĩ lưỡng
Kiểm tra tình trạng người bệnh: Xác nhận đủ điều kiện để phẫu thuật
Tiến hành thực hiện kỹ thuật
Các bước tiến hành chung:
- Tư thế: nằm ngửa, thở oxy 100% 3-6 l/phút trước khởi mê ít nhất 5 phút
- Lắp máy theo dõi
- Thiết lập đường truyền có hiệu quả
- Tiền mê (nếu cần)
Gây mê phẫu thuật chồng khớp sọ, hẹp hộp sọ là gây mê toàn thân có đặt nội khí quản đảm bảo duy trì hô hấp trong suốt thời gian tiến hành cuộc mổ. Cần phòng nguy cơ trào ngược và tránh các thuốc, các động tác gây tăng áp lực nội sọ.
Khởi mê:
- Thuốc ngủ: Thuốc mê tĩnh mạch (propofol, etomidat, thiopental, ketamin...), thuốc mê bốc hơi (sevofluran...).
- Thuốc giảm đau: Fentanyl, sufentanil, morphin...
- Thuốc giãn cơ (nếu cần): (succinylcholin, rocuronium, vecuronium...).
- Điều kiện đặt ống nội khí quản: Người bệnh ngủ sâu, đủ độ giãn cơ (trong đa số các trường hợp).
Có hai kỹ thuật đặt ống nội khí quản: Đặt khí quản qua đường miệng và đường mũi. Trong trường hợp đặt nội khí quản khó: Áp dụng quy trình đặt ống nội khí quản khó.
Duy trì mê:
- Duy trì mê bằng thuốc mê tĩnh mạch hoặc thuốc mê bốc hơi, thuốc giảm đau thuốc giãn cơ (nếu cần).
- Kiểm soát hô hấp bằng máy hoặc bóp tay.
- Theo dõi độ sâu của gây mê dựa vào nhịp tim, huyết áp, vã mồ hôi, chảy nước mắt (PRST) (nếu có)...
- Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: Nhịp tim, huyết áp, SpO2, EtCO2, thân nhiệt.
- Đề phòng ống nội khí quản sai vị trí, gập, tắc.
Tiến hành phẫu thuật cắt bỏ các đường khớp bị dính, tạo hình lại một phần hay toàn bộ hộp sọ, giải phóng sự chèn ép tạo không gian để não bộ phát triển.
Theo phương pháp cổ điển thì phẫu thuật chồng khớp sọ được thực hiện bằng cách:
- Rạch da đầu từ tai bên này đến tai bên kia, tách da đầu, bộc lộ hộp sọ, gặm bỏ hoặc tạo hình lại phần xương sọ bị ảnh hưởng.
- Một số trường hợp cần dùng các nẹp nhỏ và ốc vít để cố định xương sọ.
- Nên sử dụng những vật liệu tự tiêu theo thời gian tốt hơn là bằng kim loại.
- Phẫu thuật thường mất từ 3-7 giờ tùy thuộc vào trường hợp, có thể yêu cầu truyền máu, và nằm viện 3-7 ngày.
Một loại phẫu thuật ít xâm lấn mới hơn là phẫu thuật nội soi, nhưng chỉ là một lựa chọn trong trường hợp cụ thể của tật dính khớp sọ sớm.
- Sử dụng sự trợ giúp của nội soi, phẫu thuật điều chỉnh được thực hiện thông qua một hoặc hai vết rạch da đầu nhỏ khoảng một inch.
- Điểm của vết rạch phụ thuộc vào khớp bị ảnh hưởng.
- Các khớp bị ảnh hưởng được mở ra và não được phép phát triển bình thường.
- Với phương pháp phẫu thuật này, bệnh nhân ít bị sưng và ít bị mất máu.
- Bệnh nhân cần được đội mũ bảo hiểm liên tục, kéo dài sau mổ.
- Thời gian của phẫu thuật thường là khoảng một giờ, và hầu hết các bệnh nhân có thể xuất viện vào ngày thứ hai sau khi phẫu thuật.
Lứa tuổi thực hiện phẫu thuật chồng khớp sọ tốt nhất là 3 – 6 tháng tuổi, khi các xương sọ trẻ còn mỏng, dễ uốn nắn và sự biến dạng chưa nhiều. Những trường hợp mổ trễ sau 12 tháng, phẫu thuật sẽ khó hơn và thường phải tạo hình toàn bộ hộp sọ rất phức tạp. Đây là phẫu thuật lớn và thường phải truyền máu trong mổ.
4. Tai biến và cách xử trí
Chủ yếu là các tai biến do đặt nội khí quản:
- Không đặt được ống nội khí quản.
- Xử lý theo quy trình đặt ống nội khí quản khó hoặc chuyển phương pháp khác.
Rối loạn huyết động:
- Hạ hoặc tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim (nhịp chậm, nhịp nhanh, loạn nhịp).
- Xử trí tùy theo triệu chứng và nguyên nhân.
Dị tật dính khớp sọ gây mất thẩm mỹ trầm trọng nếu không được điều trị. Về lâu dài khi các cháu lớn lên đến tuổi đi học sẽ khó hòa nhập với cộng đồng, dễ gây xáo trộn về tâm lý của trẻ. Vì vậy, cần tiến hành phẫu thuật chồng khớp sọ sớm để cải thiện tình trạng này.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.