Phẫu thuật ACDF lấy đĩa đệm, ghép xương, cổ định cột sống cổ

Phẫu thuật ACDF là một loại phẫu thuật có mục đích loại bỏ một đĩa đệm bị thoát vị hoặc thoái hóa ở cổ. Thông thường, đây là một phẫu thuật đơn giản và bệnh nhân có thể về nhà trong ngày.

1. Phẫu thuật ACDF là gì?

ACDF là viết tắt của cụm từ “an Anterior Cervical Discectomy and Fusion”, được tiến hành để loại bỏ bất kỳ đĩa đệm nào nằm trên cột sống cổ, tính từ cổ đến thắt lưng. Tùy theo tình trạng và triệu chứng cụ thể của bệnh nhân, các bác sĩ có thể loại bỏ nhiều hơn 1 đĩa đệm.

Sau khi đĩa đệm được lấy ra, giữa các đốt sống xương sẽ có khoảng trống. Vì vậy, để định hình cột sống cổ và ngăn ngừa tình trạng các đốt sống sụp xuống, cọ xát lẫn nhau, quá trình ghép xương sẽ được tiến hành để lấp đầy vùng không gian rỗng này.

Mảnh ghép xương thường đóng vai trò là cầu nối giữa 2 đốt sống, tạo ra phản ứng tổng hợp lại cột sống. Sau khoảng 3 đến 6 tháng, 2 đốt sống sẽ có thể nối với nhau, tạo thành mảnh xương rắn và từ đó có hiệu quả định hình cột sống cổ.


Phẫu thuật ACDF được tiến hành bằng cách loại bỏ bất kỳ đĩa đệm nào nằm trên cột sống cổ, tính từ cổ đến thắt lưng
Phẫu thuật ACDF được tiến hành bằng cách loại bỏ bất kỳ đĩa đệm nào nằm trên cột sống cổ, tính từ cổ đến thắt lưng

2. Phân loại ghép xương trong phẫu thuật ACDF

Như đã giới thiệu phía trên, việc tiến hành ghép xương sau khi phẫu thuật lấy đĩa đệm là cần thiết để định hình cột sống cổ. Mảnh đệm xương này có thể được lấy từ nhiều nguồn, mỗi loại sẽ có những ưu - nhược điểm khác nhau.

  • Autograft: xương sẽ đến từ chính bệnh nhân. Các bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy tế bào xương từ hông (mào chậu). Dạng ghép xương này sẽ có tỷ lệ thích hợp cao vì nó có các tế bào cũng như protein để phát triển xương. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị đau nhức xương hông sau khi thực hiện phẫu thuật.
  • Allograft: là xương từ bên ngoài (từ một cơ thể khác). Loại xương này sẽ được lấy từ những người đồng ý hiến tạng sau khi họ mất. Nhược điểm lớn nhất của kiểu ghép xương này là không còn tế bào hay protein để phát triển xương. Tuy nhiên, nó vẫn có những hiệu quả nhất định trong việc định hình cột sống cổ.
  • Xương nhân tạo: các bác sĩ có thể sử dụng hợp chất nhựa nhân tạo hoặc biosorbable để tạo thành vật liệu ghép xương cho bệnh nhân.

Sau khi thực hiện ghép xương, ban đầu, bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy một số bất tiện trong việc chuyển động và độ tự nhiên của sự di chuyển sẽ tùy theo khả năng thích nghi của mảnh xương ghép.

