Phân biệt hội chứng ruột kích thích với các bệnh lý khác?

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hội chứng ruột kích thích thường bị nhầm lẫn với các bệnh về đường tiêu hóa khác. Tuy nhiên, hội chứng ruột kích thích không gây tổn thương vĩnh viễn cho ruột và cũng không làm tăng nguy cơ ung thư.

1. Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là gì? Đây là một chứng rối loạn đường ruột được nhận biết bằng các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa. Các triệu chứng của nó tương tự như các triệu chứng của nhiều vấn đề về bụng, một số có thể rất nghiêm trọng. Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS) có xu hướng được kích hoạt bởi căng thẳng và có thể trở nên tồi tệ hơn sau bữa ăn. Chúng có thể bao gồm:

  • Thay đổi thói quen đi tiêu
  • Phân có nước, cứng, vón cục hoặc chứa chất nhầy
  • Tiêu chảy, táo bón hoặc kết hợp cả hai
  • Nhu động ruột kém
  • Bụng đầy hơi, chuột rút, dư thừa khí và đau
  • Ợ chua hoặc khó chịu sau khi ăn các bữa ăn bình thường
  • Đau lưng dưới

Hội chứng ruột kích thích không gây tổn thương vĩnh viễn cho ruột và cũng không làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, nó rất khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, hội chứng ruột kích thích cũng có thể làm gián đoạn thói quen hàng ngày của bạn.

2. Các triệu chứng không liên quan đến hội chứng ruột kích thích

Các triệu chứng không liên quan đến hội chứng ruột kích thích (IBS) bao gồm:

  • Giảm cân quá mức không giải thích được
  • Chảy máu ruột hoặc máu trong phân
  • Tăng đi tiểu
  • Sốt
  • Thiếu máu
  • Viêm ruột kết
  • Nôn mửa

3. Phân biệt hội chứng ruột kích thích với bệnh viêm ruột

Hội chứng ruột kích thích thường bị nhầm lẫn với bệnh viêm ruột (IBD). Bệnh viêm ruột là một nhóm các bệnh mãn tính hoặc tái phát của đường tiêu hóa. Trong bệnh viêm ruột, hệ thống miễn dịch hoạt động sai, tấn công các tế bào trong ruột. Cơ thể phản ứng bằng cách gửi các tế bào bạch cầu đến niêm mạc ruột, dẫn đến viêm mãn tính.

Hai dạng phổ biến nhất của bệnh viêm ruột là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Mặc dù có nhiều triệu chứng tương tự như hội chứng ruột kích thích, những người bị Crohn và viêm loét đại tràng có nhiều khả năng bị sốt, chảy máu trực tràng, sụt cân và giảm cảm giác thèm ăn. Những người bị bệnh viêm ruột có nguy cơ ung thư ruột kết cao hơn.

Viêm loét đại tràng cũng có thể gây ra những nguyên nhân sau:

  • Phân có máu
  • Chán ăn
  • Thiếu máu
  • Tổn thương da
  • Đau khớp
  • Viêm mắt
  • Rối loạn gan

Chẩn đoán sớm rất quan trọng, vì các biến chứng có thể nghiêm trọng.


Hội chứng ruột kích thích thường bị nhầm lẫn với bệnh viêm ruột
Hội chứng ruột kích thích thường bị nhầm lẫn với bệnh viêm ruột

4. Phân biệt hội chứng ruột kích thích với ung thư?

Một số loại ung thư có thể gây ra một số triệu chứng giống như hội chứng ruột kích thích. Kiểm tra chẩn đoán có thể loại trừ những điều này. Không giống như hội chứng ruột kích thích, ung thư ruột kết có thể gây chảy máu trực tràng, phân có máu và giảm cân rõ rệt.

Các triệu chứng của ung thư buồng trứng bao gồm chán ăn và thiếu năng lượng. Phụ nữ bị ung thư buồng trứng có thể nhận thấy quần áo của họ có cảm giác chật do vòng bụng tăng lên.

Các triệu chứng như vậy thường không xuất hiện cho đến khi chuyển sang giai đoạn nặng, điều này khiến việc phát hiện sớm rất quan trọn.

5. Hội chứng ruột kích thích và các bệnh lý khác

Các bệnh lý khác cũng có thể tạo ra các triệu chứng tương tự như hội chứng ruột kích thích. Ví dụ:

  • Bệnh Celiac: Là một chứng rối loạn tiêu hóa do gluten gây ra. Đây là một loại protein được tìm thấy trong lúa mạch, lúa mạch đen và lúa mì. Ngoài các triệu chứng khác, bệnh celiac có thể gây nôn mửa, sụt cân và phân có mùi hôi. Nó cũng có thể dẫn đến thiếu máu, đau xương hoặc khớp, co giật và phát ban.
  • Bệnh túi thừa không phải lúc nào cũng tạo ra các triệu chứng đáng chú ý, ngoài chứng đầy hơi. Tuy nhiên, túi thừa có thể biến thành diverticulITIS, có nghĩa là các khu vực của đại tràng có thể bị nhiễm và viêm gây đau bụng, sốt, ớn lạnh và thậm chí phân có máu.
  • Lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích có nhiều triệu chứng tương tự nhau, đặc biệt là đau vùng chậu. Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô đáp ứng với hormone bên trong tử cung, bằng cách nào đó bị dính vào các khu vực khác của cơ thể, thường là ruột. Nó có thể dẫn đến đau quặn bụng, đau bụng kinh, đau khi giao hợp và chảy máu giữa các kỳ kinh cùng với nhiều triệu chứng khác, tùy thuộc vào vị trí của mô nội mạc tử cung bất thường.
  • Ợ chua có xu hướng gây ra cảm giác nóng rát sau xương ức, thường là sau bữa ăn, khi nằm hoặc cúi xuống.
  • Chứng khó tiêu có thể gây khó chịu ở vùng bụng trên, đôi khi sau khi ăn, nhưng không liên quan đến việc đi vệ sinh.
  • Không dung nạp lactose có nghĩa là cơ thể bạn không thể dung nạp lactose, loại đường có trong sữa. Theo Viện Quốc gia về bệnh tiểu đường, tiêu hóa và bệnh thận, các triệu chứng kéo dài từ 30 phút đến 2 giờ sau khi ăn các sản phẩm làm từ sữa. Ngoài đầy hơi và tiêu chảy, bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn.

Tóm lại, hội chứng ruột kích thích không có một nguyên nhân duy nhất và có thể tồn tại với các tình trạng khác khiến cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Các bệnh lý khác có thể bị nhầm với hội chứng ruột kích thích vì các triệu chứng của bệnh thường phổ biến.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  • hội chứng ruột kích thích diet: What to do and what to avoid. (2016). aboutibs.org/ibs-diet/ibs-diet-what-to-do-and-what-to-avoid.html
  • hội chứng ruột kích thích vs. Bệnh viêm ruột . (n.d.). crohnscolitisfoundation.org/what-is-ibd/ibs-vs-ibd
  • Inflammatory bowel disease (Bệnh viêm ruột ). (2019). cdc.gov/ibd/
  • Irritable bowel syndrome: What helps – and what doesn’t. (2019). ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279415/
  • Lactose intolerance. (n.d.). niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/lactose-intolerance
  • Mayo Clinic Staff. (2019). Colon cancer. mayoclinic.org/diseases-conditions/colon-cancer/symptoms-causes/syc-20353669
  • Mayo Clinic Staff. (2019). Diverticulitis. mayoclinic.org/diseases-conditions/diverticulitis/symptoms-causes/syc-20371758
  • Mayo Clinic Staff. (2019). Endometriosis. mayoclinic.org/diseases-conditions/endometriosis/symptoms-causes/syc-20354656
  • Mayo Clinic Staff. (2019). Ovarian cancer. mayoclinic.org/diseases-conditions/ovarian-cancer/symptoms-causes/syc-20375941
  • Thompson, W. Grant. (n.d.). Irritable bowel syndrome (hội chứng ruột kích thích ), Heartburn, Dyspepsia: What’s the difference? iffgd.org/publications-library/library/53.html
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe