Phát hiện và điều trị thành công bệnh nhân mắc bệnh Castleman hiếm gặp

Castleman (hay bệnh tăng sinh hạch bạch huyết) sau phúc mạc vùng tiểu khung là một bệnh hiếm gặp và dễ chẩn đoán nhầm với các tổn thương khác ở vùng tiểu khung như lymphoma, ung thư hạch, u ác tính, hoặc nhiễm trùng do các triệu chứng bệnh không đặc hiệu. Nhờ các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại, bác sĩ có chuyên môn sâu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec vừa phát hiện và điều trị thành công cho một bệnh nhân mắc căn bệnh hiếm này.

Chị Lê Thị T. (44 tuổi, ở Hà Nội) đi khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Các kết quả xét nghiệm, chụp X - quang của chị T. hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi siêu âm bụng bác sĩ đã phát hiện ở cạnh phải tử cung, sau phuc mạc có khối đặc, đường kính 4cm, có tăng sinh mạch ở ngoại vi khối.

Cộng Hưởng Từ tiểu khung. Khối tổ chức đặc cạnh phải tử cung, bờ giới hạn rõ, so với cơ thấy đồng tín hiệu trên ảnh T1 xoá mỡ (A), tăng trên T2 (B), ngấm thuốc mạnh sau tiêm trên T1 xoá mỡ (C,D).


Bác sĩ Ngô Văn Đoan – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết: “Trên siêu âm, chẩn đoán sơ bộ là khối u sau phúc mạc tiểu khung. Tuy nhiên, để thêm thông tin giúp chẩn đoán chính xác, các bác sĩ đã chỉ định chụp cộng hưởng từ 3 Tesla. Bởi trong trường hợp này, chụp cộng hưởng sẽ giúp xác định được chính xác vị trí khối u, phân biệt được với u buồng trứng, u xơ tử cung có cuống. Dựa vào các chuỗi xung cộng hưởng từ, có thể xác định được khối u đặc hay dịch, giới hạn đường bờ của khối u. Thêm nữa, sau tiêm thuốc đối quang từ sẽ giúp nhận biết khối u có giàu mạch máu hay không, nguồn gốc mạch nuôi khối u. Cùng với việc quan sát được tương quan của khối u với các cấu trúc xung quanh mà bác sĩ phẫu thuật có thể đưa ra phương án tối ưu nhất cho cuộc mổ, hạn chế mất máu và giảm thiểu thời gian phải gây mê cho người bệnh”.

Qua đánh giá tổng hợp kết quả siêu âm và cộng hưởng từ, các bác sĩ khoa Sản phụ khoa và Ngoại tiêu hóa đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u trên và đồng thời cắt tử cung bán phần ngang mức eo (do bệnh nhân có kèm đa nhân xơ tử cung và có rối loạn kinh nguyệt).

Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ hiện đại tại Vinmec.


Kết quả giải phẫu bệnh của chị T. cho thấy đây là một tổ chức lympho quá sản, trong có nhiều nang lympho nhỏ, có mạch máu xơ dày, kính hóa; xen kẽ có tăng sinh rất nhiều huyết quản, dày đặc lympho bào lẫn ít tương bào. Đây là các dấu hiệu đặc trưng của bệnh Castleman.

Sau phẫu thuật 4 ngày, người bệnh đã hồi phục hoàn toàn và xuất viện. Từ đó đến nay đã 4 tháng sau mổ, sức khỏe của người bệnh hoàn toàn bình thường. Được biết, bệnh Castleman có thể gặp ở bất kỳ vùng hạch nào, thường gặp ở trung thất, chiếm tới 70%. Các vị trí khác là đầu và cổ cũng được phát hiện nhưng ít hơn, chiếm 10-15%. Các trường hợp Castelman sau phúc mạc vùng tiểu khung như chị T. là rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 7%. Một số thể bệnh có thể tiến triển thành lymphoma. Vì vậy, phát hiện sớm và phẫu thuật cắt bỏ u là phương pháp điều trị tốt nhất được lựa chọn đối với thể bệnh Castleman đơn ổ này.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe