Bài viết được viết bởi Bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Nước tiểu nói chung có màu vàng nhạt và tương đối trong suốt; nhưng đối với mỗi lần đi tiểu của một người thì màu sắc, số lượng, nồng độ và hàm lượng các chất trong nước tiểu sẽ hơi khác nhau do các thành phần khác nhau. Các chỉ số xét nghiệm nước tiểu bao gồm glucose, protein, bilirubin, hồng cầu, bạch cầu, tinh thể và vi khuẩn.
3. Biến đổi các thành phần tế bào trong nước tiểu
3.1. Hồng cầu niệu
Nước tiểu bình thường có 0-1 hồng cầu trong một vi trường, 3 hồng cầu trong một mililit hoặc dưới 1000 hồng cầu trong một phút khi làm xét nghiệm cặn Addis. Nếu số lượng hồng cầu trong nước tiểu tăng là có đái ra máu.
+ Đái ra máu vi thể nếu:
- Có 1-2 hồng cầu trong một vi trường là (+)
- Có 3 hồng cầu trong một vi trường là (++).
- Có 4-5 hồng cầu trong một vi trường (+++)
- Có 6-7 hồng cầu trong một vi trường là (++++)
+ Đái ra máu đại thể: hồng cầu dày đặc vi trường, hoặc trên 5000 hồng cầu trong một phút khi làm xét nghiệm cặn Addis.
Hồng cầu niệu vi thể gặp trong các bệnh của thận, như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, viêm bể thận-thận cấp, viêm bể thận-thận mạn, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, sỏi hệ thống thận tiết niệu, bệnh thận IgA. Có thể gặp trụ hồng cầu trong viêm cầu thận cấp.
Đái ra máu đại thể có thể gặp trong viêm cầu thận cấp nặng, sỏi đài bể thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, chấn thương hệ thống thận tiết niệu, bệnh thận IgA.
3.2. Mủ niệu.
Mủ niệu là tình trạng trong nước tiểu có nhiều bạch cầu đa nhân và tế bào mủ (bạch cầu đa nhân thoái hóa). Nếu mủ nhiều, có thể nhận thấy bằng mắt thường, nước tiểu đục sánh màu mủ, để lâu lắng cặn mủ dính vào ống nghiệm. Nếu mủ ít thì nước tiểu đục trắng có dây mủ lởn vởn.
Xét nghiệm nước tiểu thấy nhiều tế bào mủ, tế bào bạch cầu đa nhân, có thể có ít tế bào biểu mô, vi khuẩn, sợi tơ huyết và mucoprotein. Đái ra mủ thường kèm theo đái ra máu, làm nước tiểu có màu chocolate sữa. Đái ra mủ gặp trong viêm hệ thống thận, tiết niệu, viêm bàng quang, viêm bể thận, thận ứ mủ. Vi khuẩn thường là loại Gram âm (60-70%), cũng có thể do các bệnh lý viêm đặc hiệu như lao, lậu, nấm.
3.3. Bạch cầu niệu
Nước tiểu bình thường có 0-1 bạch cầu trong một vi trường, 3 bạch cầu trong một mililit nước tiểu, dưới 2000 bạch cầu trong một phút nếu xét nghiệm cặn Addis. Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ thấy bạch cầu niệu tăng.
+ Có 3-5 bạch cầu trong một vi trường là (+).
+ Có 6 -10 bạch cầu trong một vi trường là (++).
+ Có 11-20 bạch cầu trong một vi trường là (+++).
+ Có trên 20 bạch cầu trong một vi trường là (++++)
Khi có trên 10 bạch cầu trong một vi trường, hoặc trên 5000 bạch cầu trong một phút, là chắc chắn có nhiễm khuẩn. Khi chỉ có 3-10 bạch cầu trong một vi trường hay 2000-5000 bạch cầu trong một phút thì nghi ngờ có nhiễm khuẩn. Nếu bạch cầu dày đặc vi trường, có nhiều bạch cầu thoái hóa (tế bào mủ) là đái ra mủ.
3.4. Xét nghiệm cặn Addis
Để biết chính xác bệnh nhân có đái ra hồng cầu hoặc bạch cầu hay không, và mức độ nặng của đái ra hồng cầu và bạch cầu, cần phải làm xét nghiệm cặn Addis. Cách tiến hành xét nghiệm cặn Addis như sau:
+ Lấy nước tiểu 3 giờ: đúng 6 giờ sáng hoặc một giờ nào đó trong ngày cho bệnh nhân đi tiểu hết bãi và loại bỏ mẫu nước tiểu này. Sau đó cho bệnh nhân uống 200ml nước sôi để nguội. Từ đó nếu bệnh nhân đi tiểu, gồm toàn bộ nước tiểu vào một bộ sạch, có nắp đậy và để chỗ thoáng mát. Đến đúng 9 giờ (ba giờ sau khi loại bỏ mẫu nước tiểu ban đầu), cho bệnh nhân đi tiểu hết bãi vào bô để lấy hết nước tiểu trong bàng quang. Đo số lượng nước tiểu thu được, rồi tính ra số mililit trong mỗi phút bằng cách chia số mililit nước tiểu cho 180 phút (3 giờ), ghi số lượng nước tiểu trong một phút vào giấy xét nghiệm và lấy đúng 10ml nước tiểu trong mẫu nước tiểu 3 giờ, ly tâm 3000 vòng/phút trong 10 phút, hút bỏ 9ml ở trên, trộn đều 1 ml còn lại dàn lên tiêu bản đếm số lượng hồng cầu, số lượng bạch cầu. Số lượng hồng cầu và số lượng bạch cầu được chia cho 10 (vì thực chất sổ hồng cầu và bạch cầu này là của 10ml nước tiểu được ly tâm dồn lại), sau đó nhân với số lượng nước tiểu trong một phút để được số lượng tế bào trong một phút.
+ Đánh giá kết quả: bình thường, trong nước tiểu có dưới 1000 hồng cầu/phút, và dưới 2000 bạch cầu/phút.
- Nếu số lượng bạch cầu tăng nhiều, số lượng hồng cầu bình thường hoặc tăng ít, là biểu hiện đái ra bạch cầu do nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nếu 2000-5000 bạch cầu/ phút là nghi ngờ có nhiễm khuẩn, nếu trên 5000 bạch cầu/phút là chắc chắn có nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
- Nếu số lượng hồng cầu tăng nhiều trong khi số lượng bạch cầu bình thường hoặc tăng ít là có đái ra máu. Nếu 1000-5000 hồng cầu/ phút là đái ra máu vi thể, nếu trên 5000 hồng cầu/phút là có đái ra máu đại thể.
3.5. Tế bào biểu mô
Trong nước tiểu bình thường có thể có ít tế bào biểu mô bàng quang, tế bào biểu mô niệu đạo. Nếu nước tiểu có tế bào biểu mô ống thận, hoặc có nhiều tế bào biểu mô bàng quang, niệu đạo, là biểu hiện của tổn thương thận hoặc viêm nhiễm đường tiết niệu.
3.6. Tế bào ung thư
Có thể phát hiện được trong nước tiểu của bệnh nhân ung thư hệ thống thận tiết niệu các tế bào ung thư nếu ly tắm nước tiểu và soi cặn nước tiểu.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.