Ở một số phụ nữ, ung thư vú có thể tái phát sau khi điều trị vào nhiều năm sau đó. Ung thư vú tái phát có thể là cục bộ, khu vực hoặc di căn. Vì vậy, điều trị bệnh sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm cùng với tình trạng thực tế của bệnh để có thể giúp bệnh nhân tìm được phác đồ điều trị phù hợp.
1. Ung thư vú tái phát
Mọi phụ nữ ung thư vú tự hỏi liệu ung thư có tái phát không. Đối với một số phụ nữ thì không, nhưng với số khác thì vẫn có thể xảy ra. Ung thư vú có thể tái phát bất cứ lúc nào, nhưng hầu như các đợt tái phát sẽ xảy ra trong 5 năm đầu sau khi điều trị.
Ung thư vú có thể tái phát cục bộ hoặc tái phát ở một vị trí bất kỳ trong cơ thể. Một số vị trí phổ biến nhất ngoài vú có thể tái phát ung thư vú là các hạch bạch huyết, xương, gan, phổi và não.
2. Chẩn đoán ung thư vú tái phát
Nếu bác sĩ nghi ngờ có người bệnh có thể bị ung thư vú tái phát thì họ có thể dựa vào kết quả chụp x-quang tuyến vú hoặc khám thực thể hoặc dựa vào một số dấu hiệu và triệu chứng để đề nghị các xét nghiệm bổ sung giúp cho quá trình chẩn đoán xác định bệnh chính xác hơn.
Các xét nghiệm đó có thể là:
- Xét nghiệm hình ảnh: Những xét nghiệm hình ảnh mà người bệnh cần phải làm sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Xét nghiệm đó bao gồm: chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp X-quang, quét xương hoặc chụp cắt lớp phản xạ (PET). Không phải tất cả những người bệnh đều cần phải kiểm tra xét nghiệm này. Bác sĩ chuyên khoa sẽ xác định xem xét nghiệm nào hữu ích nhất với tình trạng bệnh thực tế.
- Loại bỏ một mẫu mô để thử nghiệm sinh thiết: Bác sĩ sẽ đề nghị áp dụng quy trình sinh thiết để thu thập thập các tế bào nghi ngờ. Tiếp sau đó, sẽ sử dụng các phương pháp xét nghiệm các tế bào nghi ngờ này để xác định xem ung thư đã tái phát hay chưa. Toàn bộ quá trình này sẽ được thực hiện trong phòng thí nghiệm bởi nhà nghiên cứu bệnh học. Nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra các tế bào và xác định các loại tế bào liên quan khác.
Nhà nghiên cứu bệnh học cũng có thể xác định xem liệu ung thư là ung thư tái phát hay một loại ung thư mới. Các xét nghiệm cũng cho thấy liệu ung thư có nhạy cảm với điều trị bằng hormone hay liệu pháp điều trị mục tiêu hay không. Vì những điều này có thể đã thay đổi kể từ khi chẩn đoán ung thư ban đầu của người bệnh.
3. Điều trị ung thư vú tái phát
Các lựa chọn điều trị cho ung thư vú tái phát sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ của bệnh, tình trạng thụ thể hormone, loại điều trị được áp dụng trong lần đầu khi chẩn đoán ung thư vú. Bác sĩ sẽ dựa vào các kết quả xét nghiệm cũng như tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân cụ thể để xem xét mục tiêu điều trị.
3.1. Điều trị ung thư tái phát cục bộ
Điều trị ung thư tái phát cục bộ hay còn gọi là tái phát tại chỗ. Phác đồ điều trị của ung thư vú tại chỗ thường bắt đầu bằng phẫu thuật và có thể bao gồm phương pháp xạ trị nếu trước đó người bệnh chưa từng được điều trị. Hay phương pháp hoá trị và liệu pháp hormone cũng có thể được khuyến nghị dùng trong trường hợp này.
Phẫu thuật: Đối với ung thư vú tái phát mà chỉ giới hạn ở vú thì điều trị bằng phẫu thuật thường sẽ loại bỏ bất kỳ mô vú còn lại có chứa ung thư. Nếu trong lần điều trị đầu tiên người bệnh được sử dụng phương pháp điều trị phẫu thuật cắt bướu, thì bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ vú để loại bỏ tất các các mô vú như thuỳ, ống dẫn, mô mỡ, da và núm vú. Nếu ung thư vú trong lần điều trị ban đầu được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ vú và ung thư tái phát ở trong thành ngực thì bác sĩ có thể sẽ đề nghị phải phẫu thuật để loại bỏ ung thư mới cùng với viền mô bình thường.
Một đợt tái phát cục bộ có thể đi kèm với ung thư ẩn trong các hạch bạch huyết gần đó. Vì lý do này, bác sĩ phẫu thuật có thể sẽ loại bỏ một số hoặc tất cả các hạch bạch huyết gần đó nếu chúng không được loại bỏ trong quá trình điều trị ban đầu.
Xạ trị: Xạ trị sẽ sử dụng các chùm tia năng lượng cao, chẳng hạn như tai X để tiêu diệt các tế bào ung thư. Nếu người bệnh không điều trị theo phương pháp xạ trị trong lần điều trị đầu tiên, thì bác sĩ có thể khuyên điều trị cho lần này. Nhưng nếu người bệnh đã áp dụng phương pháp xạ trị sau phẫu thuật cắt bướu, thì xạ trị để điều trị cho ung thư vú tái phát thường không được khuyến nghị bởi vì chúng có thể gây nguy cơ tác dụng phụ.
Hoá trị: Hoá trị sẽ được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể đề nghị hoá trị sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Liệu pháp hormone: Phương pháp này sẽ sử dụng các loại thuốc làm ngăn chặn tác dụng thúc đẩy tăng trưởng của hormone estrogen và progesterone. Phương pháp này có thể sẽ được khuyến nghị áp dụng nếu ung thư vú dương tính với thụ thể hormone.
Phương pháp điều trị mục tiêu: Nếu xét nghiệm cho thấy các tế bào ung thư sản xuất protein HER2 dư thừa, thì các loại thuốc điều trị mục tiêu sẽ được khuyến nghị cho những trường hợp này.
3.2. Điều trị ung thư vú tái phát khu vực
Phác đồ điều trị ung thư vú tái phát khu vực bao gồm:
Phẫu thuật: Nếu có thể phẫu thuật để loại bỏ ung thư là phương pháp điều trị được khuyến nghị cho ung thư vú tái phát khu vực. Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể loại bỏ được các hạch bạch huyết dưới cánh tay của bệnh nhân nếu chúng vẫn còn.
Xạ trị: Đôi khi xạ trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật. Nếu phẫu thuật là không thể, thì xạ trị có thể được sử dụng như là một phương pháp điều trị chính cho ung thư vú tái phát khu vực.
Điều trị bằng thuốc: Các phương pháp điều trị như hoá trị, liệu pháp điều trị mục tiêu hoặc liệu pháp hormone cũng có thể được khuyến cáo là phương pháp điều trị chính hoặc có thể được sử dụng sau phẫu thuật hay xạ trị.
3.3. Điều trị ung thư vú tái phát di căn
Nhiều phương pháp điều trị tồn tại cho ung thư vú di căn. Lựa chọn sử dụng phương pháp nào sẽ phụ thuộc vào nơi mà ung thư đã lan rộng. Nếu điều trị không hiệu quả hoặc ngừng hoạt động thì có thể thử các phương pháp điều trị khác.
Mục tiêu của điều trị ung thư vú di căn không phải là chữa khỏi bệnh. Điều trị có thể cho phép người bệnh sống lâu hơn và có thể giúp làm giảm các triệu chứng ung thư đang gây ra. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng thực tế của bệnh áp dụng các phương pháp điều trị để đạt được sự cân bằng giữa việc kiểm soát các triệu chứng cũng như giảm thiểu các tác dụng độc hại từ điều trị. Mục đích cuối cùng là để giúp cho bệnh nhân sống tốt nhất có thể càng lâu càng tốt.
Phác đồ điều trị cho ung thư vú tái phát di căn bao gồm:
Liệu pháp hormone: Nếu ung thư vú di căn dương tính với thụ thể hormone, thì điều trị theo liệu pháp hormone sẽ được khuyến nghị. Liệu pháp này có ít tác dụng phụ hơn phương pháp điều trị hoá trị liệu, vì vậy trong nhiều trường hợp đây sẽ là phương pháp điều trị đầu tiên được sử dụng để điều trị cho ung thư vú tái phát di căn.
Hoá trị: Bác sĩ có thể đề nghị điều trị hoá trị liệu nếu ung thư vú tái phát âm tính với thụ thể hormone hoặc nếu liệu pháp hormone không đáp ứng với trường hợp này.
Phương pháp điều trị mục tiêu: Nếu các tế bào ung thư có những đặc điểm nhất định khiến chúng dễ bị tổn thương thì bác sĩ sẽ khuyên áp dụng phương pháp điều trị mục tiêu bằng cách sử dụng thuốc.
Thuốc xây dựng xương: Nếu ung thư đã di căn đến xương, bác sĩ có thể khuyên dùng loại thuốc xây dựng xương để giảm nguy cơ gãy xương hoặc giảm đau xương mà người bệnh có thể gặp phải.
Phương pháp điều trị khác: Liệu pháp xạ trị và phẫu thuật có thể được sử dụng trong một số tình huống để kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú tiến triển.
Việc điều trị ung thư vú tái phát sẽ dựa vào các thăm khám, chẩn đoán bệnh, từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp tốt nhất cho sức khỏe của bệnh nhân.
Ung thư vú là căn bệnh gây ra tỷ lệ tử vong cao ở nữ giới, tuy nhiên bệnh có thể điều trị nếu phát hiện và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát. Bên cạnh đó, bản thân mỗi chị em cũng phải tự bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng cách tự kiểm tra và cảm nhận bất kỳ sự thay đổi nào ở vú và khu vực quanh vú. Đặc biệt với những chị em phụ nữ đã phẫu thuật điều trị ung thư vú cần tái khám thường xuyên để kịp thời phát hiện tình trạng ung thư vú tái phát.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org