Chậm phát triển tâm thần là một loại khiếm khuyết về phát triển trí não. Những trẻ bị chậm phát triển tâm thần thường kém thông minh hơn so với bạn đồng lứa và thực hiện một số kĩ năng sinh hoạt hàng ngày cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều phụ huynh lo lắng không biết liệu chứng chậm phát triển tâm thần có chữa được không. Trong bài viết này sẽ đề cập đến một số loại chậm phát triển tâm thần thường gặp cũng như phương pháp điều trị.
1. Phân loại chậm phát triển tâm thần
Chậm phát triển tâm thần được phân loại căn cứ trên các đánh giá lâm sàng và chỉ số IQ của bệnh nhân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới thống nhất, chứng chậm phát triển tâm thần được chia thành 4 mức độ.
- Mức độ trầm trọng: IQ < 20
- Tư duy: bệnh nhân đường như không có ngôn ngữ, tư duy chưa có hoặc chỉ ở dạng cụ thể, thô sơ, ý thức về bản thân lờ mờ.
- Cảm xúc: chỉ số cảm xúc rất thấp, chỉ liên quan đến các nhu cầu cơ bản của cơ thể như đói – lạnh sẽ la hét, no - ấm thì dễ chịu, bình tĩnh.
- Hành vị: không quan tâm đến xung quanh, thường chỉ có các hành vi theo bản năng.
- Các dị dạng: ở thần kinh, da, giác quan, mắt – tai – răng, hệ thống xương...
- Mức độ nặng: 20 < IQ < 34
- Các biểu hiện tương tự với mức độ nghiêm trọng.
- Mức độ vừa: 35 < IQ < 49
- Tư duy: có ngôn ngữ nhưng ít vốn từ, ngữ pháp đơn giản, thường phát âm sai; trẻ thường gặp khó khăn trong hoạt động viết, không nhận thức được toàn thể.
- Cảm xúc: bất ổn, cung bậc cảm xúc đa dạng và biến hóa nhanh.
- Hành vi: đa dạng ở các đối tượng khác nhau. Một số trẻ có thể hung hăng, cũng có một số trẻ lầm lì, ít nói.
- Mức độ nhẹ: 50 < IQ < 69
- Tư duy: khó phân biệt so với trẻ bình thường, nhưng khả năng học tập thường kém hơn so với bạn bè, thiếu sáng kiến và khả năng tổng hợp không tốt.
- Cảm xúc: thiếu tự lập, không đủ năng lực để giải quyết các vấn đề.
- Hành vi: tùy theo hoạt động giáo dục và cách đối xử với trẻ. Nếu như có phương pháp giáo dục không phù hợp, trẻ dễ bị lệch lạc về hành vi và tư duy.
2. Tìm hiểu phương pháp điều trị chậm phát triển tâm thần
2.1. Nguyên tắc điều trị
Vấn đề điều trị chậm phát triển tâm thần dựa trên các phương pháp về xã hội, giáo dục, tâm thần cũng như môi trường sống của trẻ vì một số yếu tố như sau:
- Chứng chậm phát triển tâm thần của trẻ thường có liên quan đến hàng loạt các rối loạn tâm thần, do đó đòi hỏi sự điều trị chuyên biệt cũng như hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ.
- Quá trình điều trị chứng chậm phát triển tâm thần rất phức tạp và lâu dài. Ngoài ra, thời gian điều trị chủ yếu là ngoại trú, ở bệnh viện ban ngày hay tại các trung tâm y tế giáo dục. Vì vậy, trẻ cần có sự quan tâm từ gia đình nói riêng và xã hội nói chung.
2.2. Điều trị cụ thể chứng chậm phát triển tâm thần
Câu hỏi “Chậm phát triển tâm thần có chữa được không?” không chỉ phụ thuộc vào mức độ chậm phát triển của trẻ mà còn có liên quan đến sự hiệu quả từ các phương pháp điều trị. Trong đó, điều trị chứng chậm phát triển tâm thần hiện nay dựa trên một số phương pháp chính sau:
Liệu pháp giáo dục
Nhằm mục đích giúp trẻ thích ứng phần nào đó với xã hội, liệu pháp giáo dục nắm giữ các vai trò sau:
- Ổn định tâm lý cho trẻ.
- Phục hồi các rối loạn về vận động hay rối loạn về ngôn ngữ.
- Thúc đẩy trẻ thích nghi với môi trường xung quanh bằng cách tạo mối quan hệ với mọi người.
Như vậy, nội dung phương pháp sẽ bao gồm các hoạt động như:
- Đào tạo kỹ năng thích nghi của trẻ bằng cách hướng dẫn trẻ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như vệ sinh cá nhân, đi chợ, nấu ăn hay thu dọn nhà cửa...
- Đào tạo kỹ năng xã hội của trẻ, bao gồm lễ phép với người lớn, giao tiếp hay giúp đỡ người khác.
- Giáo dục văn hóa như đọc viết, tính toán đơn giản...
Liệu pháp giáo dục thường có tính trực quan và phải được thực hiện nhiều lần.
Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục hồi trẻ bị chậm phát triển tâm thần, có thể được áp dụng cho từng cá nhân hoặc theo nhóm. Cụ thể, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất ổn về tâm lý như kích động, tự kỷ, lầm lì..., các chuyên gia tâm lý sẽ tìm hiểu kĩ hơn về hoàn cảnh sống của gia đình trẻ, đồng thời hướng dẫn gia đình một số phương pháp giáo dục, đối xử đặc biệt với trẻ. Bên cạnh đó, liệu pháp tâm lý cũng sẽ tận dụng các hoạt động kích thích sự hứng thú của bé như hội họa, âm nhạc, các trò chơi hay hoạt động hướng nghiệp...
Thuốc
Điều trị chậm phát triển tâm thần cũng thường phải có sự hỗ trợ từ thuốc, tuy nhiên thuốc chỉ đóng vai trò thứ yếu và tập trung điều trị triệu chứng:
- Khi trẻ có dấu hiệu lo âu, sợ hãi hay căng thẳng, bác sĩ có thể kê toa Diazepam, Napoton...
- Đối với trẻ có biểu hiện kích động, rối loạn khí sắc, rối loạn hành vi hay bị ám ảnh... có thể sử dụng các loại thuốc như Haloperidol, thuốc an thần, thuốc ổn định khí sắc...
- Trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm thần kèm theo chứng rối loạn tăng động, tự kỷ, động kinh, trầm cảm..., các bác sĩ sẽ căn cứ theo từng triệu chứng để kê các toa thuốc phù hợp.
Nhìn chung, điều trị chậm phát triển tâm thần đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng và kiên nhẫn đối với trẻ. Do đó, gia đình khi có trẻ gặp phải tình trạng này, mỗi cha mẹ cần có sự ý thức và chu đáo hơn trong việc chăm sóc giáo dục trẻ kết hợp với các liệu pháp điều trị khác.
Nếu các bậc cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu chậm phát triển tâm thần thì cần bình tĩnh và hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để các bác sĩ kiểm tra. Tuỳ theo mức độ chậm nói và độ tuổi của trẻ các bác sĩ sẽ có can thiệp phù hợp để cải thiện tình trạng chậm phát triển ở trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.