3. Phẫu thuật ACDF được chỉ định trong trường hợp nào?


Bệnh nhân bị thoái hóa đĩa đệm sẽ được chỉ định phẫu thuật ACDF
Bệnh nhân bị thoái hóa đĩa đệm sẽ được chỉ định phẫu thuật ACDF
  • Bệnh nhân bị thoái hóa đĩa đệm: đĩa đệm có thể bị mòn theo tự nhiên, dẫn đến tình trạng viêm các khớp xương. Khi các đĩa khô và co lại, tính chất đệm của chúng sẽ không còn linh hoạt, không gian nhỏ hơn, dẫn đến hẹp ống tủy hoặc thoát vị đĩa đệm.
  • Bệnh nhân có đĩa phình và thoát vị.
  • Bệnh nhân bị đau dai dẳng và tái phát thường xuyên, không đáp ứng với các điều trị nội khoa sau khi thực hiện điều trị hơn 3 tháng.
  • Bệnh nhân bị liệt thần kinh tiến triển.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phẫu thuật ACDF sẽ bị chống chỉ định:

  • Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm trên 3 tầng.
  • Bị nhiễm trùng vùng cổ từ trước.
  • Tình trạng ống sống cổ đa tầng bị hẹp.

4. Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện phẫu thuật ACDF?

Bệnh nhân sẽ được sắp xếp để làm một số xét nghiệm tiền phẫu, ví dụ như xét nghiệm máu, điện tâm đồ, X-Quang ngực... vài ngày trước khi thực hiện phẫu thuật. Bệnh nhân cũng cần khai báo đầy đủ các loại thuốc đang sử dụng. Một số loại thuốc sau cần phải ngưng sử dụng trong vòng 1 - 2 tuần để chuẩn bị cho phẫu thuật ACDF:

  • Tất cả các thuốc thuộc nhóm kháng viêm không Steroid như Nuprin, Aleve, Naprosyn...
  • Các loại thuốc làm loãng máu.
  • Ngoài ra, chế độ sinh hoạt trước phẫu thuật cũng cần phải điều chỉnh:
    • Không hút thuốc và uống rượu bia trước khi phẫu thuật 1 tuần.
    • Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì vào nửa đêm trước khi phẫu thuật.

Đặc biệt, vào buổi sáng phẫu thuật ACDF, bệnh nhân cần:

  • Tắm bằng Betadin hoặc các loại xà phòng kháng khuẩn, nên mặc quần áo mỏng, sạch.
  • Để lại tất cả các vật có giá trị và đồ trang sức ở nhà.
  • Mang theo danh sách các loại thuốc đang sử dụng với liều lượng.
  • Mang theo danh sách các thuốc/thực phẩm bị dị ứng.

5. Những điều trị duy trì sau phẫu thuật

  • Collar cổ từ 6 - 8 tuần cho đến khi định hình cột sống cổ vững chắc, ổn định.
  • Sau mổ, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh từ 5 - 7 ngày.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh

6. Một số tai biến có thể xảy ra sau khi phẫu thuật ACDF

Tổn thương thực quản

Bệnh nhân có thể gặp một số cảm giác nuốt vướng, khó nuốt, nôn ra máu... trong trường hợp bị tổn thương thực quản nhẹ. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể bị thủng thực quản. Điều này có nguyên nhân từ việc bác sĩ đã có kéo thô bạo trong quá trình mổ và cắt vào thực quản.

Tổn thương tĩnh mạch cảnh, động mạch

Do không thực hiện phẫu tích đúng theo các lớp giải phẫu. Bệnh nhân cần được khâu lại động mạch cảnh và sử dụng thuốc chống đông máu sau phẫu thuật.

Tổn thương thần kinh quặt ngược

Biểu hiện rõ nhất của biến chứng này là giọng nói khàn, khó phát âm.

Tổn thương khí quản

Tương tự như tình trạng tổn thương thực quản, tổn thương khí quản sau phẫu thuật ACDF cũng có nguyên nhân từ sự co kéo thô bạo của bác sĩ. Để khắc phục, bệnh nhân cần khâu lại vùng thủng khí quản và đặt nội khí quản kéo dài.

Nhìn chung, phẫu thuật ACDF có nhiều hiệu quả trong việc điều trị nhiều bệnh lý tại cột sống cổ. Để đảm bảo quá trình phẫu thuật thành công, bệnh nhân cần thực hiện đúng các hướng dẫn từ bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe