Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Thùy Nhung - Phó Trưởng khoa Xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng .
Hiện nay, xét nghiệm Hematocrit là một loại xét nghiệm máu được sử dụng chủ yếu nhằm chẩn đoán các rối loạn về máu, chẳng hạn như bệnh đa hồng cầu hoặc thiếu máu. Thông qua kết quả xét nghiệm Hematocrit sẽ giúp bác sĩ xác định được liệu bệnh nhân đang mắc phải chứng rối loạn máu nào, từ đó đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.
1. Xét nghiệm Hematocrit là gì?
Xét nghiệm Hematocrit là một loại xét nghiệm máu được áp dụng phổ biến hiện nay. Thông thường, máu của con người được tạo thành từ các tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Những tế bào máu này hiện diện ở trạng thái lơ lửng trong một loại chất lỏng, được gọi chung là huyết tương.
Xét nghiệm Hematocrit giúp đo lường lượng máu của cơ thể được tạo thành từ các tế bào hồng cầu. Các tế bào hồng cầu có chứa một loại protein hemoglobin, giữ vai trò vận chuyển oxy từ phổi đi đến các bộ phận còn lại của cơ thể. Khi kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ hematocrit quá cao hoặc quá thấp, đây có thể là dấu hiệu của mất nước, rối loạn máu hoặc các tình trạng bệnh lý khác.
2. Xét nghiệm Hemacrotit được sử dụng để làm gì?
Xét nghiệm Hematocrit thường là một phần của xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi – một loại xét nghiệm thường quy, được dùng để đo các thành phần khác nhau trong máu. Nhìn chung, Hematocrit được sử dụng trong việc chẩn đoán các rối loạn về máu như thiếu máu (tình trạng máu của bạn không có đủ các tế bào hồng cầu), hoặc bệnh đa hồng cầu (một chứng rối loạn máu hiếm gặp, trong đó máu của bạn có quá nhiều tế bào hồng cầu).
3. Vì sao bạn cần thực hiện xét nghiệm Hematocrit?
Các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ có thể yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm Hematocrit như một khâu trong chu trình kiểm tra sức khỏe thường xuyên, hoặc trong trường hợp bạn có các triệu chứng của rối loạn tế bào hồng cầu, chẳng hạn như bệnh đa hồng cầu hoặc thiếu máu.
Bệnh thiếu máu có thể bao gồm các triệu chứng điển hình sau đây:
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Suy nhược cơ thể
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Lạnh chân tay
- Tức ngực
- Da nhợt nhạt
Các triệu chứng của bệnh đa hồng cầu thường bao gồm:
4. Quy trình thực hiện xét nghiệm Hematocrit
Thực tế, bạn không cần có bất kỳ sự chuẩn bị đặc biệt nào cho xét nghiệm Hematocrit. Nếu bác sĩ yêu cầu bạn thực hiện thêm các xét nghiệm trên mẫu máu của bạn, bạn có thể cần phải nhịn ăn uống trong vòng vài giờ trước khi xét nghiệm.
Trong quá trình thực hiện Hematocrit, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay của bạn thông qua một chiếc kim nhỏ. Sau khi kim được đưa vào tĩnh mạch, một lượng máu nhỏ sẽ được thu thập vào lọ hoặc ống nghiệm. Bạn có thể cảm thấy hơi châm chích trong lúc kim được đưa vào hoặc đưa ra khỏi tĩnh mạch. Quá trình tiến hành lấy mẫu máu thường mất ít hơn 5 phút.
Nhìn chung, xét nghiệm Hematocrit và các loại xét nghiệm máu khác thường có rất ít rủi ro. Một số người có thể cảm thấy đau nhẹ hoặc bị bầm tím tại chỗ kim tiêm được đưa vào, nhưng hầu hết các triệu chứng này sẽ biến mất nhanh chóng sau đó.
5. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm Hematocrit
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy mức Hemotocrit của bạn quá thấp, điều này có thể là dấu hiệu nhận biết của các tình trạng sau:
- Thiếu máu
- Dinh dưỡng thiếu vitamin B12, sắt hoặc folate
- Bệnh lý của tủy xương
- Bệnh thận
- Một số bệnh ung thư như ung thư hạch, bệnh bạch cầu hoặc đa u tuỷ
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy mức Hematocrit của bạn quá cao, đây có thể là dấu hiệu nhận biết của các tình trạng sau:
- Mất nước – một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của nồng độ hematocrit cao trong máu. Việc uống nhiều chất lỏng hơn sẽ giúp đưa mức hematocrit của bạn trở lại bình thường.
- Bệnh tim bẩm sinh
- Bệnh phổi
- Bệnh đa hồng cầu
Nếu kết quả xét nghiệm Hematocrit của bạn không nằm trong giới hạn bình thường, điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn đang mắc phải một bệnh lý cần được điều trị. Một số yếu tố nhất định có thể làm ảnh hưởng đến mức Hematocrit của bạn, bao gồm mang thai, mới truyền máu hoặc sống ở nơi có độ cao lớn. Tốt nhất, bạn nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để tìm hiểu thêm về kết quả xét nghiệm của mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medlineplus.gov