Suy nhược thần kinh là dạng rối loạn thần kinh phổ biến nhất, chiếm đến 60 - 70% trường hợp tại các khoa thần kinh và tâm thần. Bệnh thường gặp ở những người lao động trí óc và đặc biệt là ở phụ nữ. Phác đồ điều trị suy nhược thần kinh là sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và một số loại thuốc hỗ trợ.
1. Suy nhược thần kinh là gì?
Suy nhược thần kinh là bệnh lý do rối loạn chức năng vỏ não và các trung khu dưới vỏ do tế bào não làm việc quá sức, dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, căng thẳng, lo lắng thái quá,...Suy nhược thần kinh được xếp vào nhóm bệnh tâm thần và thường xảy ra do các vấn đề về tâm lý, căng thẳng, stress kéo dài. Bệnh lý này thường gặp ở những người lao động trí óc hơn là những người lao động chân tay. Phụ nữ cũng là đối tượng dễ mắc suy nhược thần kinh hơn nam giới.
2. Nguyên nhân dẫn tới suy nhược thần kinh là gì?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới suy nhược thần kinh, xuất phát từ bản thân người bệnh hoặc do môi trường tác động:
- Thiếu hụt Serotonin: Serotonin được sử dụng để truyền thông điệp giữa các tế bào thần kinh, có liên quan tới tâm trạng, hoạt động tâm thần và giúp giải tỏa các căng thẳng. Thiếu hụt serotonin là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy nhược thần kinh.
- Chấn thương tinh thần: Sang chấn tâm lý với cường độ mạnh, trong thời gian dài vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể mà không được điều trị cũng có thể dẫn tới suy nhược thần kinh
- Căng thẳng, stress: Áp lực trong công việc, áp lực cuộc sống trong thời gian dài có thể khiến hệ thần kinh bị tổn thương và khó hồi phục.
Các yếu tố khác có khả năng thúc đẩy suy nhược thần kinh bao gồm:
- Hệ thần kinh yếu, không có khả năng chống chọi với áp lực.
- Lao động trí óc quá độ.
- Môi trường sống căng thẳng, mệt mỏi.
- Tiếp xúc với tiếng ồn và môi trường ô nhiễm
- Phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt thời gian dài.
- Mắc các bệnh lý như viêm loét dạ dày, viêm xoang, viêm túi mật,...
- Nghiện rượu hoặc các chất kích thích.
- Mất ngủ trong thời gian dài.
- Chế độ ăn uống không cân bằng, nghèo dinh dưỡng.
- Tính cách hướng nội, ít giao tiếp, hay lo xa và suy nghĩ tiêu cực
3. Triệu chứng của suy nhược thần kinh là gì?
Bệnh nhân bị suy nhược thần kinh thường có các triệu chứng sau:
- Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, ngủ quá ít hoặc ngủ quá nhiều.
- Rối loạn cảm giác: Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, chán nản, buồn bã. Các triệu chứng này có thể thay đổi tùy thuộc vào thể trạng của từng người bệnh.
- Lo âu: Người bệnh thường cảm thấy lo âu quá mức dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, bế tắc và không thể giải quyết các vấn đề thường ngày.
- Tăng nhịp tim: Bệnh nhân suy nhược thần kinh đôi khi cảm thấy họng như bị nghẹn lại, co thắt ở ngực, nhịp tim tăng nhanh, đặc biệt là những lúc căng thẳng.
- Thay đổi tâm trạng: Tâm trạng của bệnh nhân thường không ổn định, thay đổi thất thường, dễ nổi nóng, tức giận, dễ xúc động.
- Tự cô lập bản thân: Bệnh nhân suy nhược thần kinh thường có khuynh hướng tự xa lánh những người xung quanh, thích ở một mình.
- Các triệu chứng khác: Đau mỏi cổ, đau thắt lưng, cơ bị đau nhức, khó chịu ở ngoài da, nóng lạnh thất thường, run chân tay,...
4. Phương pháp điều trị suy nhược thần kinh là gì?
Suy nhược thần kinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn tới nhiều bệnh lý khác như trầm cảm, rối loạn dạng cơ thể,... Trạng thái trầm cảm không điều trị sẽ ngày càng nặng thêm, cảm giác vô dụng, tội lỗi tăng lên rất dễ dẫn đến tự tử. Các dạng rối loạn khác cũng dễ dẫn đến nghiện rượu và nghiện các thuốc an thần do tự điều trị... Cuối cùng, bệnh nhân có nguy cơ mất khả năng lao động và thậm chí là tử vong. Do vậy, bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo suy nhược thần kinh và đi thăm khám kịp thời. Nhìn chung, phác đồ điều trị suy nhược thần kinh gồm liệu pháp tâm lý và sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ.
4.1 Liệu pháp tâm lý
Hỗ trợ tâm lý là một trong những phương pháp cơ bản trong điều trị suy nhược thần kinh. Các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý sẽ trao đổi với bệnh nhân, tìm ra nguyên nhân và giúp bệnh nhân gỡ bỏ những vướng mắc tâm lý. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân các bài tập như thiền, yoga, tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt để duy trì lối sống lành mạnh và giải quyết những căng thẳng cho người bệnh.
4.2 Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc có tác động hỗ trợ, giúp giảm triệu chứng và ổn định tâm lý của bệnh nhân. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc sau để điều trị suy nhược thần kinh:
- Thuốc tác động lên quá trình hưng phấn hệ thần kinh: Arcalion/ Asthenal uống sau khi ăn sáng. Không uống vào buổi trưa và tối.
- Thuốc tăng cường tuần hoàn não như Piracetam, Ginkgo Biloba,...
- Thuốc có tác dụng an thần: Benzodiazepine, Captodiame, Buspirone,...
- Thuốc giảm đau: Paracetamol.
- Các loại vitamin như vitamin B1, B6 giúp tăng khả năng hoạt hóa của các synap thần kinh.
Ngoài ra, chúng ta có thể phòng ngừa suy nhược thần kinh bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục, tránh lạm dụng rượu bia, hoặc các chất kích thích khác... Bệnh nhân không nên đặt tham vọng thử thách quá cao cho bản thân, tích cực chia sẻ, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp. Không nên giữ lại buồn phiền, lo lắng mà hãy chia sẻ với người thân hoặc bạn bè để được giúp đỡ. Nếu có những biểu hiện suy nhược thần kinh, bệnh nhân nên đi khám và tư vấn tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt. Khi điều trị, cần lưu ý tuân thủ theo đúng hướng dẫn và phác đồ của bác sĩ để nhanh chóng hồi phục trạng thái bình thường, không để suy nhược thần kinh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và cuộc sống.
Tóm lại, suy nhược thần kinh nếu không được quan tâm điều trị đúng cách có thể dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm. Bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa khi phát hiện những dấu hiệu ban đầu của bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.