Phân biệt cúm mùa và Covid-19 như thế nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ cao cấp, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm - Bác sĩ Nội truyền nhiễm - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Cúm mùa và cúm Corona đều là bệnh lây qua đường hô hấp, nhưng do các loại virus khác nhau gây ra. COVID-19 dễ lây lan hơn bệnh cúm, nhưng khi ngày càng có nhiều người được chủng ngừa đầy đủ thì sự lây lan sẽ chậm lại. Vậy có thể phân biệt cúm thường với cúm Corona bằng cách nào?

1. Triệu chứng thường gặp của cúm mùa và Covid 19

Cả COVID-19 và bệnh cúm mùa đều có thể biểu hiện các mức độ triệu chứng khác nhau, từ không triệu chứng đến các triệu chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng phổ biến mà COVID-19 và bệnh cúm đều có bao gồm:

  • Sốt hoặc cảm thấy nóng / ớn lạnh
  • Ho
  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Viêm họng
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể
  • Đau đầu
  • Nôn mửa và tiêu chảy
  • Thay đổi hoặc mất vị giác / khứu giác (phổ biến hơn ở COVID-19).

Phân biệt cúm thường với cúm Corona
Phân biệt cúm thường với cúm Corona

2. Vì sao khó phân biệt cúm thường và Covid?

Vì một số triệu chứng của bệnh cúm, COVID-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là tương tự nhau, nên không thể phân biệt cúm thường và Covid nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh. Thậm chí một người có thể bị nhiễm cả bệnh cúm và COVID-19 cùng một lúc, do đó có các triệu chứng của cả hai.

Trong 3 triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của Covid-19 là sốt, ho khan và khó thở, chỉ có khó thở là không liên quan đến cảm lạnh hay cúm. Nhưng theo nghiên cứu, những người tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đủ liều nếu nhiễm bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và càng ngày càng giống như cảm cúm. Do đó, nếu muốn phân biệt cúm và Covid-19 cũng cần phải xem xét đến yếu tố dịch tễ.

Ngoài ra, mất khứu giác là dấu hiệu được báo cáo sớm nhất và phổ biến liên quan đến SARS-CoV-2, đồng thời là dấu hiệu để phát hiện người mắc COVID-19 hiệu quả hơn so với các triệu chứng như sốt và ho. Không giống như trong các trường hợp cảm lạnh và một số trường hợp cúm mà nguyên nhân mất khứu giác có xu hướng liên quan đến nghẹt mũi (nghẹt mũi do tích tụ chất nhầy), trong COVID-19 mất khứu giác đột ngột có thể liên quan trực tiếp đến nhiễm trùng SARS-CoV-2 trong biểu mô mũi và các tế bào thần kinh khứu giác mà không có bất kỳ tắc nghẽn nào. Do đó, những người bị mất khứu giác đột ngột nên được nghi ngờ là dương tính với COVID-19 và cần làm xét nghiệm để xác nhận ngay lập tức.

Nhiều loại xét nghiệm đồng thời virus cúm mùa loại A và B và SARS CoV-2 (virus gây ra COVID-19) đã được nghiên cứu và phát triển để phân biệt nếu bạn dương tính với virus cúm hay Covid-19 hay cả hai, một số đã được phê duyệt để sử dụng cho người bệnh. Việc xét nghiệm kết hợp cúm/covid-19 từ ban đầu, đặc biệt là cho những người có nguy cơ cao biến chứng, để phát hiện sớm và điều trị kịp thời dù bạn nhiễm cúm hay SARS-CoV-2, sẽ là một phương pháp hữu hiệu trong tương lai.

3. Sự nguy hiểm của cúm và Covid-19

Cúm là một căn bệnh tương đối phổ biến, lành tính nhưng vẫn có nguy cơ gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người già và người lớn có tình trạng sức khỏe mãn tính. Hầu hết những người khỏe mạnh bị cúm sẽ tự khỏi trong vài ngày đến 2 tuần, nhưng một số người sẽ gặp các biến chứng nặng, cần phải nhập viện. So với COVID-19, bệnh cúm thường gây nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn hơn. Tiêu chảy cũng thường gặp ở trẻ nhỏ bị cúm hơn ở người lớn bị cúm.

Tuy nhiên, cúm thường với Corona virus đều có thể dẫn đến bệnh cảnh nặng và biến chứng, những đối tượng có nguy cơ cao nhất bao gồm:

  • Người cao tuổi
  • Những người bệnh nền
  • Trẻ sơ sinh và trẻ em
  • Phụ nữ mang thai

Các biến chứng của COVID-19 và bệnh cúm bao gồm:

  • Viêm phổi
  • Suy hô hấp
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính
  • Nhiễm trùng huyết
  • Tổn thương tim (ví dụ: đau tim và đột quỵ)
  • Suy đa tạng (suy hô hấp, suy thận, sốc)
  • Tình trạng bệnh mãn tính trở nên nặng hơn (liên quan đến phổi, tim, hệ thần kinh hoặc bệnh tiểu đường)
  • Viêm tim, não hoặc các mô cơ
  • Nhiễm trùng thứ phát.

So với bệnh cúm, COVID-19 có thể gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng hơn ở một số người, thậm chí dẫn đến nhập viện và tử vong ngay cả ở những người khỏe mạnh. Một số người nhiễm COVID-19 sau khi xuất viện vẫn có thể có một số vấn đề sức khỏe hậu COVID hoặc hội chứng viêm đa hệ thống.


Cách phân biệt cúm mùa và covid không đơn giản như nhiều người nhĩ
Cách phân biệt cúm mùa và covid không đơn giản như nhiều người nhĩ

4. Nguy cơ đồng nhiễm cúm và Covid-19

Theo lý thuyết, một người có thể bị cúm, cũng như các bệnh đường hô hấp khác và COVID-19 cùng một lúc. Tuy nhiên, sự hiện diện của coronavirus cũng có thể đóng một vai trò trong việc ngăn chặn các ca bệnh cúm, bởi vì thường chỉ có một loại virus đường hô hấp chiếm ưu thế trong một quần thể tại một thời điểm nhất định. Nghĩa là loại virus này có xu hướng ngăn cản loại virus kia. Các chuyên gia y tế vẫn đang nghiên cứu về vấn đề này.

Thực tế, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các trường học đóng cửa, việc đi lại bị đình trệ và hàng triệu người bắt đầu làm việc tại nhà, số ca mắc cúm mùa cũng nhanh chóng giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Khi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 được thực hiện, số ca bệnh cúm đã giảm nhanh chóng và vẫn chưa thấy tăng trở lại. Sự sụt giảm số ca nhiễm cúm mùa trong thời gian Covid-19 hoành hành đã giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nhưng cũng cần phải nói rõ rằng, mặc dù thống kê cho thấy tỷ lệ cúm giảm (do ít tiếp xúc và giảm xét nghiệm cúm) trong đại dịch Covid, nhưng không có nghĩa cúm biến mất mà virus cúm vẫn tiếp tục tồn tại, biến đổi và sẽ quay trở lại trong thời gian tới.

Không giống như với SARS-CoV-2, người dân có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với bệnh cúm sau nhiều năm tiếp xúc với các chủng virus cúm khác nhau. Tuy nhiên, cũng giống như SARS-CoV-2, virus cúm vẫn không ngừng đột biến, thay đổi, các chủng virus cúm mới xuất hiện luôn có khả năng gây dịch bệnh và thậm chí là đại dịch cúm. Ngoài ra nếu khả năng miễn dịch của con người đối với bệnh cúm suy giảm trong thời kỳ đại dịch do ít phơi nhiễm, chúng ta có thể dễ mắc bệnh cúm hơn khi tiếp xúc với virus cúm. Mặc dù không biết chính xác thời gian, nhưng các chuyên gia dịch tễ học tại CDC cho biết người dân có thể dễ bị nhiễm virus hơn khi cúm mùa quay trở lại.

Trong thời gian bình thường mới sắp tới - khi hàng triệu người quay trở lại phương tiện công cộng, nhà hàng, trường học và văn phòng - dịch cúm có thể lan rộng hơn bình thường, hoặc có thể xảy ra vào những thời điểm bất thường trong năm. Cúm và Covid-19 đều là những bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là khi bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, do đó việc phòng ngừa và chẩn đoán cả 2 bệnh này đều nên được quan tâm.

5. Nên tiêm vắc xin phòng cúm ở đâu?

Để tiêm cúm, bạn nên lựa chọn các bệnh viện/Trung tâm tiêm chủng uy tín, cung cấp nguồn vắc xin đảm bảo chất lượng, tuân thủ quy trình tiêm và theo dõi sau tiêm chặt chẽ, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe