Viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng là hai tình trạng có biểu hiện lâm sàng tương tự nhau. Không chỉ vậy, việc chẩn đoán chính xác viêm túi thừa đại tràng trước khi tiến hành phẫu thuật sẽ khó khăn hơn viêm ruột thừa. Do đó, việc chẩn đoán thường sẽ thực hiện trong quá trình phẫu thuật. Cùng tìm hiểu về viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng trong bài viết sau!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Cấu tạo giải phẫu của ruột thừa và túi thừa đại tràng
Trước khi tìm hiểu về viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng, bệnh nhân nên biết về cấu tạo của hai cơ quan này trong cơ thể.
1.1 Túi thừa đại tràng
Túi thừa đại tràng là các túi nhỏ phát triển trên thành đại tràng, thường gặp ở đại tràng sigma và đại tràng trái, nhưng cũng có thể xuất hiện trên toàn bộ đại tràng. Khi các túi này bị viêm sẽ gây ra bệnh viêm túi thừa.
Phần lớn túi thừa của ống tiêu hóa xuất hiện ở đại tràng, với 95% xuất hiện ở đại tràng sigma và 5% ở manh tràng. Túi thừa rất hiếm khi xuất hiện ở các khu vực khác của đại tràng. Khi thiếu chất xơ, phân sẽ trở nên cứng, khó di chuyển ra khỏi đại tràng để bài tiết ra ngoài.
Vách đại tràng có thể có cấu tạo không đồng đều, một số vị trí có vách yếu hơn các khu vực khác. Khi áp lực trong ruột tăng lên, niêm mạc tại các khu vực yếu có thể bị đẩy ra ngoài vách ruột và tạo thành túi nhỏ. Các túi này thường có kích thước 1-2 cm, đôi khi lớn tới 5-6 cm.
1.2 Ruột thừa
Ruột thừa là phần cuối của manh tràng nguyên thuỷ. Ban đầu, ruột thừa nằm ở đầu và bên trong manh tràng. Do sự phát triển không đều của manh tràng (chủ yếu là phát triển về trước và bên phải), ruột thừa dần bị xoay vào trong và di chuyển lên trên.
Ở người trưởng thành, ruột thừa nối với manh tràng qua van Gerlach có dạng hình bán nguyệt. Kích thước của ruột thừa thường dài từ 1cm đến 20cm hoặc có thể hơn, với kích cỡ trung bình khoảng 8-10cm và đường kính trung bình từ 4-5 mm.
2. Viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng xảy ra do đâu?
Viêm ruột thừa xảy ra khi cơ quan này bị tắc do phân, dị vật hoặc khối u ung thư. Sự tắc nghẽn ở ruột thừa cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng. Ruột thừa có thể sưng lên như một phản ứng đối với sự nhiễm trùng bên trong cơ thể.
Các túi thừa ở đại tràng được mô tả là sự phình ra của một khối tròn bên trong ruột già (đại tràng). Các túi thừa này xuất hiện khi lớp niêm mạc của ruột kết yếu đi và tạo thành các túi (diverticula) xuất hiện thông qua các lớp cơ ở ruột kết. Khi các túi thừa trong cơ thể bị vỡ, viêm, nhiễm trùng hoặc bị vỡ, tình trạng này được gọi là viêm túi thừa.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành túi thừa, viêm túi thừa đại tràng bao gồm:
- Chế độ ăn ít chất xơ.
- Tiêu thụ nhiều các thực phẩm giàu chất béo và carbohydrate tinh chế.
- Tuổi tác.
- Lối sống ít vận động.
- Thường xuyên nhịn đi ngoài.
- Béo phì, thừa cân.
Có khoảng 5% người bệnh ở tuổi 40 bị ảnh hưởng bởi túi thừa. Con số này tăng lên 33% ở những người trên 50 tuổi và tiếp tục tăng lên hơn 50% ở những người bệnh trên 80 tuổi. Tủ lên người có túi thừa bị viêm túi thừa có thể lên đến 20%. Người Mỹ, Úc và Anh có tỷ lệ xuất hiện túi thừa và/ hoặc viêm túi thừa cao. Trong khi căn bệnh này không phổ biến ở các nước châu Phi và châu Á. Cả nam và nữ đều có thể mắc bệnh này.
3. Triệu chứng của viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng
3.1 Triệu chứng viêm ruột thừa
Các triệu chứng của viêm ruột thừa bao gồm:
- Cơn đau xuất hiện đột ngột ở vùng bụng dưới bên phải.
- Các cơn đau ban đầu có thể xuất hiện đột ngột quanh rốn và sau đó lan dần sang vùng bụng dưới bên phải.
- Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi ho hoặc di chuyển.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Mất cảm giác thèm ăn.
- Sốt nhẹ, có thể nặng hơn khi bệnh tiến triển.
- Táo bón hoặc tiêu chảy.
- Bụng cảm thấy đầy hơi.
- Đánh rắm thường xuyên.
Vị trí đau của người bệnh có thể khác nhau tùy vào độ tuổi và vị trí của ruột thừa. Khi mang thai, các cơn đau của viêm ruột thừa đến từ vùng bụng trên vì ruột thừa bị đẩy lên cao hơn trong quá trình mang thai.
3.2 Triệu chứng viêm túi thừa
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm túi thừa gồm:
- Các cơn đau có thể liên tục và kéo dài trong vài ngày và thường xuất hiện ở vùng bụng dưới bên trái. Tuy nhiên, đôi khi cơn đau có thể xuất hiện ở phía bên phải.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Sốt.
- Bụng nhạy cảm hơn khi chạm vào.
- Táo bón hoặc tiêu chảy, tuy nhiên các dấu hiệu này ít phổ biến hơn.
4. Các biến chứng của viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng
4.1 Biến chứng của viêm ruột thừa
Viêm phúc mạc toàn bộ là biến chứng thường gặp và nghiêm trọng nhất của viêm ruột thừa. Tình trạng này xảy ra khi ruột thừa bị viêm dẫn đến vỡ. Người bệnh sẽ có các biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc như sốt cao, lạnh run, tụt huyết áp, mạch nhanh, bí trung đại tiện, không thể đi ngoài hoặc đánh rắm, bụng chướng do liệt ruột và xuất hiện phản ứng thành bụng (cảm giác đau khi sờ vào bất kỳ vị trí nào của bụng).
Viêm phúc mạc toàn bộ là một tình trạng nguy hiểm cần phải được cấp cứu kịp thời. Nếu không, tính mạng của bệnh nhân sẽ bị đe dọa vì nhiễm trùng và nhiễm độc.
Trong 36 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên (như đau vùng hố chậu phải, sốt nhẹ, buồn nôn hoặc nôn,...) nguy cơ bệnh nhân bị thủng ruột thừa thấp nhất cũng đã là 15%. Vì vậy, khi đã được chẩn đoán mắc viêm ruột thừa, bệnh nhân nên tiến hành phẫu thuật ngay lập tức để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, có một trường hợp khác là cơ thể bệnh nhân hình thành các đám quánh ruột thừa. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể có sức đề kháng tốt và các quai ruột, mạc treo có sự kết dính cao. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể thuyên giảm sốt và các cơn đau. Cùng với đó, vùng hố chậu phải có thể xuất hiện một khối u chắc, không di động và đau ít khi ấn.
Nếu xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu không tăng cao như ban đầu hoặc kết quả bình thường, đám quánh ruột thừa có thể tự tiêu biến hoặc phát triển thành áp xe ruột thừa.
4.2 Biến chứng của viêm túi thừa
Khoảng 25% bệnh nhân bị viêm túi thừa cấp tính và phát triển các biến chứng. Các biến chứng này bao gồm:
- Áp xe: Xảy ra khi mủ tích tụ trong các túi thừa của người bệnh.
- Gây ra tắc nghẽn trong ruột kết hoặc ruột non do sự hình thành của sẹo.
- Xuất hiện lỗ rò ở các phần của ruột hoặc giữa ruột và bàng quang.
- Viêm phúc mạc: Viêm phúc mạc xảy ra khi túi thừa bị nhiễm trùng hoặc vỡ. Từ đó, dịch ruột tràn vào khoang bụng gây viêm phúc mạc. Đây là một tình trạng cấp cứu và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
5. Các phương pháp điều trị viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng
5.1 Các cách điều trị viêm ruột thừa
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là một trong những phương pháp chính được dùng để điều trị viêm ruột thừa. Có hai phương pháp phẫu thuật được áp dụng bao gồm mổ truyền thống và phẫu thuật nội soi.
- Phẫu thuật truyền thống: Đây là phương pháp mổ mở, với một đường rạch nhỏ ở phần dưới của ổ bụng bên phải. Qua vết rạch này, phần ruột thừa sẽ được loại bỏ.
- Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này đang được áp dụng nhiều hơn trong thời gian gần đây. Nội soi ổ bụng đã và đang được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị viêm ruột thừa do có rất nhiều ưu điểm. Các ưu điểm bao gồm khả năng quan sát toàn bộ ổ bụng, ít xâm lấn hơn, giảm đau sau khi mổ và thời gian phục hồi nhanh hơn.
Nếu ruột thừa bị viêm nhưng không vỡ tại thời điểm phẫu thuật, bệnh nhân có thể được xuất viện trong vòng 1-2 ngày. Nếu ruột thừa bị vỡ, thời gian nằm viện có thể kéo dài từ 4-7 ngày tuỳ vào mức độ của bệnh và thể lực của người bệnh.
Nếu là viêm ruột thừa cấp (vừa mới viêm), ruột thừa chưa bị vỡ thì khả năng xuất hiện biến chứng sau mổ là rất thấp. Nhưng, đối với các trường hợp viêm phúc mạc, nguy cơ xảy ra biến chứng tắc ruột sau khi mổ là rất cao.
5.2 Cách điều trị viêm túi thừa đại tràng
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu cũng như triệu chứng của bệnh nhân.
Với viêm túi thừa không biến chứng và có triệu chứng nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Bác sĩ có thể lên phác đồ điều trị bao gồm:
- Thuốc kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, một số hướng dẫn điều trị mới cho rằng không cần thiết dùng kháng sinh trong các trường hợp bệnh rất nhẹ.
- Thực hiện chế độ ăn uống chất lỏng trong vài ngày khi ruột chưa hồi phục. Một khi các triệu chứng của bệnh nhân được cải thiện, các thực phẩm rắn có thể được thêm dần vào chế độ ăn hàng ngày.
- Các loại thuốc giảm đau không kê đơn, ví dụ như acetaminophen (Tylenol hoặc các loại thuốc khác).
Đối với viêm túi thừa phức tạp, nếu bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc các vấn đề về sức khoẻ khác, bệnh nhân có thể cần phải nhập viện để điều trị. Quá trình điều trị thường bao gồm:
- Tiêm kháng sinh bằng đường tĩnh mạch.
- Đặt ống dẫn lưu áp xe bụng.
- Phẫu thuật.
Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ được áp dụng để điều trị viêm túi thừa đại tràng nếu:
- Bệnh nhân xuất hiện ít nhất một biến chứng, có thể kể đến như áp xe ruột, có lỗ rò hoặc tắc nghẽn ruột, thủng thành ruột.
- Người bệnh từng có những đợt bùng phát viêm túi thừa nhưng không có biến chứng.
- Người bệnh có hệ miễn dịch yếu ớt.
6. Tại sao nên lựa chọn điều trị túi thừa đại tràng tại Vinmec?
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng đã áp dụng triển khai phương pháp phẫu thuật nội soi nạo vét hạch và cắt đại tràng phải, bác sĩ sẽ cắt các túi thừa đại tràng bị viêm. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như:
- Rất ít đau sau khi mổ.
- Chức năng của đại tràng được phục hồi nhanh chóng.
- Vết sẹo mổ nhỏ.
- Nguy cơ nhiễm trùng vết mổ được giảm thiểu.
- Đảm bảo sự thẩm mỹ.
- Thời gian phục hồi sau mổ nhanh, thời gian nằm viện ngắn.
- Bệnh nhân có thể nhanh chóng sinh hoạt lại như bình thường.
- Mổ nội soi không bị hạn chế tầm nhìn như cách phẫu thuật truyền thống. Hình ảnh có chất lượng tối ưu và độ chính xác khi mổ cao hơn.
Không chỉ vậy, Bệnh viện còn có hệ thống các trang thiết bị hiện đại, ví dụ như máy nội soi Olympus CV 180 giúp cho phép phát hiện các tổn thương rất nhỏ, chỉ vài milimet. Cùng với đó, máy cũng giúp xác định chính xác vị trí bị tổn thương.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng phương pháp nội soi với dải tần ánh sáng hẹp NBI, tạo nên bước đột phá trong quá trình khám, sàng lọc và chẩn đoán ung thư ống tiêu hoá (thực quản, dạ dày, tá tràng và cả đại tràng, trực tràng) ở giai đoạn sớm và cả giai đoạn rất sớm.
Hơn thế nữa, trình độ gây tê, gây mê và giảm đau sau mổ của đội ngũ y bác sĩ rất tốt. Bệnh viện Vinmec cũng đang đi đầu trong việc ứng dụng các phương pháp gây tê và gây mê hàng đầu thế giới.
Bác sĩ thực hiện các kỹ thuật là Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Quân đã có hơn 10 kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành Ngoại Tiêu Hóa Tổng Hợp, chuyên khám và điều trị bệnh lý ngoại khoa của đường tiêu hóa, gan, mật, tụy cũng như các bệnh lý của phúc mạc, ổ bụng và thành bụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.