Phải ngậm bông bao lâu sau khi nhổ răng?

Hiện tượng chảy máu sau nhổ răng là điều bình thường do các mạch máu bị tổn thương, khi mạch máu bị đứt cơ chế cầm máu sẽ được khởi động và hình thành cục máu đông đóng kín vết thương. Vậy cần ngậm bông bao lâu sau khi nhổ răng?

1. Cắn bông sau khi nhổ răng có tác dụng gì?

Sau khi kết thúc quá trình nhổ răng, hiện tượng đầu tiên chúng ta nhận thấy là chảy máu và đau. Đây được xem là một phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể khi các mô mềm bị tổn thương. Lúc này, các bác sĩ sẽ cầm máu bằng việc hướng dẫn bạn ngậm hoặc cắn chặt bông tại vị trí nhổ răng, để chặn lại phần mao mạch bị tác động, giúp hình thành cục máu đông ở vết thương.

Cục máu đông có vai trò cầm máu, tránh cho bạn bị mất máu quá nhiều dẫn đến mất sức. Bên cạnh đó, nó còn ngăn không cho những mảnh vụn, mảng bám thức ăn lọt vào ổ xương răng khi vết thương còn hở, tránh được nguy cơ nhiễm trùng và viêm ổ xương răng về sau. Do vậy, ngậm bông cầm máu sau nhổ răng là việc làm hết sức cần thiết.

2. Cắn bông gạc sau khi nhổ răng như thế nào?

Ngay sau nhổ răng xong, bác sĩ sẽ cho bạn cắn miếng gạc để thấm máu. Sau khi về nhà, nếu miếng gạc đã bị thấm ướt, bạn có thể thay bông gạc khác. Tuy nhiên, bạn hãy thực hiện đúng hướng dẫn thay gạc như sau:

  • Rửa tay sạch sẽ để khô ráo trước khi thay bông gạc.
  • Gấp bông gạc thành miếng nhỏ vừa miệng, tránh dính vào vết thương, gây khó gỡ lúc lấy ra.
  • Nhả bông cũ trong miệng ra ngoài và nhẹ nhàng đặt cục bông mới vào ngập vùng răng nhổ bỏ. Bạn cũng có thể sử dụng nhíp đã được sát khuẩn để đưa bông vào miệng dễ dàng hơn, hạn chế há miệng quá to. .
  • Không súc miệng trong vòng 6 tiếng sau khi nhổ răng, ngay cả khi bạn thay bông. Bạn có thể kết hợp chườm đá lạnh bên ngoài vùng má để giảm đau và giúp vết nhổ cầm máu nhanh hơn.

Lưu ý khi chọn bông y tế để áp vào vị trí nhổ răng, bạn nên lựa các loại bông đã được tiệt trùng, có độ thấm hút tốt để ngăn ngừa máu chảy tràn ra ngoài.

3. Ngậm bông bao lâu sau khi nhổ răng?

Tùy vào cơ địa từng người và tính chất của ca phẫu thuật mà thời gian cầm máu sẽ khác nhau. Với những ca dễ, người bệnh hợp tác tốt thì thời gian cầm máu khoảng 30 phút – 1h. Với những ca khó phải can thiệp phẫu thuật rộng thì bạn cần phải cắn bông gạc lâu hơn.

Đối với trường hợp nhổ răng khôn, sự ảnh hưởng đến mô mềm cũng nhiều hơn, vết thương thường khá sâu do cần mở tách nướu để loại bỏ hết mầm răng bên trong. Do vậy, sau khi nhổ răng xong bạn nên cắn bông tối thiểu ít nhất 30-60 phút. Nếu qua thời gian này mà máu vẫn còn rỉ ra, bạn hãy thay bông khác và ngậm tiếp cho đến khi cầm máu hoàn toàn.

Mỗi lần thay miếng gạc mới bạn nên kiểm tra xem miếng gạc cũ có cục máu đông màu thẫm hay không? Nếu có máu đông vón cục thì là tốt nhất. Nếu nhiều máu tươi không đông thì bạn cần báo cho bác sĩ biết.

Sau khi tháo gạc, bạn hãy nằm yên nghỉ ngơi khoảng 5 phút và kiểm tra lại xem máu đã ngừng chảy chưa. Nếu máu vẫn còn chảy nhiều thì tiếp tục cắn gạc chặt đên khi cầm hẳn.

Tuy nhiên, có một vài trường hợp sau 24h đầu sau mổ, đến ngày hôm sau máu vẫn chảy nhiều, thấm đẫm miếng bông gạc thì bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

Cắn hoặc ngậm bông gạc là việc làm vô cùng quan trọng sau khi nhổ răng, không chỉ giúp cầm máu mà còn hỗ trợ giảm đau, giúp vết thương nhanh chóng hồi phục. Hy vọng thông qua bài viết trên đây, bạn đọc đã biết thời gian ngậm bông gạc bao lâu để bảo vệ sức khỏe răng miệng của mình một cách tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe