Phân loại polyp đại tràng có thể giúp bác sĩ xác định rõ hơn về tình trạng polyp trong đại tràng của người bệnh. Polyp đại tràng là tình trạng các khối u nhô lên bề mặt lớp biểu mô của đại tràng. Đôi lúc, các polyp này có thể có cuống hoặc chân rộng. Về bản chất, tình trạng này có thể xuất phát từ lớp biểu mô hoặc lớp mô đệm. Vậy, có mấy loại polyp đại tràng?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Polyp đại tràng là gì?
Nhìn chung, polyp đại tràng là các khối u nhô lên trên bề mặt lớp biểu mô của đại tràng và có thể có cuống hoặc chân rộng. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ lớp biểu mô của đại tràng (polyp tuyến hoặc polyp tăng sản). Tuy nhiên, các polyp này cũng có thể xuất phát từ lớp mô đệm (hamartoma).
Các chuyên gia sẽ phân loại polyp đại tràng thành các loại khác nhau dựa trên đặc điểm của polyp. Một số loại polyp bao gồm:
- Polyp tuyến.
- Polyp răng cưa.
- Polyp viêm.
- Polyp di truyền.
2. Polyp tuyến
Khoảng hai phần 3 các polyp đại tràng đều ở dạng polyp tuyến. Trong đó, 90% số này có kích thước dưới 1,5 cm.
Polyp tuyến được chia thành 3 loại bao gồm:
- Polyp tuyến ống (tubular): Loại này xuất hiện ở bất kỳ đoạn nào của đại tràng và thường có cuống.
- Polyp tuyến nhung mao (villous): Loại này thường gặp ở trực tràng, không cuống, và có nguy cơ phát triển thành ác tính cao nhất.
- Polyp tuyến ống - nhung mao (tubulovillous).
Chỉ có một tỷ lệ nhỏ polyp tuyến thực sự phát triển thành khối u ung thư. Tuy nhiên, hầu hết các polyp ác tính đều thuộc loại polyp tuyến. Nguy cơ ung thư sẽ tăng cao khi các khối u này có kích thước lớn hơn 2 cm và chứa thành phần nhung mao.
3. Polyp răng cưa
Polyp răng cưa cũng có khả năng trở thành ung thư, tuy nhiên sẽ phụ thuộc vào kích thước và vị trí xuất hiện trong đại tràng. Đây là một dạng polyp nhỏ, không cuống và tròn, thường có kích thước dưới 5mm.
Khi phân loại polyp đại tràng, polyp răng cưa thường nằm ở đoạn cuối của đại tràng và trực tràng, đôi lúc còn được gọi là polyp tăng sản. Tuy nhiên, đây là loại polyp rất hiếm khi trở thành ác tính.
Các polyp răng cưa lớn thường sẽ có hình dạng phẳng (không cuống), khó phát hiện hơn và nằm ở đoạn đầu của đại tràng. Các polyp răng cưa lớn cũng chính là các khối u tiền ung thư.
4. Polyp viêm
Loại polyp này có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân mắc bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng. Nếu mắc hai bệnh này, người bệnh có thể gia tăng nguy cơ tổng thể mắc phải ung thư đại tràng mặc dù polyp không phải là mối đe dọa đáng kể.

