Hội thảo tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec lần 2 (VCGT2018) diễn ra cuối tháng 10 vừa qua tại Hà Nội đã trở thành diễn đàn của các chuyên gia đến từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Nhật, Singapore và Việt Nam trình bày, thảo luận và trao đổi các tiến bộ mới nhất cũng như các thách thức trong nghiên cứu tế bào gốc, tế bào miễn dịch và công nghệ gene hiện nay.
Các nghiên hướng nghiên cứu cơ bản và lâm sàng của Vinmec trình bày tại hội nghị lần này đã gây ấn tượng sâu sắc, tạo tiền đề cho các hợp tác với các Trường Đại học và Viện nghiên cứu trên thế giới.
Các báo cáo khoa học “chất” tại hội thảo
Hội thảo VCGT2018 gồm hai nội dung chủ đạo hiện nay trong xu hướng y học cá thể hoá và y học tái tạo đó là Liệu pháp Gen và Liệu pháp Tế bào.
Mở đầu phiên thảo luận về liệu pháp tế bào, GS. Ludovic Vallier, Giám đốc Trung tâm tế bào gốc vạn năng cảm ứng của người (hiPSC), đại học Cambridge, Anh đã giới thiệu các thành tựu mới nhất của ông về tạo ống mật và xây dựng mô hình bệnh gan ở người. Các kết quả của ông hiện đang được thử nghiệm lâm sàng và sẵn sàng cho ứng dụng lâm sàng.
Ông Ludovic Vallier, Giám đốc Trung tâm tế bào gốc vạn năng cảm ứng của người (hiPSC), Đại học Cambridge, Anh
Trong nỗ lực phát triển liệu pháp tế bào, GS. Anthony Ho, đại học Ruprecht-Karls Heidelberg, chuyên gia thế giới về huyết học, ung thư máu và ghép tế bào gốc cho ung thư máu đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong 30 năm phát triển liệu pháp tế bào, từ tế bào gốc tạo máu tới tế bào CAR-T, để điều trị ung thư tại Heidelberg.
GS Anthony Ho, ĐH Ruprecht-Karls Heidelberg chia sẻ kinh nghiệm về liệu pháp tế bào, từ tế bào gốc tạo máu tới tế bào CAR-T điều trị ung thư
Ông Daniel Besser (Giám đốc điều hành German Stem Cell Network - GSCN) chia sẻ về mạng lưới nghiên cứu stem cell tại Đức và châu Âu.
Các thành tựu trong nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị các chứng bệnh liên quan đến thần kinh như tự kỷ, bại não, và xuất huyết não... ở trẻ nhỏ tại Vinmec đã gây tiếng vang lớn tại hội nghị. Mặc dù còn nhiều câu hỏi từ các nhà quản lý nhưng các tiến bộ trong kết quả điều trị là minh chứng rõ ràng nhất cho liệu pháp tế bào, GS. Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng VRISG chia sẻ.
GS. Nguyễn Thanh Liêm (Viện trưởng VRISG) công bố những những thành tích ấn tượng trong 2 năm vừa qua của VRISG
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ chỉnh sửa gen (Gene Editing) kết hợp với công nghệ giải trình tự thế hệ mới, các bệnh di truyền do đột biến gen trước đây được cho là không thể chữa khỏi thì nay đã có khả năng được điều trị. Trong phiên hội thảo đầu tiên, TS. Takao Togawa, Đại học thành phố Nagoya, Nhật Bản, đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển các xét nghiệm di truyền phân tử phục vụ chẩn đoán ứ mật trong gan ở trẻ sơ sinh, đây là bệnh hiếm gặp và phức tạp. TS. Togawa và cộng sự đã nghiên cứu thành công phương pháp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh bằng kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới và xây dựng danh mục (panel) trên 18 gene gây bệnh. Kết quả này mở ra hi vọng cho những người mắc căn bệnh hiểm nghèo này.
TS. Takao Togawa, Đại học thành phố Nagoya, Nhật Bản
Trong một báo cáo khác, GS. Thomas LaFramboise (TS. Toán học và TS. Sinh học), Đại học Case Western Reverse, Mỹ, đã cập nhật các thành tựu mới chẩn đoán các bệnh di truyền liên quan tới hệ gen ty thể. Cũng trong phiên thảo luận này, xu hướng phát triển và ứng dụng cùng với những thách thức, khó khăn của y học cá thể hoá cũng được thảo luận. Đó là tính đa dạng di truyền người, do đó, cần có những hợp tác song phương, đa phương để cùng nhau giải quyết.
Khẳng định uy tín và vị trí của Vinmec trong nghiên cứu tế bào gốc & công nghệ gen
Hội thảo VCGT lần thứ 2 năm nay đã có bước nhảy vọt cả về chất lượng lẫn quy mô. Với sự tham gia của 18 diễn giả thế giới và Việt Nam, hội thảo đã thu hút hơn 300 đại biểu tham dự trên toàn quốc.
Hội thảo đã thu hút các diễn giả đến từ nhiều quốc gia tiên tiến
Thành công này khẳng định vị thế và mở ra nhiều cơ hội phát triển và hợp tác không chỉ đối với Vinmec mà còn với các trường ĐH, Viện nghiên cứu và bệnh viện khác. Một trong những thành tựu lớn sau hội thảo đó là đã có nhiều thoả thuận hợp tác được ký kết cũng như lời mời sang giảng bài và trao đổi học thuật đã được các bên nhất trí.
Các đối tác Nhật Bản đã mời GS. Nguyễn Thanh Liêm giảng bài tại Nhật và đề nghị triển khai hợp tác hướng nghiên cứu sử dụng tế bào gốc trong điều trị teo đường mật bẩm sinh. GS. Thomas LaFramboise (Đại học Case Western Reverse, Mỹ) đã đề nghị hợp tác chặt chẽ hơn theo hướng nghiên cứu bệnh học di truyền và thống kê y học với Vinmec. GS. Anthony Ho và GS. Ludovic Vallier đã trân trọng mời các cán bộ VRISG tham quan và trao đổi hợp tác tại Trung tâm tế bào gốc vạn năng cảm ứng của người (hiPSC), Đại học Cambridge (Anh).
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo
Với mong muốn thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng liệu pháp gen và liệu pháp tế bào, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen sẽ tổ chức hội thảo VCGT thường niên với chất lượng và quy mô ngày càng cao.
THÔNG TIN THÊM VỀ CÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA VRISG
- Kết quả của việc ghép tế bào gốc đơn nhân từ tủy xương tự thân cho bệnh nhân bại não: Thử nghiệm lâm sàng nhãn mở không đối chứng
- Ghép tế bào gốc đơn nhân từ tủy xương để điều trị loạn sản phế quản phổi: Báo cáo ca điều trị
- Những tác động của việc ghép tế bào gốc đơn nhân tủy xương lên chất lượng cuộc sống của trẻ bại não
THÔNG TIN THÊM VỀ CÁC ỨNG DỤNG TẾ BÀO GỐC - CÔNG NGHỆ GEN TẠI VINMEC
- Em bé bại não phục hồi kì diệu sau ghép tế bào gốc
- Bé 7 tuổi bại não do vàng da thay đổi kỳ diệu sau 6 tháng ghép tế bào gốc