Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong Hồi sức cấp cứu.
Bỏng thực quản ở trẻ em là tổn thương phổ biến do trẻ thường uống nhầm các hóa chất như nước tẩy rửa, xút, nước tro tàu,... Điều trị bỏng thực quản ở trẻ em cần được phát hiện sớm, xử trí cấp cứu kịp thời, sau đó tùy mức độ tổn thương sẽ điều trị theo phác đồ phù hợp.
1. Bỏng thực quản ở trẻ em là như thế nào?
Bỏng thực quản là tình trạng tổn thương thực quản thường gặp ở trẻ em do uống nhầm hóa chất gây bỏng và ăn mòn thực quản như nước tẩy rửa Javen, giấm, axit dùng trong sản xuất pin, ắc-quy hoặc bazơ dùng trong sản xuất bánh tro, mì sợi, ....
2. Triệu chứng bỏng thực quản ở trẻ em
Triệu chứng bỏng thực quản ở trẻ em biểu hiện qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Cấp tính (kéo dài 5 - 6 ngày): Triệu chứng đầu tiên sau khi trẻ uống nhầm chất làm bỏng là rát, nóng, rộp ở môi, miệng, lưỡi và họng. Nóng rát ở miệng lưỡi khiến trẻ không ăn uống được. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị sốt và xuất hiện những mảng màu trắng hay còn gọi là giả mạc ở trên miệng, môi và lưỡi.
- Giai đoạn 2: Hết bệnh giả (kéo dài 7 - 8 ngày): Khi các mảng trắng trên miệng lưỡi bong ra, triệu chứng bỏng, rát giảm bớt, trẻ thấy dễ chịu hơn và có thể ăn uống được, do lúc này vết bỏng thực quản bắt đầu hình thành sẹo và gây hẹp thực quản. Giai đoạn này thường bị nhầm lẫn là khỏi bệnh do thấy trẻ khỏe hơn và ăn uống được.
- Giai đoạn 3: Sẹo làm hẹp thực quản: Khi sẹo hình thành sẽ khiến trẻ nuốt nghẹn, gây khó khăn trong ăn uống từ những thức ăn cứng như cơm, cho đến cháo và cuối cùng là nước sữa, do sẹo làm chít hẹp hoàn toàn thực quản. Khi không thể ăn uống được nữa, cơ thể trẻ bắt đầu suy kiệt, mệt mỏi do đói khát liên tục, dẫn đến sụt cân và có thể tử vong.
3. Phác đồ điều trị bỏng thực quản ở trẻ em
Điều trị bỏng thực quản ở trẻ em dựa trên các nguyên tắc sau:
- Chữa lành lớp niêm mạc của thực quản.
- Chữa và ngừa sẹo làm chít hẹp thực quản.
- Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ khi điều trị.
3.1. Những xử trí ban đầu trong điều trị bỏng thực quản ở trẻ em
Trước tiên cần thực hiện cấp cứu hồi sức hô hấp tuần hoàn theo thứ tự.
- Xác định chất mà trẻ đã uống bằng cách hỏi bệnh.
- Thăm khám trẻ toàn diện.
- Nếu phải nội soi, cho trẻ uống nước hoặc sữa để trung hòa một phần chất gây bỏng.
- Nội soi thanh khí quản để kiểm tra bỏng thực quản có làm tổn thương thanh khí quản kèm theo hay không.
- Nếu nghi ngờ chất gây bỏng làm thủng thực quản thì chỉ định chụp X-quang ngực.
- Trường hợp bỏng thực quản do nuốt phải pin điện tử thì trẻ cần được gây mê để lấy pin ra ngay lập tức, đồng thời theo dõi tình trạng ngộ độc do pin gây ra như ngộ độc kim loại nặng, thủng thực quản.
- Trường hợp trẻ có kèm theo các triệu chứng như rối loạn tri giác, sốc, rối loạn kiềm toan, thủng dạ dày, thực quản thì cần hội chẩn với các chuyên khoa khác (khoa hồi sức, ngoại khoa) để can thiệp kịp thời.
Lưu ý, trong các bước xử trí bỏng thực quản ở trẻ em ban đầu, không nên dùng axit để trung hòa bazơ hoặc dùng bazơ để trung hòa axit và cũng không nên dùng than hoạt để rửa dạ dày cho trẻ vì có thể khiến trẻ bị nôn.
3.2. Nội soi điều trị bỏng thực quản ở trẻ em
Nội soi điều trị bỏng thực quản ở trẻ em được thực hiện trong vòng 24 - 48 giờ sau khi trẻ uống nhầm chất gây bỏng. Tuy nhiên, sau 3 - 5 ngày thì không nên thực hiện nội soi.
Nội soi cho phép đánh giá mức độ tổn thương thực quản theo 3 cấp độ sau:
- Độ 1: Thực quản không bị viêm loét, phù nề, nhưng niêm mạc thực quản xung huyết nhẹ.
- Độ 2: Thực quản bị phù nề, có xuất tiết và loét niêm mạc, nhưng chưa bỏng xuống lớp cơ và làm lộ cơ.
- Độ 3: Các mô thực quản bị tổn thương nặng, có màu tím đen, loét thực quản sâu, lộ cơ ra cạnh thực quản và thủng thực quản.
3.3. Phác đồ điều trị bỏng thực quản ở trẻ em
Sau khi nội soi, tùy vào cấp độ tổn thương trẻ bị bỏng thực quản sẽ được điều trị theo phác đồ phù hợp.
Độ 1: Trẻ được nhập viện để theo dõi sinh hiệu trong vòng 24 - 48 giờ. Băng niêm mạc thực quản, dùng Phosphalugel để trung hòa chất gây bỏng. Nếu sau sinh hiệu ổn định sau 2 ngày điều trị, trẻ có thể được xuất viện và 2 tuần sau tái khám, chụp X-quang thực quản để kiểm tra.
Độ 2: Nội soi thực quản để đặt ống sonde từ mũi xuống dạ dày (đặt ống lớn nhất có thể hoặc đặt 2 ống nhỏ). Trẻ có thể được ăn đồng thời cả 2 ống sonde đường miệng.
- Điều trị bỏng thực quản ở trẻ em với corticosteroid để chống viêm. Tiêm tĩnh mạch chậm 1 liều duy nhất Dexamethasone 1mg/kg, sau đó cho trẻ uống Prednisone 1mg/kg/ngày, hoặc cũng có thể dùng Prednisone từ đầu và dùng trong 2 tuần. Trường hợp thủng thực quản hoặc thủng dạ dày thì không dùng corticosteroid.
- Điều trị kháng sinh bằng tiêm tĩnh mạch Ampicillin 100mg/kg/ngày/4 giờ/lần trong 2 tuần. Nếu bị dị ứng với Ampicillin thì dùng Clindamycin 15mg/kg/ngày/4 h. Trường hợp sau khi dùng Ampicillin không đáp ứng thì chuyển sang Cefotaxim.
- Chống trào ngược axit dạ dày trong điều trị bỏng thực quản bằng cách dùng thuốc kháng H2 và ức chế bơm proton H+.
- Dùng Phosphalugel cần lưu ý tránh làm tổn thương niêm mạc thực quản, dùng thuốc trung hòa axit để băng dạ dày.
- Sau 5 ngày điều trị, nếu ổn định trẻ có thể được xuất viện, tuy nhiên vẫn cần khám dinh dưỡng cho trẻ vì trẻ vẫn ăn bằng ống sonde ở nhà. Sau 3 tuần, đưa trẻ tái khám để chụp X-quang thực quản kiểm tra. Nếu không có dấu hiệu hẹp thực quản có thể rút ống sonde dạ dày. Trường hợp trẻ có biểu hiện nuốt nghẹn sau tái khám một tuần thì tiến hành chụp X-quang thực quản lại để kiểm tra bỏng thực quản có hình thành sẹo làm chít hẹp thực quản không và được điều trị nong thực quản.
Độ 3: Nội soi thực quản và đặt ống sonde dạ dày, đồng thời phối hợp với khoa hồi sức để can thiệp. Trường hợp bỏng thực quản độ 3 chống chỉ định dùng Corticosteroid và vẫn điều trị kháng sinh như độ 2, chống trào ngược dạ dày và băng niêm mạc thực quản. Khi sẹo do bỏng ngừng co rút (có thể từ 3 đến 6 tháng hoặc 1 năm) thì rút ống sonde dạ dày. Nếu trẻ có biểu hiện nuốt nghẹn khi bỏ ống sonde thì cần được điều trị nong thực quản.
3.4. Nong thực quản trong điều trị bỏng thực quản ở trẻ em
Nong thực quản được thực hiện khi thăm khám có bằng chứng cho thấy trẻ bị hẹp thực quản. Số lần tiến hành nong thực quản như sau:
- 15 ngày đầu tiên sau khi bỏng thực quản: 2 lần/tuần.
- 15 - 30 ngày tiếp theo: 1 lần/tuần.
- 2 - 6 tháng: 2 tuần/lần.
- 6 tháng - 1 năm: 1 tháng/lần.
Nếu điều trị nong thực quản không đạt hiệu quả cần có sự can thiệp ngoại khoa. Trẻ sẽ được phẫu thuật cắt nối thực quản, tránh nong quá mức làm vỡ thực quản dẫn đến viêm trung thất và có thể gây tử vong.
3.5. Theo dõi và tái khám sau điều trị bỏng thực quản ở trẻ em
Sau điều trị bỏng thực quản ở trẻ em, cần theo dõi khả năng ăn nuốt và ăn thức ăn đặc của trẻ, cũng như chỉ số tăng trọng của trẻ. Tái khám theo lịch như sau:
- Năm đầu tiên: 1 tháng/lần.
- Năm thứ 2: 2 tháng/lần.
- Năm thứ 3 trở đi: 6 tháng/lần.
Trong quá trình tái khám có thể chụp X-quang thực quản có cản quang để theo dõi bỏng thực quản có làm chít hẹp thực quản không. Nếu sau khi điều trị nong thực quản mà trẻ bị nuốt nghẹn, không ăn được do bỏng sẹo làm chít hẹp thực quản thì cần tiến hành hội chẩn điều trị ngoại khoa để phẫu thuật cắt nối thực quản.Tùy vào mức độ tổn thương do bỏng thực quản khi thăm khám nội soi thực quản trẻ sẽ được điều trị theo phác đồ phù hợp
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.