Bài viết của TS. Hoàng Thanh Vân, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec
Ghép tế bào gốc tạo máu được chia thành 2 nhóm chính là ghép tự thân và ghép đồng loài. Đây đều là những phương pháp sử dụng tế bào gốc để điều trị các căn bệnh ác tính. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phù hợp. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn phân biệt được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân và đồng loài.
Ghép tế bào gốc tạo máu được chia làm hai nhóm chính: ghép tự thân và ghép đồng loài (Bảng 1).
Bảng 1: Tóm tắt về hai phương pháp ghép TBG tạo máu chính.
Ghép tự thân | Ghép đồng loài | |
Chỉ định |
Các bệnh ung thư của tế bào plasma (như u đa tuỷ xương) Lymphoma (Hogdkin và không Hogdkin) U đặc Các bệnh khác |
Ung thư bạch cầu dòng tuỷ Ung thư bạch cầu dòng lympho Hội chứng loạn sinh tuỷ/Rối loạn tăng sinh tuỷ Lymphoma Suy tuỷ xương Các bệnh khác |
Nguồn TBG | Từ bệnh nhân |
Từ người cho với HLA thích hợp: Người thân hoặc người lạ Máu cuống rốn tự thân hoặc từ người cho thứ ba |
Ưu điểm |
Nguy cơ thấp Cơ hội mọc mảnh ghép rất cao Không có các vấn đề bất đồng miễn dịch như bệnh vật ghép chống chủ |
Các phản ứng miễn dịch chống lại tế bào ung thư giúp tăng hiệu quả điều trị Là cơ hội chữa khỏi bệnh duy nhất ở một số bệnh ác tính |
Nhược điểm |
Không có các phản ứng miễn dịch chống lại tế bào ung thư Tế bào ung thư có thể bị lẫn trong mảnh ghép |
Các phản ứng miễn dịch có thể đào thải mảnh ghép Nguy cơ cao hơn ghép tự thân Bệnh vật ghép chống chủ có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân và cần kiểm soát tốt |
Ghép tự thân sử dụng tế bào gốc của chính bệnh nhân và được thu thập trước khi bệnh nhân trải qua một quá trình điều trị bằng hóa xạ trị liều cao. Hoá trị và xạ trị sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng cũng giết chết các tế bào phân chia nhánh trong cơ thể như tế bào máu. Tế bào gốc tạo máu sẽ được truyền lại cho bệnh nhân để khôi phục lại những tổn thương này. Hơn 90% các ca ghép tự thân được chỉ định cho các bệnh ung thư của tế bào plasma, ví dụ đa u tủy xương, lymphoma Hodkin và không Hodkin, u đặc.
Ghép đồng loài sử dụng TBG của người cho để truyền vào người nhận. Ghép đồng loài được chỉ định chủ yếu cho các bệnh ung thư bạch cầu dòng tủy, ung thư bạch cầu dòng lympho, hội chứng loạn sinh tủy/rối loạn tăng sinh tủy, lymphoma, suy tủy xương (chiếm hơn 80% các ca ghép đồng loại). TBG có thể lấy từ nhiều nguồn khác nhau: người thân hoà hợp HLA hoàn toàn hoặc không hoàn toàn, người không cùng huyết thống với HLA thích hợp hoặc máu cuống rốn. Trong trường hợp không tìm được người thân có hệ miễn dịch phù hợp, các bác sĩ sẽ tìm người cho trong các hệ thống dữ liệu quốc tế, ví dụ như World Marrow Donor Association (WMDA, https://wmda.info), National Marrow Donor Program (NMDP, https://bethematch.org/about-us/) v.v...
XEM THÊM: Phòng ngừa các biến chứng trong ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài
Gần đây, các nghiên cứu mới đã cho thấy TBG từ người cho bán hoà hợp (bố mẹ, con cái hoặc anh/chị/em của bệnh nhân) có thể được sử dụng cho ghép mà không làm tăng nguy cơ thải ghép và gây bệnh vật ghép chống chủ nếu xử lý mảnh ghép thích hợp. Với việc mở rộng các nguồn cho TBG, những tiến bộ trong kỹ thuật xử lý mảnh ghép và điều trị các biến chứng sau ghép, số lượng các ca ghép TBG đồng loại không ngừng tăng lên, mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân và gia đình của họ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.