Phân bố vị trí túi thừa đại tràng

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Túi thừa đại tràng là những cấu trúc dạng túi phát triển trong thành của đại tràng, thường gặp ở đại tràng sigma và đại tràng trái, cũng có thể gặp ở toàn bộ đại tràng. Khi các túi thừa này bị viêm nhiễm gây ra bệnh lý viêm túi thừa. Hình ảnh học y khoa và nội soi đại tràng có vai trò rất quan trọng trong viêm túi thừa đại tràng (VTTĐT), các phương tiện trên không chỉ giúp chẩn đoán và đánh giá VTTĐT chính xác mà còn giúp định hướng điều trị, điều trị và theo dõi diễn tiến.

1. Nguyên nhân gây ra viêm túi thừa đại tràng

Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị viêm túi thừa đại tràng:

  • Lớn tuổi: khả năng bị viêm túi thừa của bạn tăng lên khi bạn trên 40 tuổi, điều này có thể do những thay đổi liên quan đến tuổi, chẳng hạn như sự suy giảm mức độ vững chắc và độ đàn hồi thành ruột có thể đóng góp vào tình trạng viêm túi thừa.
  • Ăn ít chất xơ: bệnh viêm túi thừa phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển, chẳng hạn như Mỹ, nơi mà chế độ ăn uống giàu carbohydrate tinh chế và ít chất xơ.
  • Vận động thể lực: ít hay hạn chế vận động thể lực được cho là có liên quan đến nguy cơ hình thành túi thừa. Những lý do dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ.
  • Béo phì: làm tăng nguy cơ xuất hiện viêm túi thừachảy máu túi thừa.
  • Hút thuốc lá: làm tăng khả năng bị viêm túi thừa.

Béo phì làm tăng nguy cơ xuất hiện viêm túi thừa
Béo phì làm tăng nguy cơ xuất hiện viêm túi thừa

2. Chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng

  • Dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng (phát hiện đau ở hố chậu trái);
  • Xét nghiệm máu để phát hiện bạch cầu tăng - dấu hiệu cho thấy có hiện tượng nhiễm trùng;
  • Chụp X-quang đại tràng: Xác định mức độ lan rộng của bệnh;
  • Chụp CT: Phân biệt túi thừa viêm hoặc nhiễm trùng;

Nội soi đại tràng bằng ống mềm thực hiện qua ngã hậu môn: Quan sát mặt trong của đại tràng, cung cấp thông tin bổ sung cho chẩn đoán và điều trị.

3. Phân bố và đặc điểm vị trí của túi thừa đại tràng

Vị trí túi thừa ở đại tràng (ĐT) phải là một đặc điểm nổi bật của bệnh viêm túi thừa đại tràng ở châu Á. Trong khi tỷ lệ viêm túi thừa đại tràng phải ở châu Âu chỉ chiếm khoảng 4% thì ở châu Á, tỉ lệ này lớn hơn 50%. Ở nghiên cứu của một số tác giả, tỉ lệ này là 87,8%. Tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ của tác giả Kim với số liệu là 89,5% nhưng cao hơn so với các nghiên cứu của Tan, Law, Matshushim với số liệu dao động từ 60% đến 75%.

Theo một số nghiên cứu ở phương Tây, viêm túi thừa đại tràng phải thường phát hiện ở người trẻ tuổi và tỉ lệ phát hiện bệnh hàng năm vẫn ổn định (không tăng theo tuổi), nên giả thuyết ở phương Tây cho rằng túi thừa đại tràng phải là do nguyên nhân bẩm sinh.

Theo các nghiên cứu được thực hiện ở Nhật, dù tỉ lệ bệnh túi thừa đại tràng tăng theo thời gian, nhóm ĐT phải vẫn chiếm ưu thế và tăng dần. Do đó, người ta tin rằng ở chủng tộc châu Á dù túi thừa do nguyên nhân mắc phải thì vẫn nằm ở ĐT phải. Cả hai giả thuyết trên hỗ trợ cho nhau. Hiện nay người ta cho rằng ở các nước châu Á, nguyên nhân túi thừa hình thành ưu thế ở ĐT phải là do gen quy định.