5. Polyp di truyền - phân loại polyp đại tràng tiềm ẩn nhưng nguy hiểm
Khi phân loại polyp đại tràng, polyp di truyền là một tình trạng hiếm gặp, được di truyền qua các thế hệ khi con cái thừa hưởng đột biến gen gây polyp đại tràng. Nếu có đột biến gen này, mọi người sẽ có khả năng mắc ung thư đại trực tràng cao hơn bình thường.
Vì thế, việc tầm soát và phát hiện sớm có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển và lây lan. Nhìn chung, các rối loạn di truyền gây ra polyp đại tràng bao gồm:
- Hội chứng Lynch: Hội chứng này còn được gọi là ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp (HNPCC). Người bệnh mắc hội chứng này có xu hướng phát triển khá ít các polyp đại tràng. Nhưng các polyp này có thể nhanh chóng phát triển thành khối u ác tính (tỷ lệ khoảng 5%). Điều này là do sự đột biến xuất hiện tại 1 trong 5 gen sửa lỗi bắt cặp NST gồm: MLH1, MSH2, MSH6, PMS1 và PMS2. Đây cũng là dạng phổ biến nhất của ung thư đại tràng di truyền. Cùng với đó, hội chứng Lynch cũng liên quan tới khối u ở dạ dày, ruột non, đường tiết niệu, buồng trứng và vú. Tiêu chuẩn chẩn đoán theo Amsterdam: có tối thiểu 3 người trong phả hệ bị ung thư đại tràng, 1 người là trực hệ trong 2 người còn lại và ít nhất có 1 người bị ung thư đại tràng < 50 tuổi.
- Đa polyp tuyến gia đình (FAP): Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng có thể tạo ra hàng trăm hoặc hàng ngàn polyp trong niêm mạc ruột già của người bệnh. Các polyp này có thể xuất hiện ngay từ thời niên thiếu của bệnh nhân. Nếu không được điều trị, gần như 100% các polyp này sẽ phát triển thành ung thư đại tràng, thường là dưới 40 tuổi. Điều này là do đột biến gen APC có chức năng ức chế sự hình thành khối u tân sinh ở đại tràng. Để chẩn đoán, các bác sĩ sẽ dựa vào những biểu hiện gồm: U quái trong ổ bụng hoặc vùng sau trực tràng, phì đại lớp biểu mô sắc tố võng mạc, nội soi phát hiện nhiều polyp ở đại tràng hoặc dạ dày, tá tràng. Ngoài ra, xét nghiệm di truyền cũng có thể phát hiện nguy cơ FAP.
- Hội chứng Gardner: Đây là một biến thể của FAP, gây ra sự phát triển polyp ở ruột già và ruột non. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện các khối u lành tính ở da, xương và bụng.
- Đa polyp liên quan MYH (MAP): Tương tự FAP, bệnh này do đột biến gen MYH gây ra. Người mắc tình trạng MAP thường phát triển nhiều polyp tuyến và ung thư đại tràng khi còn trẻ. Tuy nhiên, xét nghiệm di truyền có thể xác định nguy cơ mắc phải tình trạng này.
- Hội chứng Peutz-Jeghers: Hội chứng này bắt đầu với các đốm tàn nhang xuất hiện trên cơ thể, bao gồm môi, nướu và bàn chân. Sau đó, các polyp hamartoma không ác tính phát triển trong ruột và xuất hiện các triệu chứng ở khoảng 25 tuổi. Đây là một căn bệnh gây ra bởi tình trạng đột biến gen STK11. Các polyp này đều có nguy cơ trở thành ác tính, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng nếu người bệnh mắc phải.
- Hội chứng polyp răng cưa: Đây là một hội chứng có thể dẫn đến đa polyp tuyến răng cưa ở phần đầu của đại tràng. Polyp thuộc phân loại polyp đại tràng này có thể tiến triển thành ác tính.

6. Phẫu thuật điều trị các phân loại polyp đại tràng tại Vinmec
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park Tp. HCM áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị polyp đại tràng: Phẫu thuật ít xâm lấn bằng robot cầm tay
Phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật nội soi truyền thống và mổ robot, có thể kể đến như: xâm lấn ít hơn, đường mổ nhỏ, ít đau, nguy cơ nhiễm trùng thấp, giúp bệnh nhân mất ít máu hơn trong quá trình phẫu thuật và phục hồi nhanh. Đồng thời, chi phí thực hiện cũng thấp hơn đáng kể so với phẫu thuật robot thông thường.

Bệnh nhân cũng được phân loại polyp đại tràng, tư vấn và điều trị bởi các bác sĩ nội soi giàu kinh nghiệm. Bệnh nhân sẽ được trực tiếp phẫu thuật bởi bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp của bệnh viện. Bác sĩ Hùng có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngoại Tổng quát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.