Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Gù cột sống ngực là bệnh gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống, khả năng lao động và cả thẩm mỹ của bệnh nhân. Với những trường hợp gù nặng, phẫu thuật chỉnh gù cột sống ngực là biện pháp điều trị hữu hiệu.
1. Sơ lược về gù cột sống ngực
1.1 Đặc điểm các đốt sống ngực
Mỗi người có 12 đốt sống ngực, được đánh số theo quy ước từ T1 - T12, T1 nằm gần hộp sọ nhất và các đốt sau nằm xuống dần tới vùng cột sống và thắt lưng. Các đốt sống ngực khớp với xương sườn, qua xương sườn với xương ức tạo thành lồng ngực. Đốt sống ngực có đặc điểm là thân dày hơn so với các đốt sống cổ, có hố sườn ở mặt bên thân đốt sống.
1.2 Gù cột sống ngực là gì?
Gù cột sống là hiện tượng góc gù của cột sống khi đứng vượt quá giới hạn sinh lý, xảy ra ở vùng cột sống cổ, ngực và xương cùng. Nguyên nhân gây gù cột sống có thể là:
- Dị tật bẩm sinh;
- Do các bệnh lý u hoặc viêm cột sống;
- Do các bệnh lý khác: Loãng xương, thoái hóa đĩa đệm;
- Gù sau chấn thương.
Gù cột sống ngực được chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT-scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), kiểm tra thần kinh. Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gây gù cột sống ngực, các triệu chứng hiện có. Các biện pháp điều trị hiện nay chủ yếu là: Dùng thuốc (thuốc giảm đau, thuốc loãng xương), trị liệu (tập thể dục, đeo khung, duy trì lối sống lành mạnh) hoặc phẫu thuật.
2. Tìm hiểu phương pháp phẫu thuật chỉnh gù cột sống ngực
2.1 Chỉ định/chống chỉ định
Chỉ định
- Gù nhẹ: Tập vật lý trị liệu hoặc mang áo nẹp;
- Gù nặng: Phẫu thuật chỉnh gù.
Chống chỉ định
- Người mắc bệnh lý đông máu;
- Người đang có nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân;
- Người có dung tích phổi quá thấp, không đảm bảo phẫu thuật.
2.2 Chuẩn bị thực hiện
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, phụ tá;
- Phương tiện kỹ thuật: Thuốc gây mê, gây tê tại chỗ, bộ dụng cụ phẫu thuật, hệ thống nẹp vít;
- Bệnh nhân: Được thông báo về mục đích, quy trình phẫu thuật và những biến chứng có thể xảy ra; vệ sinh cá nhân, nhịn ăn uống 6 tiếng trước phẫu thuật; được dùng kháng sinh dự phòng và thuốc an thần trước mổ;
- Hồ sơ bệnh án: Chuẩn bị theo đúng quy định.
2.3 Tiến hành phẫu thuật
- Tư thế: Người bệnh nằm sấp trên bàn mổ;
- Gây mê: Thực hiện gây mê nội khí quản;
- Rạch da đường sau tương ứng với vị trí tổn thương;
- Tách khối cơ cạnh sống;
- Bộc lộ vị trí bắt vít qua cuống sống;
- Thực hiện bắt vít qua cuống của ít nhất 2 đốt sống liền kề trên và dưới của đốt sống bị gập góc gây gù tùy vào mức độ, nguyên nhân gù cột sống ngực;
- Cắt bỏ cung sau ở vị trí cần chỉnh gù;
- Bộc lộ điểm đi vào cuống đốt sống bị gập góc;
- Đi qua cuống sống 2 bên, lấy bỏ phần xương xốp của đốt sống gây gập góc rồi cắt hình chêm khoảng 30 độ;
- Sử dụng hệ thống nẹp cố định và siết ốc để chỉnh gù;
- Kiểm tra vận động của bệnh nhân dựa trên nghiệm pháp đánh thức bệnh nhân;
- Thực hiện ghép xương sau bên;
- Đặt dẫn lưu vết mổ;
- Thực hiện đóng vết mổ.
2.4 Theo dõi sau phẫu thuật
- Theo dõi chặt các dấu hiệu sinh tồn sau mổ của bệnh nhân gồm mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp,...;
- Theo dõi các dẫn lưu;
- Theo dõi sát vận động, cảm giác và cơ tròn.
2.5 Xử trí các biến chứng sau phẫu thuật
- Chảy máu: Xử trí bằng cách thực hiện khâu, cầm máu vết thương;
- Nhiễm trùng: Cách xử trí là thay loại kháng sinh khác và chú ý chăm sóc tốt vết thương để ngăn nhiễm trùng;
- Liệt: Nguyên nhân do tổn thương tủy sống khi bắt vít, nắn chỉnh quá nhiều gây chùng tủy sống quá mức hoặc do không giải ép đủ rộng. Biểu hiện của biến chứng này là bệnh nhân bị liệt vận động, cảm giác, rối loạn cơ tròn ngay sau phẫu thuật hoặc ngay trên bàn mổ sau khi thực hiện nghiệm pháp thức tỉnh. Để xử trí, cần xác định chính xác nguyên nhân gây liệt và xử lý. Nếu nguyên nhân liệt là do bắt vít thì cần chụp X-quang cột sống nhằm xác định đúng rồi thực hiện tháo vít. Nếu nguyên nhân gây liệt là do nắn chỉnh quá mức thì cần nới dụng cụ, nắn chỉnh lại và giải ép đủ rộng.
Phẫu thuật chỉnh gù cột sống ngực là thủ thuật không quá phức tạp nhưng có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Do đó khi được bác sĩ chỉ định thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân nên phối hợp tốt với bác sĩ điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Điều trị thành công thoái hóa khớp bằng tế bào gốc tự thân