Theo nghiên cứu của tác giả Lý Minh Tùng và Nguyễn Văn Hải, bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng phải của chủ yếu thuộc nhóm trẻ tuổi, bệnh nhân trẻ nhất chỉ 15 tuổi. Tần số mắc bệnh túi thừa có tăng nhưng viêm túi thừa đại tràng phải vẫn luôn chiếm ưu thế.

Viêm túi thừa đại tràng trái thường chiếm tỷ lệ thấp (12,2%) và tập trung chủ yếu ở đại tràng xích ma (100%) giống các nghiên cứu khác ở châu Á.

Tỉ lệ túi thừa đơn độc ở châu Á chiếm vào khoảng 40-80. Túi thừa đơn độc (chỉ có 1 túi thừa) được cho là do nguyên nhân bẩm sinh, vì thế có nhiều tác giả đề nghị xem phẫu thuật chỉ cắt túi thừa là phương pháp điều trị đúng mức cho những trường hợp VTTĐT đơn độc. Một vài tác giả đồng ý với quan điểm trên là Lee, Ngoi ở châu Á và Hildebrand, Lane, Papaziogas ở châu Âu.


Hình ảnh túi thừa đại tràng qua nội soi
Hình ảnh túi thừa đại tràng qua nội soi

4. Có điều trị dứt điểm được túi thừa?

Khi túi thừa được hình thành nó sẽ tồn tại vĩnh viễn, không có phương pháp điều trị để phòng ngừa các biến chứng của túi thừa. Một chế độ ăn giàu chất xơ giúp làm tăng khối lượng phân và phòng táo bón có thể giúp làm giảm triệu chứng.

Chưa có bằng chứng về khả năng gây viêm túi thừa của các loại hạt, tuy nhiên một số bệnh nhân nếu có dấu hiệu khởi phát viêm túi thừa sau khi ăn các loại hạt thì không nên tiếp tục ăn mà nên thay bằng thực phẩm có chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau, ngũ cốc, các loại đậu.

Hiệp hội các chuyên gia về dinh dưỡng Hoa kỳ khuyến cáo rằng phụ nữ nên ăn khoảng 25 gam chất xơ và nam giới khoảng 38 gam chất xơ mỗi ngày. Bên cạnh đó việc uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên cũng có hiệu quả.

Túi thừa đại tràng là một bệnh lý thường gặp và không nguy hiểm trừ khi có biến chứng. Mặc dù chưa có biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh nhưng có thể hạn chế sự hình thành túi thừa và biến chứng của túi thừa bằng cách ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin cậy trong thực hiện kỹ thuật nội soi chẩn đoán và điều trị các bệnh lý túi thừa ở đường tiêu hoá...Vinmec với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm tận lực trong khám chữa bệnh, khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ nội soi dạ dày, thực quản, đại tràng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Huy Lưu, Nguyễn Văn Hải (2010), "Kết quả phẫu thuật túi thừa đại tràng phải bằng phẫu thuật nội soi", Y học Thành phố Hồ Chí Minh, tập 14 (phụ bản của số 4), p.12-15.
  2. Lý Minh tùng, Nguyễn Văn Hài (2011), Đặc điểm lâm sàng, hình ảnh, và kết quả phẫu thuật viêm túi thừa đại tràng.
  3. Aldoori W.H., Giovannucci E.L., Rockett H.R., et al. (1998), "A prospective study of dietary fiber types and symptomatic diverticular disease in men", J Nutr, Vol.128 (4), p.714-719.
  4. Ambrosetti P., Robert J.H., Witzig J.A., et al. (1994), "Acute left colonic diverticulitis: a prospective analysis of 226 consecutive cases", Surgery, Vol.115 (5), p.546-550.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe